VN-Index giảm gần 14 điểm
Cú lao dốc trong ít phút cuối phiên chiều nay (28/6) đã khiến các chỉ số trên thị trường đồng loạt giảm sâu. VN-Index đóng cửa mất 13,77 điểm tương ứng 1,09% còn 1.245,32 điểm; HNX-Index giảm 2,48 điểm tương ứng 1,03% và UPCoM-Index giảm 0,99 điểm tương ứng 1%.
Với việc các cổ phiếu chiết khấu giá sâu hơn so với phiên sáng đã kích hoạt dòng tiền vào thị trường. Khối lượng giao dịch trên HoSE theo đó cải thiện lên mức 840,42 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch 20.857,01 tỷ đồng, cao hơn đáng kể so với phiên hôm qua.
HNX có 66,38 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.245,04 tỷ đồng và sàn UPCoM có 79,45 triệu cổ phiếu tương ứng 1.191,8 tỷ đồng.
Việc VN-Index lao dốc đột ngột ngày cuối phiên giao dịch ngày thứ 6 sẽ khiến nhà đầu tư bước vào kỳ nghỉ cuối tuần với tâm lý thấp thỏm.
Nhiều cổ phiếu chứng khoán ghi nhận mức giảm sâu: TVS thiệt hại nặng nhất, mất 5,5%; APG giảm 4,9%; HAC giảm 4,3%; DSC giảm 3,9%; BVS giảm 3,6%; TCI giảm 3,6%; IVS giảm 3,4%; AGR giảm 3,4%; ORS giảm 3,1%; SHS giảm 2,9%; FTS giảm 2,8%; APS giảm 2,7%. Chỉ có 3 mã thuộc ngành này đạt trạng thái tăng giá trong phiên là VIG, VDS, VCI và CTS.
Cổ phiếu SHB gây chú ý khi vẫn đạt được trạng thái tăng giá 0,9% lên 11.400 đồng với khớp lệnh 19,7 triệu đơn vị.
Một số mã cổ phiếu khác đạt được trạng thái tăng giá tốt là EIB tăng 3%; SGB, PGB, HDB. Trong khi đó, nhiều cổ phiếu khác cùng ngành lại điều chỉnh. VBB giảm 5,6%; KLB, VAB, BID, VPB, BVB, LPB, TPB, OCB, MSB, STB giảm khá mạnh.
Cổ phiếu bất động sản phân hóa. HU6, SDU trên UPCoM tăng trần, MGR tăng 10%; PXL tăng 6,7%; SZG tăng 4,2%; TDH tăng 2,9%. Họ Vingroup gồm VIC, VRE, VHM tăng nhẹ. Ngược lại, PVL và EVG giảm kịch biên độ, VRC giảm 6,7%; QCG giảm 6,2%; CCL giảm 5,7%; VPH giảm 5,2%; NHA giảm 5,1%; NDN giảm 5%; SZC giảm 4,1%.
Nhiều cổ phiếu ngành vận tải kho bãi vẫn tăng trần
Giữa lúc thị trường điều chỉnh trên diện rộng thì nhiều cổ phiếu ngành vận tải kho bãi vẫn tăng trần, tăng mạnh nhất trên UPCoM: IST, VNA, ILC, VST, DDM, VSG, NOS tăng kịch biên độ; SGS tăng 10,8%; RCC tăng 10,7%; QSP tăng 9,1%; BSG tăng 8,2%. Bên cạnh đó, VSC, HAH, VOS cũng ghi nhận tăng giá. Đồng thời, một số mã như MVN, STT, EMS, CCR, CPI, PGT cũng giảm mạnh, song thanh khoản thấp.
Theo TS. Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc nghiên cứu và tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán DNSE, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi và bất ổn địa chính trị gia tăng ở khu vực Biển Đỏ, nhóm ngành cảng biển và vận tải đang được dự báo sẽ được hưởng lợi.
Giá cước vận tải container đã tăng gấp 3 lần so với đầu năm, và tăng gần 100% so với cùng kỳ, đặc biệt các giá cước vận tải các tuyến đi từ Trung Quốc sang New York, Los Angeles và Rotterdam.
Nguyên nhân chính là nhu cầu tăng mạnh trở lại ở Mỹ và Châu Âu; bất ổn địa chính trị gia tăng ở biển Đỏ, dẫn đến hành trình vận chuyển dài hơn, kéo theo hệ quả giá cước vận tải tăng cao; nhu cầu vượt cung, dẫn đến tình trạng công suất cung cấp không đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ các nền kinh tế lớn.
Nguyên nhân cuối cùng có thể được xem là nguyên nhân quan trọng nhất, đó là xu hướng tránh thuế của Mỹ lên hàng hóa của Trung Quốc. Trong nhiệm kỳ Tổng thống mới của Mỹ, nếu ông Trump hay ông Biden tái đắc cử, đều dự kiến áp mức thuế cao lên hàng hóa Trung Quốc.
Nếu ông Trump đắc cử, có thể tăng thuế lên 60% và có thể cao hơn; trong khi đó, nếu ông Biden trúng cử, dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần mức thuế đối với pin lithium-ion dành cho xe điện và pin lithium dành cho các mục đích sử dụng khác nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ.
Ngoài ra, bắt đầu từ năm 2025, thuế đối với chất bán dẫn nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tăng từ 25% lên 50%. Trung Quốc đẩy mạnh đẩy hàng hóa do Trung Quốc sản xuất sang Mỹ và các nước lân cận, sẵn sàng chấp nhận quay trở về. Do vậy, giá cước container dự kiến sẽ có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/chung-khoan-xuyen-thung-1250-diem-gioi-dau-tu-thap-thom-cuoi-tuan-20240628154108065.htm