Bài, ảnh: HỒNG VÂN
Thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn quận Ninh Kiều luôn tập trung mọi nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp tạo việc làm, tạo sinh kế bền vững cho người lao động (NLĐ). Nổi bật là các hoạt động rà soát, hỗ trợ vay vốn; kết nối cung – cầu lao động; phát triển kinh tế ban đêm gắn với giải quyết việc làm cho NLĐ…
“Ăn theo” du lịch
Lãnh đạo quận Ninh Kiều thăm hỏi tình hình hoạt động của Hợp tác xã Bánh dân gian Hương xưa (phường An Nghiệp).
Từ chập tối đến 23 giờ hằng đêm, phố hàng rong tại đường Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu, thuộc khu vực 2, phường Tân An, luôn nhộn nhịp, phục vụ du khách gần xa hàng trăm món thức uống, món ăn vặt độc đáo.
Cứ tầm 16 giờ chiều, vợ chồng ông Nguyễn Sỹ Liêm, ngụ khu vực 2, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, khẩn trương bày hàng bán tận khuya. Ông Liêm là hộ có thâm niên hơn 10 năm bán nước giải khát các loại tại khu vực Bến Ninh Kiều. Vợ chồng ông đều đã lớn tuổi, nhờ nghề này giúp gia đình có đồng ra đồng vào ổn định. Ông Liêm chia sẻ: “Trước đây, tôi bán hàng vòng quanh khu vực Bến Ninh Kiều, phải cạnh tranh địa điểm với nhiều hộ khác nên rất khó buôn bán. Từ khi UBND phường bố trí chỗ kinh doanh cho người bán hàng rong, gia đình tôi buôn bán ổn định. Mỗi buổi chợ đêm, gia đình tôi thu lời từ 200.000-300.000 đồng”. Theo ông Liêm, tuy có thời điểm phải dừng hoạt động do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhưng hiện nay, phố hàng rong đã hoạt động ổn định trở lại, mang lại nguồn thu nhập, tạo việc làm cho gia đình ông và nhiều hộ tiểu thương.
Chị Trần Phương Dung, Phó Chủ tịch UBND phường Tân An, cho biết: “Phố hàng rong hình thành từ năm 2013, tập trung các hộ tiểu thương nhỏ lẻ tại các tuyến đường trên địa bàn phường, tạo điểm tập trung kinh doanh phục vụ du khách; đồng thời góp phần đảm bảo an ninh trật tự, mỹ quan đô thị tại địa bàn, đặc biệt là khu vực Bến Ninh Kiều”. Qua 10 năm hoạt động, phố hàng rong không chỉ là điểm đến về đêm cho người dân và khách du lịch mà còn góp phần tạo việc làm và thu nhập cho 71 hộ kinh doanh.
Thực hiện Ðề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn TP Cần Thơ, quận Ninh Kiều là địa phương được chọn triển khai mô hình thí điểm. Theo đó, từ tháng 4-2022, tuyến phố đi bộ Ninh Kiều trên đoạn đường Hai Bà Trưng (khu vực công viên Ninh Kiều) đã chính thức ra mắt, hoạt động phục vụ người dân địa phương và du khách vào mỗi tối thứ Bảy hằng tuần. Hiện nay, quận cũng đang duy trì, từng bước nâng chất lượng và mở rộng khung thời gian hoạt động từ 18 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, với hoạt động phố hàng rong trên đường Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu; chợ đêm Ninh Kiều trên đường Võ Văn Tần, Nguyễn Thái Học; chợ đêm ẩm thực Cần Thơ trên đường sông Hậu… Mới đây, UBND phường Hưng Lợi vừa tổ chức lễ ra mắt tuyến phố đêm Lê Bình với hơn 60 cơ sở kinh doanh karaoke, cơ sở làm đẹp, quán ăn, quán cà phê và khoảng 40 gian hàng trưng bày, buôn bán các loại đặc sản, trái cây, bánh kẹo, quà lưu niệm… Các hoạt động phát triển kinh tế ban đêm không chỉ góp phần phát triển du lịch mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho NLĐ.
Đa dạng hình thức hỗ trợ
Những năm qua, công tác giải quyết việc làm cho NLĐ luôn được các cấp ủy, chính quyền quận Ninh Kiều quan tâm thực hiện. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận chú trọng công tác tư vấn giới thiệu việc làm cho NLĐ; phối hợp tư vấn cho NLĐ về chương trình lao động trong và nước ngoài gắn với thực hiện đồng bộ các chính sách, dự án giảm nghèo bền vững, vay vốn, học nghề…
LĐLĐ quận thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ; chủ động phối hợp tham gia, đề xuất với các ngành chức năng tổ chức các đợt kiểm tra việc thực hiện Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn; các chính sách, ký kết hợp đồng lao động, xây dựng thang bảng lương; tham gia chế độ bảo hiểm và các chế độ khác cho NLĐ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; nỗ lực nắm chắc tình hình NLĐ mất việc, nghỉ việc tại các doanh nghiệp; chăm lo đời sống NLĐ bằng nhiều hoạt động ý nghĩa.
Hội LHPN quận tích cực triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”. Hiện nay, các cấp Hội đang duy trì 388 tổ, nhóm tiết kiệm, hùn vốn với 11.543 thành viên; thực hiện ủy thác cho 3.448 phụ nữ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ trên 121 tỉ đồng. Để giúp phụ nữ có việc làm ổn định, từ năm 2017 đến nay, các cấp Hội LHPN quận tổ chức dạy nghề cho 472 người, tư vấn và giới thiệu việc làm cho 8.522 lao động nữ; thành lập 5 tổ liên kết ngành nghề truyền thống, giúp lao động nữ nhàn rỗi có việc làm ổn định.
Thông qua nhiều hoạt động thiết thực, năm 2022, toàn quận đã giải quyết việc làm cho 9.206 lao động, đạt 100% chỉ tiêu. Năm 2023, quận Ninh Kiều đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 9.200 lao động. Để thực hiện thành công mục tiêu này, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quận Ninh Kiều đã và đang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân có việc làm, thu nhập ổn định; góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế – xã hội của quận trung tâm.