ĐINH CÔNG SỨ
PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH
(HBĐT) – Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có ý nghĩa hết sức quan trọng trong sự nghiệp cách mạng. Việc chăm lo cho đồng bào các dân tộc thiểu số là trách nhiệm, nghĩa vụ và đạo lý truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã triển khai trong những năm qua, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã và đang đổi thay đáng kể trên nhiều lĩnh vực.
Đồng chí Đinh Công Sứ,
Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra việc thực hiện
các chính sách dân tộc tại xã Bình Thanh (Cao Phong). Ảnh: P.V
Tỉnh Hoà Bình có bề dày lịch
sử hàng nghìn năm, là miền đất của sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” với nền văn hoá Hoà
Bình nổi tiếng, nơi sinh sống của các dân tộc chủ yếu là Mường, Kinh, Dao, Tày,
Thái, Mông… Mỗi dân tộc đều có những bản sắc văn hoá độc đáo và tốt đẹp, song
cùng có điểm chung là đức tính cần cù, chịu khó, giàu lòng nhân ái, luôn đoàn kết
và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng.
Trong những năm qua, được
sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc
trong tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó
khăn, thách thức, quyết tâm xoá bỏ cái cũ lạc hậu xây dựng cái mới tiến bộ, văn
minh, từng bước đưa tỉnh Hoà Bình đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế
– xã hội, quốc phòng – an ninh. Đặc biệt, đời sống của vùng đồng bào dân tộc
thiểu số không ngừng được cải thiện. Cụ thể, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh
giảm còn 12,99%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 55 triệu đồng/người;
100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% con em các xã được đến trường đúng
độ tuổi và người dân được đảm bảo tiếp cận các dịch vụ y tế; toàn tỉnh đã có 73
xã đạt chuẩn nông thôn mới…
Có được kết quả đáng tự
hào đó, phải kể đến những nỗ lực vượt bậc của đội ngũ những người làm công tác
dân tộc trên địa bàn tỉnh. 20 năm xây dựng và trưởng thành, đội ngũ cán bộ,
công chức làm công tác dân tộc không ngừng nỗ lực, học tập, từng bước nâng cao
năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành giải quyết thấu đáo các vấn đề kinh tế –
xã hội, quốc phòng – an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác
tuyên truyền, vận động đồng bào của ngành Dân tộc đã có nhiều đổi mới với nội
dung, hình thức phong phú, sinh động, phù hợp với trình độ nhận thức, tâm lý và
phong tục, văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số. Các chương trình, dự án phát
triển KT – XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được Ban Dân tộc tỉnh tham mưu
UBND tỉnh triển khai một cách bài bản, thiết thực, hiệu quả và có trọng tâm, trọng
điểm. Nhờ đó, ngày càng có nhiều xã đông đồng bào dân tộc thiểu số, ở vùng sâu,
vùng xa thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn. Công tác giúp đỡ các xã vùng đặc biệt
khó khăn tiếp tục được quan tâm thực hiện. Việc huy động nguồn lực từ các tổ chức,
cá nhân tham gia giúp các hoạt động diễn ra phong phú ở nhiều lĩnh vực, giúp bộ
mặt nông thôn vùng sâu, vùng xa ngày càng phát triển. Các phong trào thi đua
yêu nước trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tính lan toả mạnh mẽ, thực sự
trở thành phong trào quần chúng sôi nổi, rộng khắp. Qua đó góp phần cổ vũ tinh
thần yêu nước, củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số với cấp uỷ Đảng,
chính quyền.
Trong thời gian tới, nhiệm
vụ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ
2020 – 2025 là rất nặng nề, đòi hỏi Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà cần nhiều cố
gắng hơn nữa. Tỉnh ta đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, số xã có điều kiện
kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn còn dưới 30% tổng số xã, phường, thị trấn
trên địa bàn tỉnh; thu nhập bình quân đầu người các xã đặc biệt khó khăn đạt
trên 25 triệu đồng/năm. Đây là nhiệm vụ đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính
trị, các cấp, các ngành, trong đó có vai trò rất lớn của ngành Dân tộc.
Quán triệt đường lối của
Đảng về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và để góp phần thực hiện thắng lợi các
nhiệm vụ chính trị của tỉnh, ngành Dân tộc cần tập trung thực hiện tốt một số
nhiệm vụ sau:
Một là, tiếp tục quán triệt
sâu sắc và thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính
sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc. Cụ thể hoá bằng các chương
trình, đề án nhằm tập trung xây dựng vùng dân tộc và miền núi trên địa bàn tỉnh
phát triển nhanh về kinh tế, văn hoá, xã hội, vững mạnh về quốc phòng – an
ninh. Nâng cao trình độ dân trí, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số,
đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội; giữ gìn và phát huy
bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc.
Hai là, tập trung đầu tư
phát triển KT – XH các xã vùng đặc biệt khó khăn, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Trọng tâm là thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Chương
trình phát triển KT – XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình giảm
nghèo bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh ứng dụng KHCN
vào sản xuất, chế biến nông, lâm sản giúp đồng bào ổn định sinh kế và nâng cao
chất lượng cuộc sống.
Ba là, tăng cường củng cố
hệ thống chính trị, xây dựng và giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện
tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, trưởng
dòng họ, những người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc.
Bốn là, tiếp tục thực hiện
có hiệu quả các chương trình phát triển văn hoá, giáo dục. Thực hiện tốt các
chính sách cử tuyển đào tạo con em dân tộc để sau này trở về địa phương công
tác; nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô dạy nghề gắn với giải quyết việc làm
cho thanh niên dân tộc thiểu số. Làm tốt công tác nghiên cứu, sưu tầm gìn giữ
và phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số. Nâng
cao hơn nữa công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm là, đảm bảo an ninh
chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt chính sách tín ngưỡng, tôn
giáo, kịp thời đấu tranh ngăn chặn và làm thất bại âm mưu phá hoại, gây chia rẽ
đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch.
Với những nỗ lực, ý chí,
quyết tâm vươn lên của ngành Dân tộc trong 20 năm qua, tin tưởng rằng, trong thời
gian tới, cán bộ, công chức ngành Dân tộc trong tỉnh sẽ cố gắng, nỗ lực phấn đấu
để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nghị quyết đề ra, góp phần xây dựng vùng đồng
bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển về kinh tế, đa dạng về văn hoá, đảm bảo
về an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh và củng cố vững chắc khối đại
đoàn kết toàn dân tộc.