Ngành Y tế Hà Tĩnh kiến nghị, để công tác phòng, chống tác hại thuốc lá có hiệu quả, rất cần sự chung tay của các cấp, ngành và toàn thể cộng đồng. Trong đó, công tác tuyên truyền tác hại của các sản phẩm thuốc lá tiếp tục phải được thực hiện mạnh mẽ hơn.
Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) năm 2023 được Tổ chức Y tế Thế giới phát động có chủ đề “Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá” nhằm kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực và dinh dưỡng; đề cập đến mối liên hệ giữa sử dụng, trồng cây thuốc lá và đói nghèo; kêu gọi bỏ thuốc lá để tăng chi cho thực phẩm… |
Để triển khai hiệu quả Luật Phòng chống tác hại (PCTH) thuốc lá, thời gian qua, Sở Y tế đã ban hành nhiều văn bản phổ biến và triển khai thực hiện theo lĩnh vực quản lý. Nhiều hình thức trong công tác tuyên truyền, phổ biến đã được ngành y tế áp dụng như: truyền thông gián tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng; truyền thông trực tiếp tại cộng đồng; truyền thông lồng ghép tại các cuộc họp, hội nghị, hội thi, mít tinh, cổ động…
Sở Y tế tổ chức tập huấn công tác phòng, chống tác hại thuốc lá cho cán bộ làm công tác truyền thông – giáo dục sức khoẻ.
Bác sỹ Nguyễn Hồng Phúc – Thư ký Ban quản lý Quỹ PCTH thuốc lá tỉnh cho biết: “Cùng với truyền thông trực tiếp, ngành y tế cũng đã phối hợp với các trường học thực hiện giáo dục về tác hại của thuốc lá, lồng ghép nội dung giáo dục về PCTH thuốc lá trong các trường học. Tập huấn cho giáo viên các trường THPT, THCS trên địa bàn và nói chuyện chuyên đề về tác hại của thuốc lá, môi trường không khói thuốc, Luật PCTH của thuốc lá trong các buổi chào cờ, giữa giờ; đưa các hoạt động PCTH thuốc lá vào các giờ ngoại khóa. Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu để nâng cao nhận thức cho các em học sinh về mối nguy hại của thuốc lá, từ đó tránh sự tiếp xúc với khói thuốc”.
Sở Y tế cũng đã phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn Luật PCTH thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc cho cán bộ, công chức, viên chức các cấp từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 114 buổi tuyên truyền về Luật PCTH thuốc lá với sự tham gia của gần 10.000 cán bộ và Nhân dân. Nhiều buổi truyền thông lồng ghép, mít tinh, ngoại khóa… về tác hại của thuốc lá, cai nghiện thuốc lá, trách nhiệm của cộng đồng trong PCTH thuốc lá… đã thu hút gần 300.000 lượt người tham dự.
Pano phòng, chống tác tại thuốc lá được thiết lập tại các cơ sở giáo dục.
Tiến sỹ Đường Công Lự – Phó Giám đốc Sở Y tế khẳng định: “Nhờ triển khai mạnh mẽ công tác truyền thông nên đã tạo sự chuyển biến trong hành vi hút thuốc lá cũng như nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đến thời điểm hiện tại, 100% bệnh viện tuyến tỉnh và huyện đều triển khai môi trường không khói thuốc trong khuôn viên đơn vị; 100% các trường học thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại khu vực trong nhà và trong khuôn viên trường học. Đại đa số các cơ quan, đơn vị, trường học đều xây dựng kế hoạch PCTH của thuốc lá hằng năm, đưa chỉ tiêu không hút thuốc lá trở thành một trong những tiêu chí đánh giá, bình xét thi đua khen thưởng cuối năm”.
Pano phòng, chống tác hại thuốc lá được lắp đặt tại nhiều tuyến đường giao thông.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo báo cáo đánh giá của ngành y tế, hiện nay, một số cơ quan, đơn vị, cá nhân biết quy định về PCTH thuốc lá nhưng vẫn cố tình vi phạm, xem nhẹ hình thức xử lý. Nguyên nhân là do việc thanh, kiểm tra, giám sát chưa được thường xuyên, chế tài xử phạt chưa phù hợp. Vẫn còn tình trạng bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cố tình, lén lút hút thuốc trong các cơ sở y tế.
Người dân vẫn hút thuốc lá khi đến các địa điểm công cộng. Ảnh: Tuấn Dũng.
Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe không phải là ngay lập tức, mà nó diễn ra chậm, từ từ và âm ỉ, kéo dài nên đại bộ phận những người đang hút thuốc lá xem nhẹ tác hại của nó đối với sức khỏe. Đặc biệt, hiện nay, thuốc lá điện tử xâm nhập sâu vào trường học, một bộ phận không nhỏ các em học sinh đã tiếp cận và sử dụng.
Một người nhà bệnh nhân phớt lờ quy định cấm thuốc lá tại một cơ sở y tế.
Tiến sỹ Đường Công Lự – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cho rằng, để công tác PCTH thuốc lá trong thời gian tới có hiệu quả, quan trọng nhất là cần sự chung tay của các cấp, ngành và toàn thể cộng đồng, trong đó, vai trò của người đứng đầu phải được thể hiện rõ nét. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc giảm cung cấp sản phẩm thuốc lá trên thị trường, đặc biệt là gần các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế. Tổ chức thông tin, tuyên truyền một cách mạnh mẽ tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới, thuốc lá làm nóng, nhất là trong đối tượng học sinh, sinh viên. Các bậc phụ huynh cần giám sát, quản lý con em để tránh xảy ra tình trạng học sinh hút thuốc lá, thuốc lá điện tử. Tổ chức thêm các phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá tại các cơ sở y tế, đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí để thực hiện các điểm tư vấn cai nghiện thuốc lá.
Ánh Nguyên – Thanh Loan