VN-Index giảm về sát 1.200 điểm
Hôm qua (15.11), thị trường chứng khoán (TTCK) tiếp tục chìm trong sắc đỏ và ghi nhận phiên giảm thứ tư trong 5 phiên giao dịch của tuần này. Đóng cửa thị trường, VN-Index giảm 13,32 điểm, tương ứng giảm 1,08%, xuống còn 1.218,57 điểm; HNX-Index giảm 2,28 điểm (1,02%) xuống 221,53 điểm và UPCoM-Index giảm 0,58% còn 91,33 điểm. Như vậy, VN-Index đã quay về mức thấp của tuần đầu tháng 8. Hôm qua, số lượng cổ phiếu giảm giá chiếm áp đảo trong suốt phiên giao dịch.
Trong rổ 30 cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc VN30 trên sàn HOSE, cuối phiên có 3 cổ phiếu lội ngược dòng thành công nhưng mức tăng nhẹ chỉ trên dưới 0,5% trong khi có đến 26 mã giảm giá và 1 cổ phiếu đứng ở tham chiếu. Đáng chú ý, tổng giá trị giao dịch của thị trường tăng so với phiên trước với hơn 20.687 tỉ đồng. Trong đó, riêng sàn HOSE tăng 8,37% về khối lượng và 15,6% về giá trị so với phiên trước đó. Thanh khoản tăng trong phiên giảm mạnh được cho rằng do tâm lý các nhà đầu tư (NĐT) bi quan và đây là biểu hiện rõ nhất của hoạt động bán tháo.
Không chỉ các NĐT trong nước bán ra mà khối ngoại cũng tiếp tục chuỗi ngày bán ròng. Trong phiên hôm qua, tổng cộng NĐT nước ngoài đã bán ròng hơn 1.330 tỉ đồng, tăng 67,78% so với phiên giao dịch ngày 14.11 (792,81 tỉ đồng). Liên tiếp từ đầu tháng 11 đến nay, khối ngoại bán ròng liên tục tại các phiên giao dịch. Nếu tính từ đầu năm 2024, chỉ duy nhất tháng 1 ghi nhận lực mua ròng của khối ngoại, còn lại liên tục từ tháng 2 tới nay nhóm này đều bán ròng. Trong đó, quy mô bán ròng từ đầu năm nay trên sàn HOSE đạt hơn 70.000 tỉ đồng – là mức kỷ lục từ khi TTCK đi vào hoạt động.
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Đông Á, VN-Index đến nay vẫn tăng trưởng so với đầu năm nhưng gần đây liên tục đi xuống. Nguyên nhân đầu tiên có thể kể đến là do NĐT nước ngoài liên tục bán ra rất mạnh. Họ rút tiền ở nhiều thị trường, trong đó có VN để chuyển sang đầu tư vào thị trường Mỹ vì sẽ sinh lời nhiều hơn. Bằng chứng là TTCK Mỹ liên tiếp lập các đỉnh kỷ lục mới nhưng VN-Index chỉ dao động trong khoảng 1.200 – 1.300 điểm. Một lý do khiến chứng khoán giảm sâu là đa số bị bán thuộc nhóm cổ phiếu blue-chips nên tác động lớn đến chỉ số VN-Index.
Mặc dù giá trị giao dịch của các NĐT nước ngoài không chiếm tỷ trọng cao trong từng phiên giao dịch của thị trường nhưng từ đó cũng tạo ra tâm lý e ngại cho NĐT cá nhân trong nước. Do vậy dòng tiền trong nước cũng dè dặt ít tham gia. Đồng thời, cũng không loại trừ có một số “đội nhóm” nhân cơ hội này “đạp” xuống để có cơ hội mua lại hàng giá thấp. Ví dụ trong phiên hôm qua, khi ngưỡng hỗ trợ cho VN-Index ở vùng 1.220 điểm được xem khá mạnh nhưng khi đến gần đó lại bị bán ra nhiều và cuối phiên bị “thủng luôn”. Do vậy, mức hỗ trợ 1.200 điểm chỉ là tâm lý và có khả năng sẽ tiếp tục bị mất trong đầu tuần tới nhưng cũng sẽ hồi phục trở lại vì nhiều cổ phiếu giảm về giá hấp dẫn sẽ thu hút được lượng tiền mua vào.
