Một chiến lược kinh tế phù hợp, vừa đủ để đối phó, vừa bảo vệ lợi ích, đồng thời duy trì chính sách thương mại linh hoạt, mềm dẻo và tăng cường hợp tác quốc tế là những yếu tố quan trọng để “chung sống tốt với người khổng lồ”.
Ông Trump có thể không chỉ giữ nguyên các chính sách ở nhiệm kỳ đầu tiên, mà có thể còn cứng rắn hơn. (Nguồn: Getty Images) |
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với chương trình Meet the Press của đài NBC News hôm 6/12, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã không ngại vạch ra những thay đổi quan trọng và khẳng định sẽ thực hiện ngay sau khi nhậm chức vào ngày 20/1/2025 tới.
Cuộc phỏng vấn truyền hình đầu tiên của ông Trump sau chiến thắng vang dội ngày 5/11, kéo dài hơn một giờ tại Tháp Trump ở Manhattan, vẫn bộc lộ sự thẳng thừng vốn là “thương hiệu riêng” và không cho thấy khả năng ông sẽ thay đổi quan điểm ở phút chót, từ vấn đề nhập cư, xung đột Nga-Ukraine… cho đến chính sách kinh tế. Thậm chí, ông Trump chấp nhận đánh đổi, “không thể bảo đảm người dân Mỹ sẽ không phải trả giá đắt hơn do chính sách áp thuế nhập khẩu của ông”.
Sóng gió sắp nổi?
Với thông điệp “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, ngay những ngày đầu tiên bước vào Nhà Trắng ở nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên, ông Trump đã thực hiện một loạt chính sách thương mại mạnh mẽ, nỗ lực triển khai chiến lược khống chế các quan hệ thương mại mất cân bằng, khi mà nền kinh tế lớn nhất thế giới đang nhập siêu quá nhiều từ đối tác; bảo vệ việc làm cho người lao động Mỹ và thúc đẩy các ngành công nghiệp trong nước; thu hút đầu tư quay trở về Mỹ.
Theo đó, chính quyền của ông đã sử dụng triệt để Đạo luật thương mại Mỹ để áp thuế đối với hàng hoá nhập khẩu, nhắm vào đối tác bị thâm hụt thương mại lớn, nhất là Trung Quốc. Các mức thuế này vẫn được Washington duy trì, ngay cả dưới thời Tổng thống Joe Biden. Nói cách khác, chính quyền Tổng thống Trump có xu hướng coi thương mại như một “bệnh nhân” ốm yếu cần phải chữa trị và không liều thuốc nào tốt hơn việc áp thuế lên hàng hoá nhập khẩu.
Với việc đắc cử Tổng thống lần thứ hai, nhiều chuyên gia dự báo, “chính quyền 2.0” của ông Donald Trump không chỉ giữ vững các chính sách ở nhiệm kỳ đầu tiên, mà có thể còn cứng rắn hơn, như tăng cường thuế quan và áp dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch đối với hàng nhập khẩu; thúc đẩy chiến lược tái đàm phán các hiệp định thương mại quốc tế để có lợi hơn cho kinh tế Mỹ; giảm thiểu sự tham gia của Mỹ vào các tổ chức thương mại quốc tế hay thỏa thuận đa phương vì “không có lợi”, hay thậm chí có thể gia tăng cuộc chiến thương mại với các đối thủ lớn như Trung Quốc, EU, gây sức ép buộc đối phương phải thay đổi các chính sách thương mại bị cho là không công bằng với Mỹ.
Một trong những động thái đầu tiên của ông Trump ngay sau khi đắc cử Tổng thống là công khai thông báo sẽ áp thuế 25% đối hàng hoá từ Canada và Mexico; đồng thời áp thuế bổ sung 10% lên hàng hoá nhập khẩu Trung Quốc… Mặc dù chưa chính thức ban hành, nhưng đây được xem là dấu hiệu cho thấy thương mại toàn cầu thời gian tới đây sẽ có nhiều sóng gió.
