Với nhiều hình thức đa dạng về nội dung trong công tác tuyên truyền, cùng với những hoạt động hiệu quả, thiết thực, các cấp hội phụ nữ của Quảng Ninh đã thu hút đông đảo cán bộ, hội viên tích cực tham gia công tác bảo vệ môi trường. Qua đó, góp phần thực hiện nếp sống văn minh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân tại nhiều địa phương trong tỉnh.
Sáng tạo trong tuyên truyền, vận động
Thời gian qua, Hội LHPN Quảng Ninh đã cụ thể hóa trong chương trình công tác trọng tâm, tập trung tuyên truyền, vận động, nghiên cứu, hướng dẫn xây dựng các phong trào, cuộc vận động liên quan đến công tác môi trường tới các cơ sở hội trên địa bàn toàn tỉnh.
Năm 2022, các cấp hội đã tổ chức 193 hội nghị truyền thông, tập huấn, hội thảo chuyên đề về môi trường, phòng chống rác thải nhựa với 16.200 lượt người tham gia, chủ yếu là hội viên phụ nữ. Nội dung tập trung là tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường, Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 1/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn, phòng chống rác thải nhựa, phân loại rác thải sinh hoạt, sử dụng rác tái chế, ủ phân hữu cơ, chuyên đề 3 sạch…
Các cấp hội đã cấp phát miễn phí 2.000 tờ rơi, tờ gấp, tài liệu tuyên truyền về bảo vệ môi trường, hơn 200 làn nhựa đi chợ; tham gia xây dựng trên 1.000m2 đường hoa, hàng rào xanh, bồn hoa, tranh tường; duy trì 725 đoạn đường xanh, sạch, đẹp phụ nữ làm nòng cốt; 4 HTX vệ sinh môi trường, trang bị 45.345 thùng rác tại nơi công cộng và hộ gia đình để phân loại rác.
Hội Phụ nữ các cấp đã phát huy tốt vai trò chủ trì tham mưu và là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, vận động triển khai “Ngày Chủ nhật xanh” tại cộng đồng dân cư. Theo đó, phong trào đã nhận được sự phối hợp hành động của các hội, đoàn thể; sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng. Tại địa bàn dân cư duy trì thực hiện vệ sinh môi trường định kỳ vào thứ bảy/chủ nhật hằng tuần ở 177/177 cơ sở hội; 1.524/1.524 chi, tổ hội phụ nữ duy trì nền nếp thực hiện phong trào với 312 kỳ vệ sinh môi trường, 15.600 lượt người tham gia (trên 77,7% phụ nữ làm nòng cốt).
Tham gia một phần dự án “Mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom, xử lý rác thải nhựa vùng ven biển Vịnh Hạ Long”, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo, vận động thành lập 6 mô hình thu gom ve chai với sự tham gia 48 thành viên tại 4 phường Hà Phong, Hồng Hà, Hồng Hải, Tuần Châu. Từ đó đã tổ chức 12 lớp tập huấn về phân loại rác 3R, kiểm toán rác, sử dụng sản phẩm nhựa thay thế đối với 342 người tham dự; thành lập và ra mắt 1 gian hàng giới thiệu sản phẩm thay thế đồ nhựa tại chợ Hạ Long I; trang bị 482 thùng rác gia đình, 280 thùng rác tái chế, 15 xe gom rác, 15 xe đạp, 1.335kg túi đựng rác sinh học, 200 túi chế phẩm sinh học để xử lý rác; 140 bộ bảo hộ lao động phục vụ thu gom rác cho các hộ dân, trang bị 150 hộp đựng bút, 80 thùng rác tái chế cho CBCC cơ quan Khối MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội tỉnh.
Nhân rộng nhiều mô hình hiệu quả
Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.280 mô hình phụ nữ bảo vệ môi trường như: Tổ phụ nữ thu gom rác thải; dùng làn đi chợ; biến rác thành tiền; phân loại rác thải tại gia đình; tái sử dụng chất thải nhựa; hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần, túi nilon trong sinh hoạt; đường hoa; cây xanh phụ nữ; đoạn đường phụ nữ quản lý; chi/tổ phụ nữ văn minh; con đường từ nhà tới trường không rác thải; đồng hành cùng mẹ; CLB phụ nữ tình nguyện bảo vệ môi trường; tuyến đường kiểu mẫu; ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh…
Đối với việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại gia đình, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp hội tích cực huy động xã hội hóa trang sắm thùng rác chuyên dụng, túi nilon màu để hội viên, phụ nữ thực hiện phân loại ngay từ gia đình. Việc phân loại được thực hiện thông qua mô hình biến rác thành tiền và mô hình ủ phân hữu cơ bằng chế phẩm sinh học.
Thông qua các mô hình của phụ nữ không chỉ góp phần giảm thiểu rác thải ra môi trường, mà còn tiết kiệm tài nguyên rác, hạn chế chất thải rắn sinh hoạt ra môi trường. Nổi bật là mô hình tái chế từ dây đai buộc gạch công trình đã được Hội LHPN 2 phường Hà Phong và Hà Trung (TP Hạ Long) thực hiện với sự tham gia của hơn 30 thành viên đã cho ra những sản phẩm như làn đi chợ, giỏ hoa, sọt đựng rác văn phòng… Đến nay, các mô hình đã được lan tỏa trong cộng đồng, làm giảm lượng chất thải rắn ra môi trường.
Hiện toàn tỉnh đã có 252 mô hình ủ phân hữu cơ với 4.868 hộ gia đình tham gia, có 3.696 hố/bể ủ, thu được thành phẩm khoảng 300,825 tấn phân vi sinh tương đương với số rác thải hữu cơ khoảng 3.284 tấn từ chất thải rắn sinh hoạt tại gia đình. Những mô hình về phân loại rác thải tại nguồn và xử lý rác thải hữu cơ bước đầu có hiệu quả, điển hình là tại các địa phương Hạ Long, Móng Cái, Đông Triều, Đầm Hà, Hải Hà. Từ các mô hình ủ phân hữu cơ này đã tiết kiệm chi phí mua phân bón cho hội viên và gia đình hội viên, phục vụ sản xuất nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ cho hiệu quả kinh tế cao.
Với những hoạt động phong phú về hình thức và đa dạng về nội dung, phong trào bảo vệ môi trường của các cấp hội phụ nữ Quảng Ninh đã góp phần xây dựng môi trường sống ngày càng sáng – xanh – sạch – đẹp. Hội viên phụ nữ cũng như mọi người dân ngày càng có ý thức về bảo vệ môi trường, tích cực ngăn chặn các hành vi gây ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng đô thị văn minh.