Bạn đọc D.T., 30 tuổi, quận 1, TPHCM: Em năm nay 30 tuổi, vừa lập gia đình 2 năm. Em ngủ sâu và không bị mất ngủ, nhưng bị chứng ngáy khi ngủ khiến vợ em rất phiền. Em muốn hỏi chứng này có trị được không và hiệu quả điều trị ra sao?
ThS.BS.CKII Lê Nhật Vinh, Phụ trách Khoa liên chuyên khoa Mắt – Tai Mũi Họng – Răng Hàm Mặt – Da Liễu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn:
Chào bạn D.T.,
Ngủ ngáy hiện là một tình trạng thường gặp ở độ tuổi trung niên, nam giới thường có tỉ lệ mắc cao hơn phụ nữ. Đây là tình trạng vô thức phát ra âm thanh trong lúc ngủ, do luồng khí đi qua chỗ hẹp, gây rung động ở các niêm mạc và mô mềm tạo ra âm thanh có thể gây khó chịu cho người bên cạnh.
Ngủ ngáy có thể chia làm 3 mức độ:
– Mức độ 1: ngáy ít, âm thanh ngáy không lớn, nằm nghiêng có thể sẽ hết ngáy.
– Mức độ 2: ngáy to, nằm nghiêng có thể sẽ giảm hoặc hết tình trạng ngáy.
– Mức độ 3: ngáy rất to, dù nằm nghiêng hoặc tư thế khác vẫn xảy ra ngáy, kèm theo nghẹt thở tạm thời. Người ngủ ngáy mức độ 3 thường cảm thấy mệt mỏi sau khi thức dậy.
Ngủ ngáy kéo dài, đặc biệt ở mức độ 3, có thể dẫn đến vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn như: ngưng thở khi ngủ, thức giấc giữa đêm, mất ngủ. Từ đó gây ra các biến chứng nguy hiểm như: cao huyết áp, rối loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim, đột quỵ, suy giảm sinh lý.
Ngáy khi ngủ có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau:
- Béo phì, thừa cân: làm tăng áp lực lên đường thở.
- Rượu bia: làm giãn các cơ sau của cổ họng gây ngáy khi ngủ.
- Mắc bệnh lý: do mắc một số bệnh đường hô hấp trên như nghẹt mũi, polyp mũi, bệnh lý trào ngược họng thanh quản…
- Hẹp eo họng do lưỡi gà dài, phì đại amidan, phì đại đáy lưỡi, bất thường cấu trúc sụn thanh thiệt.
- Bất thường cấu trúc xương hàm mặt.
Rất thông cảm với trường hợp của bạn khi mắc phải tình trạng ngủ ngáy gây khó chịu cho bạn đời, ảnh hưởng đến đời sống vợ chồng. Bạn nên giải thích rõ với người thân để nhận được sự cảm thông, vì đây là một vấn đề sức khỏe và tình trạng này xảy ra trong vô thức, nằm ngoài mong muốn của bạn. Tiếp đến, bác sĩ xin thông tin đến bạn: ngủ ngáy có thể điều trị triệt để hoặc giảm đáng kể tình trạng nếu xác định chính xác nguyên nhân.
Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị, giảm thiểu ngáy khi ngủ, tùy theo nguyên nhân và tình trạng:
Tình trạng ngủ ngáy nhẹ:
- Nằm nghiêng khi ngủ giúp cải thiện đáng kể tình trạng ngủ ngáy.
- Không hút thuốc và sử dụng rượu bia.
- Tránh ăn quá no, thực phẩm nhiều chất béo trước khi đi ngủ.
- Giảm cân, kiểm soát cân nặng chặt chẽ đối với người bị thừa cân, béo phì.
- Ngủ đủ giấc và tập luyện thể dục thể thao thường xuyên.
- Tránh dùng thuốc an thần.
- Giữ mũi thông thoáng, tránh tình trạng nghẹt mũi.
Các phương pháp điều trị không dùng thuốc trên làm thay đổi thói quen sống, cải thiện sức khỏe và giúp giảm đáng kể tình trạng ngáy khi ngủ ở giai đoạn nhẹ.
Tình trạng ngáy to và quá to: Nếu ngáy quá to, hay tỉnh giấc giữa đêm, cơ thể mệt mỏi… thì rất có thể tình trạng ngáy của bạn đã liên quan đến chứng ngưng thở khi ngủ – một hội chứng nguy hiểm đến sức khoẻ.
Với tình trạng này, bác sĩ sẽ thực hiện chẩn đoán kỹ lưỡng để xác định lại tình trạng ngáy và ngưng thở khi ngủ bằng phương pháp đo đa ký giấc ngủ nhằm ghi lại những thay đổi sinh lý xảy ra trong giấc ngủ. Sau đó, bạn được thực hiện nội soi đường hô hấp trên trong khi thức giấc và trong giai đoạn ngủ, từ đó bác sĩ chuyên khoa mới đưa ra phương pháp điều trị chính xác.
Các cách điều trị ngáy to và ngưng thở khi ngủ bao gồm:
– Dụng cụ nâng hàm: được sử dụng để giữ hàm dưới và lưỡi luôn ra phía trước, cố định vòm hầu lên trên ngăn chặn đường thở đóng lại trong khi ngủ. Dụng cụ nâng hàm được dùng trong trường hợp bạn có cấu tạo hàm dưới đặc trưng: nhỏ và đưa ra sau.
– Sử dụng máy thở áp lực dương (PAP): sử dụng thiết bị áp suất đường thở dương liên tục (CPAP) để đưa một luồng không khí dương liên tục vào đường hô hấp nhằm không cho cơ vùng hầu họng xẹp xuống. Đây là phương pháp điều trị ngáy và ngưng thở khi ngủ hiệu quả nhưng cần được điều duy trì liên tục.
– Phẫu thuật đường hô hấp trên: thực hiện loại phẫu thuật phù hợp với nguyên nhân gây tắc nghẽn như: cắt amidan, nạo VA phì đại, cắt cuốn mũi, phẫu thuật chỉnh hình màn hầu lưỡi gà, đáy lưỡi… để điều trị chứng ngưng thở và ngáy khi ngủ.
– Ngoài ra, phải thực hiện đồng thời các biện pháp ngăn ngừa, tránh tái phát bao gồm: tránh sử dụng rượu, bia; không hút thuốc lá; không dùng thuốc an thần, các loại thuốc giãn cơ; thay đổi tư thế sang nằm nghiêng khi ngủ; kiểm soát cân nặng; điều trị suy giáp nếu mắc phải…
Với tình trạng hiện tại, bạn nên đến các cơ sở, bệnh viện chuyên khoa Hô Hấp, Tai – Mũi – Họng uy tín để thực hiện các kiểm tra cần thiết nhằm xác định chính xác tình trạng và nguyên nhân gây ra vấn đề ngáy khi ngủ của mình. Từ đó, bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng ngáy của mình, giúp cải thiện giấc ngủ và sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của bạn và gia đình.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/chung-ngay-khi-ngu-co-tri-duoc-khong-post759299.html