Bà Barbara Weisel – nguyên Trợ lý Đại diện thương mại Mỹ cho rằng, lời đe dọa tăng thuế của ông Trump không là lời nói suông, bởi thực tế Tổng thống Mỹ có rất nhiều quyền hành đối với chính sách thương mại quốc tế, nếu nhận thấy việc này thật sự ảnh hưởng đến nền kinh tế.
“Ưu tiên số một của chính quyền Tổng thống Trump 2.0 là cân đối thương mại toàn cầu, đồng thời tìm biện pháp giảm sức cạnh tranh của hàng nhập khẩu với hàng sản xuất nội địa. Việc tăng thuế quan nhập khẩu còn được xem là nguồn thu bù đắp cho việc giảm thuế trong nước nhằm củng cố sản xuất nội địa. Vì vậy, thách thức mới trên mặt trận thương mại là có thật và sẽ xảy ra”, bà Weisel khẳng định.
Học cách thích nghi
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trong chính sách thương mại thế giới, từ việc rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tuyên chiến về thương mại với Trung Quốc… Mỗi chính sách phát đi từ nền kinh tế lớn nhất thế giới, đều có tác động sâu rộng không chỉ đối với trong nước, mà với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt với các quốc gia có quan hệ thương mại gần gũi với Mỹ.
Trong khi Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ bằng các biện pháp trả đũa, các nền kinh tế không phải là đối thủ xứng tầm với Mỹ đã chọn cách bảo vệ lợi ích, giảm thiểu tác động tiêu cực thông qua chiến lược đối phó linh hoạt, dựa trên việc duy trì hoặc mở rộng các mối quan hệ thương mại song phương và đa phương.
Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ, nhưng cũng là mục tiêu chính trong cuộc chiến thương mại của ông Trump. Ngoài việc đáp trả bằng đòn thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu Mỹ, Bắc Kinh đã tìm cách đa dạng hóa đối tác thương mại, bao gồm tăng cường hợp tác với EU và các quốc gia thuộc Sáng kiến Vành đai và con đường. Đồng thời, thúc đẩy cải cách kinh tế nội bộ và phát triển công nghệ để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.
Cách tiếp cận của EU đối với đồng minh quan trọng có chút khác biệt khi vừa phản ứng mạnh mẽ với các chính sách thuế quan, vừa thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ WTO để phản đối các chính sách bảo hộ của Mỹ. EU cũng tìm cách củng cố hiệp định thương mại tự do với các đối tác toàn cầu như Nhật Bản và Canada.
Trong khi đó, các quốc gia ASEAN và Nhật Bản thực hiện một chiến lược hòa hoãn và hợp tác nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực cũng như sự phụ thuộc vào Mỹ. Song song với việc củng cố quan hệ kinh tế với Mỹ, Nhật Bản thúc đẩy tiến trình tự do hóa thương mại khu vực qua các hiệp định như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Các nền kinh tế ASEAN tiếp tục duy trì quan hệ thương mại với cả Mỹ và Trung Quốc, đồng thời tìm kiếm cơ hội hợp tác mới với đối tác ở các khu vực khác nhau.
Mexico và Canada là những “hàng xóm” có quan hệ thương mại mật thiết với Mỹ thông qua Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã tìm cách thương lượng lại các điều khoản của hiệp định cũ để bảo vệ lợi ích của mình, trong Hiệp định Mỹ – Mexico – Canada (USMCA). Hai nước cũng chủ động tìm cách giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu.
Giới phân tích bình luận, từ góc độ toàn cầu, chính sách kinh tế của ông Trump 2.0 vẫn sẽ tiếp tục tạo ra thách thức lớn đối với các quốc gia trên thế giới, kể cả các nền kinh tế lớn, khi buộc phải thích nghi với các biện pháp bảo hộ mậu dịch và chính sách thương mại cứng rắn từ Mỹ. Tuy nhiên, đứng trước một nền kinh tế khổng lồ, đầy tiềm năng như Mỹ, thay vì chỉ đối đầu, các quốc gia vẫn sẽ tìm cách “sống chung” và hợp tác, cải cách trong nước và đa dạng hóa quan hệ bên ngoài để giảm thiểu tác động tiêu cực.
Nguồn: https://baoquocte.vn/chung-song-tot-voi-ong-donald-trump-297095.html