VN-Index đối mặt với áp lực chốt lời, lịch trả cổ tức, Vietnam Airlines bay cao tại sàn, VNDirect bán ròng 11 phiên liên tiếp, Sacombank chưa có kế hoạch trả cổ tức,…
VN-Index mất điểm trước áp lực chốt lời
Chốt phiên cuối tuần, VN-Index đóng cửa tại 1.255,11 điểm, mất hơn 13 điểm so với phiên trước đó, đánh dấu phiên thứ 3 liên tiếp giảm điểm trong tuần.
Tổng kết tuần, VN-Index mất hơn 26,4 điểm sau 1 tuần giao dịch.
Thanh khoản được duy trì khả quan, quanh ngưỡng 21.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy, dòng tiền vẫn được giao dịch đều đặn trong thị trường nhưng xu hướng chốt lời chiếm ưu thế khiến lực bán tăng cao, VN-Index giảm điểm.
“Sắc đỏ” lan tỏa toàn thị trường với một loạt mã lớn, nhóm VN30 và các nhóm cổ phiếu dẫn sóng trước đó, gồm: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản,…VIX (Chứng khoán VIX, HOSE) giảm gần 4%, SSI (Chứng khoán SSI, HOSE) giảm 2,26%, MBB (MBBank, HOSE) giảm 1,9%,…
Trong khi đó, nhiều cổ phiếu bất ngờ bứt phá, nổi bật là NVL (Novaland, HOSE) tăng mạnh với 4,57%, đạt khối lượng và giá trị giao dịch kỷ lục, lần lượt là gần 108 triệu cổ phiếu, tương đương 1.955 tỷ đồng. Đây cũng là mức thanh khoản cao thứ 3 trong lịch sử kể từ khi lên sàn của NVL.
Ngoài ra là diễn biến “bay cao” của cổ phiếu Vietnam Airlines (HVN, HOSE) với 6,67%, đạt thị giá 16.000 đồng/cp.
Khối ngoại mua ròng trở lại với NVL (Novaland, HOSE) đạt 224 tỷ đồng (cao nhất sàn), MWG (Thế giới di động, HOSE) theo sau với 121 tỷ đồng,…
VND chịu áp lực bán ròng gần 50 triệu cổ phiếu
Cổ phiếu VND (VNDirect, HOSE) chịu áp lực điều chỉnh trong 2 tuần gần nhất với 9/10 phiên giảm. Giá trị VND giảm mạnh 9,3% về mức 22.050 đồng/cp, thuộc top giảm mạnh nhất nhóm chứng khoán. Đánh dấu phiên bán ròng thứ 11 liên tiếp của khối ngoại tại VND.
Tính từ 8/3 đến nay, khối ngoại đã bán ròng 18/21 phiên ở cổ phiếu VND, tương ứng khoảng 48 triệu đơn vị. Tính theo giá giao dịch hiện tại, giới đầu tư nước ngoài đã rút khoảng 1.100 tỷ đồng khỏi VND.
Diễn biến này được cho là đến từ sự cố hệ thống bị tấn công vào 2 tuần trước. Dù đã khắc phục nhưng hậu quả để lại cho cả VNDirect và nhà đầu tư tương đối đáng kể.
Vietnam Airlines “bay cao” tại sàn
Kết thúc phiên cuối tuần qua (5/4), cổ phiếu HVN (Vietnam Airlines, HOSE) bay cao với 6,67%, đạt thị giá 16.000 đồng/cp. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu HVN đã tăng hơn 30% giá trị.
Đáng nói, HVN hiện đang trong diện kiểm soát, hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch vào phiên chiều) của HOSE. Đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết, HVN trông chờ vào “trường hợp đặc biệt” theo dự thảo sửa đổi và bổ sung Luật Chứng khoán của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, lấy ý kiến vào hồi đầu năm.
Tình trạng này đến từ việc hãng hàng không liên tiếp lỗ trong suốt 4 năm qua, vốn chủ sở hữu âm.
Tính riêng năm 2023, Vietnam Airlines đạt doanh thu 92.231 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ, song, HVN vẫn lỗ 5.631 tỷ đồng sau khi trừ các khoản chi phí. Dù khoản lỗ đã được rút ngắn lại so với năm ngoái nhưng Vietnam Airlines vẫn chưa thể đưa lợi nhuận trở lại mức dương.
