ANTD.VN – Ưa lướt sóng, đầu tư vào các cổ phiếu nóng khiến rất nhiều nhà đầu tư cá nhân vẫn thua lỗ, bất chấp thị trường chứng khoán vẫn tăng trưởng hai con số trong năm qua.
Chán nản vì thị trường tăng nhưng tài khoản thua lỗ
Theo Bộ Tài chính, trong năm 2024, thị trường chứng khoán có biến động với các phiên tăng, giảm đan xen, với xu hướng phục hồi so cuối năm trước.
Tính đến ngày 31/12/2024, chỉ số VN-Index đạt 1266.78 điểm, tăng gần 12% so với cuối năm 2023. UPCoM-Index tăng 8,54% trong khi HNX-Index giảm nhẹ 1,1%.
Tính đến cuối năm, vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 7,2 triệu tỷ đồng, tăng 21,2% so với cuối năm 2023, tương đương 70,4% GDP ước tính năm 2023. Giá trị giao dịch bình quân đạt 21,1 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 19,9% so với bình quân năm trước.
Dù diễn biến chung của thị trường không mấy tiêu cực, trong đó, tính về hiệu suất thì trung bình các cổ phiếu trên sàn HOSE có sự tăng trưởng gấp đôi so với lãi suất ngân hàng.
Tuy nhiên, thực tế rất nhiều nhà đầu tư vẫn phải chịu thua lỗ không nhỏ trong 1 năm qua. Trên các diễn đàn chứng khoán, không ít nhà đầu tư tổng kết một năm đầu tư với tài khoản thua lỗ hàng chục phần trăm. Đây chủ yếu là các nhà đầu tư theo trường phái lướt sóng, trong khi kinh nghiệm thực chiến chưa có nhiều.
Thực tế, mức tăng trưởng của VN-Index tính từ đầu năm chủ yếu nhờ vào sự bùng nổ của thị trường chứng khoán trong quý I với mức tăng lên tới 13,6%.
Trong khi đó, tính từ đầu quý II đến nay, diễn biến sàn HOSE không mấy tích cực, chủ yếu là sideway biên độ hẹp. Đà tăng của thị trường cũng chỉ tập trung một số ít mã đơn lẻ, trong khi đa phần các cổ phiếu sụt giảm. Theo thống kê, 55% cổ phiếu trên HOSE có hiệu suất thấp hơn VN-Index tính từ đầu năm đến nay, trong đó có đến 156 mã giảm điểm (trong đó 14% số mã giảm mạnh trên 20%).
Đa phần nhà đầu tư cá nhân đầu tư theo trường phái lướt sóng |
Không chỉ các cổ phiếu “nóng” mà thậm chí nhiều tên tuổi lớn cũng khiến nhà đầu tư thua lỗ kể từ đầu năm, như: Vingroup (VIC) giảm hơn 9%, Vinhomes (VHM) giảm 7,4%, Vincom Retail (VRE) giảm 26,4%, Vietjet (VJC) giảm 7,4%… Nhiều mã khác như: Sabeco (SAB), Novaland (NVL), Kido(KDC), Đất Xanh (DXG), Viglacera (VGC), Kinh Bắc (KBC), VNDirect (VND), GAS… cũng đều chứng kiến hiệu suất âm kể từ đầu năm.
Nhà đầu tư cá nhân ưa lướt sóng, “đu” cổ phiếu nóng
Theo thống kê, hiện thị trường chứng khoán Việt Nam có hơn 9 triệu tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân. Trên thực tế, việc thua lỗ trên thị trường chủ yếu là ở nhóm nhà đầu tư này. Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Fiingroup cho biết, nhìn vào hành vi giao dịch có thể đánh giá hầu hết nhà đầu tư cá nhân đang thua lỗ (giai đoạn sóng từ 2021 và 2024).
Theo ông Thuân, thị trường chứng khoán Việt Nam là “cuộc chiến” giữa 9 triệu tài khoản cá nhân với các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi nhà đầu tư cá nhân đẩy mạnh giao dịch khi VN-Index ở vùng đỉnh thì nhà đầu tư nước ngoài lại bán ròng mạnh.
Do nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu là đầu tư lâu dài và qua các quỹ nên cơ bản vẫn có lợi nhuận cao hơn VN-Index trong mấy năm qua bất chấp việc bán ròng mạnh. Điều này do chiến lược và hành vi giao dịch cá nhân là một phần do tư duy “lướt sóng”.
Minh chứng là nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng 90% tổng giá trị giao dịch ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa (VNMID) và nhỏ (VNSML), vượt trội so với tỷ trọng 74% ở nhóm vốn hóa lớn (VN30). Đáng chú ý ở nhóm VN30, mặc dù tham gia giao dịch tích cực, tỷ lệ sở hữu thực tế của nhà đầu tư cá nhân (không tính đến nhóm cổ đông nội bộ) rất thấp (dưới 25%).
Bên cạnh những yếu tố chủ quan, việc thị trường gặp nhiều sức ép cũng ảnh hưởng đến hiệu suất của nhà đầu tư. Theo đó, khối ngoại ồ ạt rút vốn cũng gây hiệu ứng kém tích cực lên tâm lý thị trường chung. Trong năm 2024, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tổng cộng khoảng 95.000 tỷ đồng trên toàn thị trường, con số kỷ lục kể từ khi chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động.
Đồng quan điểm, ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT cho rằng sở dĩ rất nhiều nhà đầu tư cá nhân thua lỗ là do họ đang quan tâm quá nhiều tới nhóm cổ phiếu midcap.
“Nếu chúng ta cầm những cổ phiếu nhóm bluechip thì giờ này đang lời rất nhiều. Đa phần nhà đầu tư đang lỗ ở nhóm midcap chứ không phải do thị trường đi xuống” – vị chuyên gia nhận định.
Về triển vọng thị trường thời gian tới, ông Huấn cho rằng thị trường chứng khoán sẽ sớm phục hồi. Theo ông, năm 2024 đã xác nhận rõ là chúng ta đang ở giai đoạn phục hồi ban đầu, và khi kinh tế phục hồi thì cổ phiếu sẽ là lớp tài sản phục hồi đầu tiên.
Còn VinaCapital trong báo cáo mới đây dự đoán năm 2025 sẽ là một năm biến động đối với thị trường chứng khoán Việt Nam vì trong nửa đầu năm tới tăng trưởng GDP có thể chậm lại và đồng VND có thể bị ảnh hưởng, nhưng cả hai khả năng này có thể sẽ đảo chiều vào cuối năm.
Do đó, quỹ này xem sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán là cơ hội để mua vào, động lực đến từ định giá thị trường chứng khoán vẫn hấp dẫn với hệ số P/E dự phóng là 12x, so với mức tăng trưởng EPS dự báo là 17%.
Nguồn: https://www.anninhthudo.vn/chung-khoan-tang-gap-doi-lai-suat-ngan-hang-vi-sao-nhieu-nha-dau-tu-van-thua-lo-nang-post600002.antd