Chị N.T.P.T, một người làm việc tại một trường đại học tại TP.HCM, kể lại câu chuyện đầu tiên mà hai mẹ con chị trao đổi vào sáng sớm nay, 6.3 khi vừa thức dậy là “Meta sập”, “Facebook, Instagram không thể truy cập”.
Con gái chị P.T, một nữ sinh học lớp 10, cho biết nhóm bạn của cô đã “náo loạn, chuyển từ nhóm Instagram, Facebook sang Zalo, rồi rủ nhau trao đổi mọi việc bằng email…”. Nhưng sự cố này cũng là một cơ duyên khi nhóm của nữ sinh đang thực hiện vở kịch “When the internet dies” (Khi mạng internet không còn). Sự cố khiến người dùng không thể vào Facebook tối qua cũng giúp cho các nữ sinh có thêm cảm nhận. Cô cũng trao đổi với mẹ những hệ quả, đặc biệt là số phận của những nhà sáng tạo nội dung, họ sẽ làm gì, sẽ bị sang chấn ra sao, khi mà viễn cảnh “mạng internet không còn” xảy ra.
Chúng ta không thể phủ nhận những giá trị mà mạng xã hội đang mang lại
Thầy Lê Hoàng Phong, nhà sáng lập và Giám đốc học thuật tổ chức giáo dục và đào tạo Your-E, nhận định ngày nay Facebook nói riêng, và mạng xã hội rất thịnh hành. Nhiều người biết tận dụng mạng xã hội để đến gần hơn những mục tiêu của mình, tham gia các hội nhóm để học tập, phát triển bản thân.
Hay từ khi mạng xã hội ra đời cũng thay đổi khái niệm về tình bạn. Tình bạn giữa học sinh, sinh viên không chỉ là chung lớp, chung trường, mà có thể vượt ra ngoài biên giới. Định nghĩa “tình bạn trực tuyến” ra đời. Chỉ là quen biết nhau từ những nhóm trên mạng, các bạn thấy cùng chung sở thích, thói quen, mục tiêu… và cùng nhấn nút “add friend” (kết bạn).
Nhưng còn những vấn đề của mạng xã hội thì sao?
Nhiều người dùng quá nhiều thời gian vô bổ vào mạng xã hội để giải trí. Vấn đề khiến anh Lê Hoàng Phong nhận ra đó là việc giao tiếp giữa các sinh viên dần dần chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến nhiều hơn.
Tức là các bạn kết nối thông qua các “Reels”, “Story” trên Facebook, dùng video ngắn thể hiện suy nghĩ của mình. Dần dần, nhiều học sinh, sinh viên có cảm giác “thích giao tiếp trong không gian ảo hơn là giao tiếp trong không gian thật”. Bởi các bạn thấy không cần phải mặt đối mặt, được cách ly bởi không gian thật. Nhưng dần dần, càng lạm dụng cách giao tiếp này, người trẻ thiếu đi kỹ năng xử lý trong các tình huống ngoài đời thật, kỹ năng sống ngày càng mai một…
Thầy Lê Hoàng Phong nhắc tới hội chứng tâm lý FOMO mà nhiều người trẻ ở các thành phố lớn, những nơi phủ sóng wifi mạnh mẽ dễ gặp phải. Hội chứng này có thể hiểu như bạn trẻ gặp những nỗi sợ là bản thân sẽ bỏ lỡ những gì thú vị, hấp dẫn mà người khác đã được trải nghiệm.
Tâm lý lo lắng khiến cho bạn luôn muốn cập nhật các hoạt động của bạn bè, người khác, để không bỏ lỡ xem họ đang làm gì… Và các thuật toán của mạng xã hội ngày càng tinh vi, màn hình Facebook sẽ tràn ngập những vấn đề mà bạn đang quan tâm và thường xem nhiều nhất, khiến cho người dùng không thể nào dứt ra được.
‘Nếu một ngày không còn mạng xã hội, chúng ta sẽ sống như thế nào?’
Chị Nguyễn Thị Song Trà, Giám đốc công ty TNHH giáo dục và đào tạo TH (TP.HCM), cho biết không chỉ học sinh, sinh viên, mà hiện nay chính chúng ta, những người đang đi làm, giáo viên, người bán hàng… đều làm việc nhiều trên các nền tảng mạng xã hội. Đồng thời, với người thân trong gia đình, chúng ta cũng hay kết nối với nhau, qua mạng xã hội. Vấn đề là chúng ta cần kiểm soát, thời điểm nào nên làm việc trên mạng xã hội, và sử dụng những nền tảng này như thế nào.
“Những vụ như sự cố của Meta tối qua (5.3) khiến Facebook không thể truy cập đặt ra cho chúng ta một vấn đề: có khi nào người dùng mạng xã hội tự hỏi: Nếu không có mạng xã hội, chúng ta sẽ sống như thế nào? Không có Facebook, chúng ta còn nhiều kênh khác để kết nối với nhau. Nhưng nếu một ngày nào đó, mọi nền tảng mạng xã hội đều sụp đổ, thì việc học tập, làm việc của chúng ta sẽ như thế nào để tối ưu nhất?”, chị Nguyễn Thị Song Trà nêu vấn đề.
Chị Song Trà nêu ra một câu chuyện mà chị tâm tư từ trước đến nay. Đó là nhiều người hay có thói quen lên Facebook để chúc mừng, bày tỏ yêu thương đến một ai đó, nhưng ngoài đời thì không nói chuyện với nhau, không có những hành động quan tâm đến nhau. Như thế có ổn không?
“Tôi nghĩ rằng học sinh, sinh viên – những bạn dùng Facebook rất nhiều hiện nay – cần được hướng dẫn để biết nên dùng mạng xã hội như thế nào là hợp lý nhất. Và đặc biệt, mạng xã hội không cho phép người dùng dưới 13 tuổi, thế nhưng nhiều học sinh vẫn lén dùng. Chúng ta cần đặt ra vấn đề về sự quản lý của cha mẹ các em. Vô tình hay hữu ý để học sinh dưới 13 tuổi dùng Facebook và các mạng xã hội khác sẽ có nhiều hậu quả mà chúng ta chưa thể kiểm soát được”, chị Trà chia sẻ.
Trong thực tế, cuộc sống vẫn tiếp diễn, mọi thứ vẫn trôi chảy, dù Meta khắc phục sự cố Facebook hay chưa. Nói như chị N.T.P.T – một người làm việc trong lĩnh vực giáo dục cũng như một người mẹ có con 16 tuổi – thế hệ những người trẻ như con chị đang lớn dần lên, thế giới của học sinh hiện nay hoàn toàn khác với chị ngày trước, những giấc mơ của con cũng khác.
Không thể phủ nhận những giá trị của internet, nó đã mở ra những hướng tiếp cận mới, khác biệt. Những góc nhìn của mọi người và thế hệ trẻ đều khác biệt, lớn lao. Điều quan trọng nhất với cả chị và con gái, cũng như nhiều người đã nhận ra, đó là internet hay mạng xã hội không thể thay thế những kết nối trong đời sống thật, những cuộc trò chuyện thật, những cái ôm tạm biệt, những cái vẫy tay chào nhau, những cuộc trò chuyện dù về bất cứ chủ đề nào, khi tất cả chúng ta còn được ở bên cạnh nhau…