USD thế giới tăng đẩy chứng khoán đi xuống
Điều khó hiểu là TTCK VN sụt giảm liên tục trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn tăng trưởng tốt, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong 9 tháng năm 2024 vẫn tăng trưởng tích cực. Hơn nữa, số lượng tài khoản chứng khoán của NĐT mở mới vẫn tăng liên tục. Cụ thể, theo Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán VN, số tài khoản NĐT cá nhân trong nước trong tháng 10 mở mới 156.689 tài khoản và lũy kế 10 tháng năm 2024 mở mới gần 1,73 triệu tài khoản, gấp 4,4 lần cả năm 2023. Tổng cộng số lượng đến nay có hơn 8,97 triệu tài khoản chứng khoán của NĐT trong nước. Bên cạnh đó, sau 10 tháng năm 2024, NĐT nước ngoài mở mới tổng cộng 2.052 tài khoản. Tổng lượng tài khoản chứng khoán của NĐT trong và ngoài nước tại thời điểm cuối tháng 10 vượt con số 9 triệu.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối nghiên cứu và phát triển khách hàng của Công ty chứng khoán Yuanta VN, lý giải số lượng tài khoản chứng khoán mở mới vẫn gia tăng nhưng đó chỉ là số liệu thô. Thực tế có nhiều tài khoản không giao dịch. Nhiều NĐT cá nhân từng hoạt động trước đây cũng rút tiền để chuyển sang một số kênh đầu tư khác như vàng vì mức lợi nhuận cao hơn. VN-Index loanh quanh trong vùng 1.200 điểm đến dưới 1.300 điểm khiến nhiều người nản lòng. Động thái bán ròng lớn của khối ngoại lại càng khiến cho dòng tiền vào thị trường èo uột.
“TTCK nhiều nước trong thời gian qua tăng mạnh chủ yếu do cổ phiếu ngành công nghệ nhưng tại VN, số lượng cổ phiếu ngành này quá ít nên không thể tác động đến chỉ số VN-Index. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản vốn thường có tác động đến VN-Index bị sụt giảm từ năm 2023 đến nay và chưa thể phục hồi khi các doanh nghiệp cũng có kết quả kinh doanh còn thấp. Nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán cũng chưa có nhiều thông tin đột biến để thu hút được dòng tiền từ NĐT cá nhân”, vị này nói và nhấn mạnh: TTCK VN vẫn phụ thuộc hơn 90% lượng giao dịch của NĐT cá nhân trong khi họ đa phần chỉ phản ứng theo thị trường. Khi thị trường xấu là chạy, tốt thì mua theo. Hiện tại, thấy NĐT nước ngoài liên tục bán ròng và chưa có dòng vốn nào tham gia mạnh thì họ chọn đứng ngoài.
Ông Minh dự báo: Xu hướng bán ròng của khối ngoại có thể chưa chấm dứt ngay khi USD trên thế giới vẫn tăng. Chênh lệch lãi suất USD với VND ở mức dương. Điều này đồng nghĩa nếu như trước đây lấy tiền đồng gửi ngân hàng có lời hơn thì nay khối ngoại giữ USD lợi hơn và cũng chuyển sang đầu tư vào TTCK Mỹ càng thu được lợi nhuận cao hơn. “Hiện áp lực lên tỷ giá hối đoái USD/VND vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên xu hướng USD hạ nhiệt cũng sẽ sớm xảy ra. Khi đó dòng vốn đầu tư nước ngoài quay trở lại TTCK. Trong ngắn hạn, VN-Index có thể tiếp tục diễn biến trong vùng 1.200 – 1.300 điểm và xác suất giảm sâu dưới 1.200 điểm cũng khó xảy ra vì không có thông tin nào quá xấu gây tác động mạnh đến thị trường”, ông Nguyễn Thế Minh chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Anh Tuấn cho rằng trước đây TTCK trong nước hầu như diễn biến tương đồng với TTCK Mỹ. Tuy nhiên trong năm nay do bị áp lực từ việc USD thế giới liên tục tăng cao làm nhiều đồng tiền các nước, trong đó có VN đi xuống. Từ đó khiến khối ngoại liên tục bán ròng để rút tiền đầu tư vào Mỹ. Giá trị USD càng tăng khiến TTCK Mỹ càng hưởng lợi. Bên cạnh đó, ngành công nghệ với các xu hướng mới như AI, bán dẫn… tăng trưởng cao đã đóng góp mạnh đưa TTCK Mỹ liên tục lập đỉnh kỷ lục nhưng VN không có nhiều cổ phiếu công nghệ nên làn sóng này không đủ sức giúp VN-Index gia tăng.
Dòng tiền đầu tư nước ngoài nói chung từ đầu năm đến nay tập trung nhiều vào thị trường Mỹ. Điều đó làm TTCK Mỹ tăng mạnh và dòng tiền này càng tiếp tục lưu ở đó. Vì vậy, TTCK VN sẽ vẫn còn “lình xình” và chỉ có thể tăng rõ hơn từ giữa năm 2025 khi dòng vốn ngoại hết bán ròng và quay lại mua vào. Lãi suất thấp và kinh tế VN tiếp tục tăng trưởng trong 2025 – 2026 sẽ góp phần thu hút vốn ngoại vào TTCK trong giai đoạn cuối năm 2025.
Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển
Nguồn: https://thanhnien.vn/chung-khoan-lien-tuc-di-thut-lui-185241115204859562.htm