Kết thúc phiên giao dịch ngày 11-9, VN-Index đóng cửa lùi tiếp về quanh 1.250 điểm, giảm nhẹ so với phiên trước và là phiên giảm thứ 3 liên tiếp. Thanh khoản duy trì ở mức thấp khi giá trị giao dịch trên sàn HoSE chỉ chưa tới 13.000 tỉ đồng. Nhiều nhà đầu tư chán nản không muốn nhìn bảng điện vì giao dịch èo uột, trầm lắng.
Thị trường “thiếu sức sống”
Trước kỳ nghỉ lễ 2-9, thị trường đã có gần 2 tuần giao dịch bùng nổ, sau khi VN-Index rớt khỏi 1.200 điểm và bật mạnh lên hơn 1.280 điểm. Nhiều nhà đầu tư cũng như giới phân tích kỳ vọng rất lớn vào việc thị trường có thể tạo bất ngờ sau kỳ nghỉ lễ, bởi kinh tế trong và ngoài nước đều có nhiều thông tin tích cực.
Trái với kỳ vọng, VN-Index liên tục lình xình rồi giảm mạnh sau kỳ nghỉ lễ. Trong phiên 11-9, chỉ số có lúc giảm sâu về 1.244 điểm trước thu hẹp đà giảm còn 1,96 điểm và đóng cửa ở mức 1.253 điểm. Đặc biệt, giao dịch trên cả sàn HoSE, HNX, UpCoM chỉ đạt hơn 13.900 tỉ đồng, trong đó riêng sàn HoSE chiếm 12.843 tỉ đồng, mức rất thấp trong vòng 1 tháng qua.
Ngay cả thông tin tích cực liên quan đến tỉ giá USD/VNĐ hạ nhiệt hay Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sắp hạ lãi suất, việc tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài có thể mua chứng khoán không cần ký quỹ (pre-funding)… cũng không giúp thị trường phấn khởi.
Điều gì khiến chứng khoán vẫn gây thất vọng? Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao, Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, nhận định có thể do thị trường chưa có đủ thông tin tích cực để bứt phá.
“Ngoài yếu tố khối ngoại liên tục bán ròng; thị trường biến động trong vùng tích lũy khiến nhà đầu tư không có cơ hội lướt sóng còn thiếu dòng tiền lớn nhập cuộc. Ở chiều ngược lại, nhiều đội, nhóm đầu tư hô hào thông tin tiêu cực liên quan đến hoạt động kinh doanh của một số tập đoàn, doanh nghiệp (DN) lớn tác động không nhỏ tới tâm lý nhà đầu tư” – ông Phương phân tích.
Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, trong vài ngày qua, nhiều hội, nhóm chứng khoán, nhà đầu tư rất ít trao đổi, hỏi thông tin, bình luận về đà tăng, giảm của cổ phiếu như trước. Giá nhiều cổ phiếu đã giảm từ 8%-10% trong gần 2 tuần qua nhưng nhiều nhà đầu tư gần như không muốn mua vào.
Yếu tố nào tạo cú hích lớn?
Tại báo cáo chiến lược tháng 9, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng điểm đáng chú ý trong thời gian tới là thông tư liên quan đến nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể mua chứng khoán mà không cần có đủ tiền ngay sẽ được ban hành. SSI Research kỳ vọng thông tư này được ban hành trong tháng 9 và triển khai ngay trong quý IV/2024.
Đây là cơ sở để FTSE Russell đánh giá tích cực với thị trường chứng khoán Việt Nam trong kỳ xếp hạng tháng 9 này và quyết định nâng hạng Việt Nam trong kỳ đánh giá tháng 9-2025. Giải pháp này có thể giúp các quỹ đầu tư nước ngoài xem xét giải ngân trở lại thị trường Việt Nam, bên cạnh việc luân chuyển dòng tiền đầu tư sang thị trường mới nổi trong bối cảnh đồng USD hạ nhiệt.
“Theo dữ liệu lịch sử, tháng 9 có thể là cơ hội mua tốt với kỳ vọng thị trường tăng trưởng trong quý cuối năm. Các yếu tố có lợi cho thị trường dần hiện diện rõ hơn so với giai đoạn trước, bao gồm đà phục hồi kinh tế, Chính phủ tiếp tục duy trì với chính sách tiền tệ và tài khóa hỗ trợ, lợi nhuận của DN niêm yết tăng trưởng khả quan hơn vào nửa cuối năm, bên cạnh kỳ vọng về sự trở lại dần của dòng vốn ngoại” – bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research, nói thêm.
Cùng quan điểm, ông Trương Hiền Phương cũng cho rằng cần thêm cú hích như báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2024 của DN niêm yết tích cực hơn lộ trình, thị trường chứng khoán Việt Nam xác nhận sẽ được nâng hạng, FED chính thức giảm lãi suất… mới có thể tạo sức hút đối với dòng tiền của nhà đầu tư.
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc phân tích – Công ty Chứng khoán MB (MBS), nhận định tác động từ chứng khoán thế giới đang điều chỉnh ở vùng đỉnh đến thị trường trong nước sẽ lắng xuống khi có nhiều thông tin hỗ trợ trong tháng 9 này. Một số thị trường ở khu vực Đông Nam Á đã ngược dòng chứng khoán thế giới khi đồng USD đã giảm về mức đầu năm nay.
Loạt dữ liệu vĩ mô tháng 8-2024 vừa công bố giúp nhà đầu tư có thêm manh mối để đánh giá triển vọng nền kinh tế, bức tranh về kết quả kinh doanh của các DN ở quý III/2024. “Các điểm sáng từ loạt dữ liệu vĩ mô như lạm phát, chỉ số các ngành sản xuất, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài khả quan, xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh nhờ sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng trên thế giới, đặc biệt khi gần về mùa lễ hội cuối năm. Tỉ giá USD/VNĐ đã hạ nhiệt sẽ là những yếu tố giúp chính sách tiền tệ còn dư địa hỗ trợ nền kinh tế trong thời gian tới. VN-Index vẫn có triển vọng tích cực trong tháng 9” – bà Hiền nhấn mạnh.
Lãi suất, trái phiếu có cạnh tranh với chứng khoán?
Một số nhận định cho rằng dòng tiền chảy vào chứng khoán đang bị cạnh tranh bởi các kênh đầu tư khác như lãi suất tiền gửi, trái phiếu, bất động sản… Chuyên gia của KIS Việt Nam nói nhận định này chưa hẳn đúng. Bởi những số liệu gần đây cho thấy việc phát hành trái phiếu của nhiều DN vẫn chưa thật sự phục hồi. Không ít nhà đầu tư vẫn như “chim sợ cành cong” với kênh đầu tư trái phiếu.
“Lãi suất tiền gửi có tăng nhưng cao nhất cũng khoảng 6,5%-7%, không phải mức lãi suất hấp dẫn so với đầu tư chứng khoán. Ngay cả thời điểm lãi suất tiền gửi 8%-9% giai đoạn cuối năm 2022 đầu năm 2023 cũng chưa hấp dẫn nhà đầu tư chuyển sang kênh này.
Trong khi bất động sản cũng chỉ sôi động ở phân khúc căn hộ còn phân khúc khác vẫn chủ yếu quan sát và chờ đợi. Thực tế, dòng tiền của nhà đầu tư vẫn ở thị trường chứng khoán, chỉ là thiếu cú hích về niềm tin rằng VN-Index sẽ bứt phá nên họ chưa mặn mà giải ngân” – ông Trương Hiền Phương nói.
Nguồn: https://nld.com.vn/chung-khoan-lai-cho-cu-hich-196240911205205568.htm