Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) của chính trị gia cực hữu Marine Le Pen được dự đoán giành được chiến thắng vang dội sau vòng đầu tiên của cuộc bầu cử quốc hội Pháp diễn ra hôm 30/6, theo các cuộc thăm dò ý kiến hậu bầu cử.
Đảng RN được dự đoán giành được khoảng 34% số phiếu bầu, vượt xa kết quả mà liên minh trung dung Ensemble của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron giành được, với ít hơn 24% số phiếu bầu. Đồng thời, liên minh cánh tả NFP giành được khoảng 29%.
“Chúng ta vẫn chưa thắng, vòng hai sẽ rất quan trọng. . . . Chúng ta cần đa số tuyệt đối để ông Jordan Bardella, trong 8 ngày nữa, có thể được ông Emmanuel Macron bổ nhiệm làm Thủ tướng”, bà Le Pen nói.
Kết quả cuối cùng phụ thuộc vào vòng bỏ phiếu thứ hai diễn ra vào ngày 7/7, trong đó Đảng RN của bà Le Pen cần 289 ghế để đảm bảo đa số tuyệt đối trong Quốc hội gồm 577 ghế.
Theo kết quả dự kiến của cuộc bỏ phiếu hôm 30/6, đảng cực hữu dự kiến sẽ chỉ giành được 230-280 ghế, thiếu 8 ghế so với mức cần thiết để đạt được đa số tuyệt đối, nhưng vẫn đủ để gây khó khăn cho quá trình đàm phán liên minh của phe cánh tả hoặc phe trung dung.
Kết quả của vòng đầu tiên là một đòn giáng mạnh vào Tổng thống Macron, người đã kích hoạt cuộc bầu cử sớm này sau kết quả không như ý của đảng ông trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP).
Tổng thống Pháp dự kiến sẽ tiếp tục tại vị bất kể kết quả cuối cùng thế nào và còn 3 năm mới kết thúc nhiệm kỳ của mình.
Tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu hôm 30/6 cao bất thường, khoảng 59%, cao hơn 20 điểm phần trăm so với cuộc bỏ phiếu năm 2022. Vẫn cần phải xem tỉ lệ đó được duy trì ở vòng 2 như thế nào, cũng như liệu ông Macron có nỗ lực phối hợp được với cánh tả để ngăn phe cực hữu giành đa số hay không.
Khoảng thời gian từ nay đến cuộc bầu cử vòng 2 vào ngày 7/7 sẽ chứng kiến sự vận động chính trị từ tất cả các đảng phái và theo đó sẽ khiến kết quả bầu cử sắp tới trở nên khó đoán định.
Nhưng một kết quả cuối cùng sau vòng 2 có thể xảy ra là một “quốc hội treo”, ông Mujtaba Rahman của Eurasia Group cho biết, có nghĩa là ông Macron sẽ phải thành lập một chính phủ tạm quyền với quyền lực giảm đi nhiều.
“Pháp hiện đang phải đối mặt với viễn cảnh về một chính phủ tạm quyền yếu kém trước cuộc bầu cử mới vào năm 2025, điều này sẽ khiến Pháp – quốc gia thành viên G7, đồng thời là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) – gần như mất lái trong một năm này”, ông Rahman nói.
Minh Đức (Theo National Review, GZero Media)
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/chinh-tri-gia-cuc-huu-phap-marine-le-pen-chung-ta-van-chua-thang-a670935.html
Bình luận (0)