VN-Index chốt phiên với 1.260 điểm, đưa Việt Nam trở thành thị trường chứng khoán tăng mạnh nhất châu Á trong ngày quốc tế hạnh phúc 20/3.
Thị trường kết thúc phiên giữa tuần, ngày quốc tế hạnh phúc với đà tăng vọt hơn 17,6 điểm, tương đương với 1,42% tăng, đạt 1.260,08 điểm.
Sàn HNX tăng 1,87 điểm tại 238,03 điểm, chỉ có UPCoM giảm nhẹ 0,06 điểm còn 90,54 điểm. Sắc xanh áp đảo thị trường.
Thanh khoản đạt mức cao trên 20 tỷ đồng tại sàn HOSE, nhưng so với các phiên tuần trước khoảng 23.000 – 25.000 tỷ đồng thì mức thanh khoản này vẫn được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng tăng hơn nữa.
Diễn biến tích cực này được cho là sự hồi phục của VN-Index sau 2 phiên đầu tuần giảm sốc, mất hơn 20 điểm.
Đặc biệt với mức tăng 1,42% của VN-Index, thị trường chứng khoán Việt Nam là thị trường có chỉ số tăng mạnh nhất châu Á phiên hôm nay (20/3).
Nhóm ngân hàng trở thành tâm điểm khi đón sóng tích cực, dẫn dắt đà tăng trở lại của thị trường với 8/15 mã ngân hàng thuộc nhóm có ảnh hưởng mạnh tích cực tới chỉ số VN-Index.
Dẫn đầu là TCB (Techcombank, HOSE) khi tăng gần 5% thị giá, đóng góp 2,83 điểm tăng. Kế tiếp là MBB (MBBank, HOSE), VPB (VPBank, HOSE), ACB (ACB, HOSE), LPB (LPBank, HOSE), STB (Sacombank, HOSE),…
Nổi bật với VIB tăng trần với 6,8% tăng tại 23.600 đồng/cp. Trong bối cảnh hầu hết các cổ phiếu nhóm ngân hàng đã chịu áp lực chốt lời từ những tuần trước, VIB trở thành cổ phiếu hiếm hoi còn duy trì được mạch tăng dài kể từ thời điểm cuối năm ngoái, đến nay mức tăng đã hơn 29%.
Ngoài ra, VIB đang là ngân hàng có dự kiến chia cổ tức cao nhất hệ thống năm 2023.
Trạng thái tăng mạnh lên mức giá trần đã xuất hiện ngay từ phiên sáng, mạnh nhất nhóm ngân hàng với khối lượng giao dịch khủng hơn 16 triệu cổ phiếu.
Ở chiều ngược lại là cổ phiếu ngân hàng: EIB (Eximbank, HOSE). Diễn biến này trong bối cảnh vụ việc lùm xùm nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng lên 8,8 tỷ đồng của khách hàng ngân hàng Eximbank. Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu Eximbank giải trình, trả lời dư luận về vụ việc này.
Ngoài nhóm ngân hàng, nhóm chứng khoán, thép, bán lẻ và công nghệ cũng lần lượt đóng góp mạnh cho chỉ số tăng của VN-Index: MWG (Thế giới di động, HOSE), FPT (FPT, HOSE), SSI (Chứng khoán, HOSE), HPG (Thép Hòa Phát, HOSE),…
Tuy nhiên, vẫn có một yếu tố không mấy khả quan, giới đầu tư quan tâm. Phiên 20/3, thị trường chứng khoán tiếp tục chứng kiến diễn biến bán ròng mạnh tay từ khối ngoại, đạt hơn 570 tỷ đồng tại 3 sàn. Như vậy, tính riêng sàn HOSE, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 8.300 tỷ đồng từ đầu năm 2024 đến nay.
Mặc dù không ảnh hưởng quá nhiều cho thị trường nhưng động thái bán tháo liên tiếp diễn ra cũng khiến nhà đầu tư để tâm, phần nào tác động tới tâm lý tiêu cực.