Những năm qua, hoạt động kinh doanh của CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) phụ thuộc rất lớn vào sự sôi động trên thị trường trái phiếu. Sự phát triển nóng của thị trường trái phiếu những năm trước từng là đòn bẩy giúp TCBS vươn lên cạnh tranh với các công ty chứng khoán lâu năm khi mà mảng môi giới chứng khoán gần như “không có cửa”.
Ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT của TCBS từng chia sẻ cách đây nhiều năm: “Thời điểm bắt đầu, TCBS đã đi sau các công ty chứng khoán khác đến mười mấy năm trong mảng môi giới chứng khoán. Đã đi sau, giờ tiếp tục nhảy vào thị trường đó mà không có lợi thế cạnh tranh gì để đuổi kịp người ta thì suốt đời sẽ là kẻ đi sau”. Điều này khiến TCBS buộc phải tìm một thị trường ngách, nơi mà các công ty chứng khoán khác chưa để ý.
Kể từ năm 2016 tới nay, TCBS luôn dẫn đầu về thị phần giao dịch trái phiếu trên trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE). Mảng nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành cũng đều đặn mang về cho công ty chứng khoán này hàng trăm thậm chí hàng nghìn tỷ mỗi năm và thường chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu doanh thu hoạt động.
Khủng hoảng trái phiếu
Sau giai đoạn tăng trưởng nóng, những khó khăn đã bắt đầu xuất hiện sau khi cơ quan quản lý siết chặt các hoạt động phát hành trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán trái phiếu riêng lẻ đã được ban hành vào ngày 16/9/2022 được dự báo sẽ có tác động mạnh đến thị trường trái phiếu.
Đối với công ty chứng khoán, các nguồn thu từ hoạt động tư vấn phát hành trái phiếu có nguy cơ bị thu hẹp về nguồn thu tại mảng này do sự thắt chặt trong chính sách quản lý. Triển vọng tăng trưởng doanh thu đến từ việc phân phối lại trái phiếu doanh nghiệp sẽ là một điểm chưa chắc chắn sau Nghị định 65.
Thực tế cho thấy, doanh thu nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành của TCBS năm 2022 đã giảm gần 15% so với cùng kỳ năm trước. 2022 là một năm đầy khó khăn với thị trường trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Trước đó một năm, nguồn thu từ mảng nghiệp vụ này của TCBS cũng đã có dấu hiệu chững lại.
Trong năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã bị tác động bởi các thông tin liên quan đến hàng loạt tập đoàn lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực bất động sản, với hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu lưu hành trên thị trường. Thêm vào đó, hàng loạt cảnh báo của bộ, ban ngành đưa ra khiến nhà đầu tư có cái nhìn thận trọng và cẩn thận hơn.
Thị trường sơ cấp gần như rơi vào trạng thái “đóng băng” trong quý 3, dự báo xu hướng tiếp tục ảm đạm đến năm 2023. Doanh nghiệp không thể phát hành trái phiếu do ít người mua. Trạng thái tương tự, thị trường thứ cấp tắc nghẽn do không có lực cầu. Loạt lệnh bán được đưa ra trong khi vắng bóng người mua.
Các tổ chức “ồ ạt” bán ra tài sản với tổng giá trị lớn, lệnh bán trái phiếu rất khó thực hiện. Một số quỹ đã phải bán tài sản với mức giảm giá lớn, dẫn đến giảm giá trị NAV/CCQ. Quỹ trái phiếu lớn nhất thị trường TCBF – Techcom Capital đương nhiên không thoát khỏi khủng hoảng khi tổng tài sản giảm 16% trong tháng 10, tương đương hơn 3.100 tỷ đồng. Một số quỹ khác ghi nhận tổng tài sản giảm luỹ kế từ đầu tháng 10 từ 22 – 34% hoặc bị rút ròng 100 – 300 tỷ đồng mỗi tuần.
Lợi nhuận tụt dốc
Mảng hoạt động thường xuyên đóng góp lớn nhất trong cơ cấu doanh thu bị ảnh hưởng khiến kết quả kinh doanh của TCBS tụt dốc rõ rệt. Năm 2022, lợi nhuận trước thuế của CTCK này giảm gần 20% so với cùng kỳ, xuống mức 3.058 tỷ đồng. Con số này được dự báo sẽ còn tiếp tục giảm sâu khi TCBS chỉ đặt mục tiêu lãi 2.000 tỷ trước thuế trong năm 2023, thấp hơn gần 35% so với năm trước. Chỉ tiêu doanh thu hoạt động dự kiến cũng giảm 11% xuống mức 4.654 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính bán niên 2023 soát xét, TCBS ghi nhận doanh thu hoạt động 6 tháng đầu năm đạt 2.015 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, TCBS lãi trước thuế 6 tháng đầu năm gần 1.000 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm đề ra.
Nguyên nhân dẫn đến tình hình kinh doanh tụt dốc theo giải trình từ phía TCBS là do thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu từ nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán chủ yếu là trái phiếu giảm mạnh đến 53% so với cùng kỳ, xuống còn chưa đến 450 tỷ đồng.
Thời điểm cuối quý 2, tổng tài sản của TCBS ở mức 34.775 tỷ đồng, tăng 33% so với đầu năm, bao gồm 5.761 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, 10.182,5 tỷ đồng các khoản cho vay,… Đáng chú ý, TCBS còn có khoản 12.750 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết sở hữu tại cuối quý 2, tương đương 36,6% cơ cấu tài sản. Con số này cao gần gấp đôi so với thời điểm đầu năm và tăng 91,6% so với thời điểm cuối quý 1/2023.
Trong bối cảnh tình hình kinh doanh đi xuống rõ rệt, cuối năm ngoái, TCBS bất ngờ muốn huy động thêm hơn 10.000 tỷ từ một ngân hàng thông qua chào bán riêng lẻ 105 triệu cổ phiếu với giá phát hành dự kiến là 95.600 đồng/cp. Mục đích của đợt chào bán là duy trì vị thế trong các mảng cốt lõi gồm cổ phiếu, trái phiếu, đầu tư và quản lý tài sản.