Sacombank vẫn chưa đề cập đến chia cổ tức năm thứ 9 liên tiếp
Theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín – Sacombank (STB, HOSE), ngoài câu chuyện kinh doanh năm 2024 với mục tiêu lợi nhuận, tỷ lệ nợ xấu,… vấn đề được cổ đông đặc biệt quan tâm là chia cổ tức.
Giống như những năm trước, Sacombank vẫn không đề cập đến kế hoạch chia cổ tức. Kế hoạch phân phối lợi nhuận năm nay chỉ có trích quỹ khen thưởng và phúc lợi.
Tính đến năm 2024, cổ đông Sacombank đã có 9 năm liên tiếp bị “lãng quên” chuyện chia cổ tức từ nhà băng (kể từ năm 2015, trả cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 20%).
Trước đó, trong ĐHĐCĐ thường niên 2023, nhiều cổ đông đã từng chất vấn lãnh đạo Sacombank bởi lợi nhuận cao, cổ phiếu tăng giá nhưng vẫn không chia cổ tức.
Năm 2023, lợi nhuận tại Sacombank là 7.719 tỷ đồng, tăng đáng kể 53% so với cùng kỳ. Cổ phiếu STB đã tăng 15% giá trị vào năm 2023.
Xu hướng giảm điểm tiếp tục duy trì?
Chứng khoán KB nhận định, thị trường chưa thoát khỏi trạng thái tiêu cực và rủi ro vẫn còn hiện hữu. Khả năng giảm điểm cao trong tuần này trước khi có dấu hiệu phục hồi rõ nét hơn quanh vùng hỗ trợ gần 1.250 điểm.
Chứng khoán TPS cho biết, khối lượng giao dịch lớn cho thấy bên bán đang nắm quyền kiểm soát thị trường. Thị trường đang bước vào nhịp điều chỉnh. Trong tuần này, vùng 1.230 điểm là vùng hỗ trợ gần nhất thị trường, nếu không thể bảo toàn, chỉ số có thể lui về vùng 1.180 điểm. Ngoài ra, công ty nhấn mạnh, rủi ro ngắn hạn đang có xu hướng kéo dài, nhà đầu tư nên thận trọng quan sát thị trường để cơ cấu danh mục.
Cùng lúc đó, chứng khoán VCBS cho rằng, thị trường tiếp tục duy trì diễn biến điều chỉnh với ngưỡng hỗ trợ gần nhất tại vùng 1.235 – 1.240 điểm. Nhà đầu tư được khuyến nghị, cân nhắc thu gọn danh mục, không nên hoảng loạn bán đuổi cổ phiếu trong phiên giảm mạnh. Các nhóm ngành đáng chú ý khi có tín hiệu mua trở lại gồm dầu khí, ngân hàng, bất động sản và đầu tư công.
Lịch trả cổ tức tuần này
Theo thống kê, có 5 doanh nghiệp thông báo chốt quyền cổ tức trong tuần này. Trong đó, 4 doanh nghiệp chi trả bằng tiền mặt, 1 doanh nghiệp trả bằng cổ phiếu.
Tỷ lệ trả cao nhất là 30%, thấp nhất là 5%.
Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT, HOSE) chốt quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu, với ngày giao dịch không hưởng quyền là 11/4, tỷ lệ 10%.
Lịch trả cổ tức bằng tiền mặt của các doanh nghiệp từ 25 – 31/3
* GDKHQ: Giao dịch không hưởng quyền – là ngày giao dịch mà người mua không được hưởng quyền có liên quan (quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, quyền tham dự đại hội cổ đông…). Mục đích là để chốt danh sách cổ đông sở hữu cổ phiếu của công ty
Mã | Sàn | Ngày GDKHQ | Ngày TH | Tỷ lệ |
---|---|---|---|---|
WSB | UPCOM | 8/4 | 26/4 | 30% |
SBB | UPCOM | 12/4 | 29/4 | 5% |
REE | HOSE | 12/4 | 26/4 | 10% |
PAT | UPCOM | 12/4 | 29/4 | 10% |