Thị trường đang trải qua giai đoạn khá khởi sắc trong những ngày đầu năm mới, nhưng VN-Index dần xuất hiện áp lực bán chốt lời ở vùng thử thách mới 1.160 điểm khi chỉ số này đã có những phiên rung lắc nhẹ, thậm chí điều chỉnh. Sự đuối sức của nhóm cổ phiếu vua ngành ngân hàng đã khiến VN-Index hạ độ cao và may mắn vẫn giữ được sắc xanh nhờ dòng tiền sôi động.
Có thể thấy, dòng tiền bị kẹt trong giai đoạn trước đã được giải phóng sau khi nhiều cổ phiếu thoát khỏi vùng giá nền và tăng trưởng. Ngoài ra, một số nhóm ngành lớn như ngân hàng nhập cuộc đã lôi kéo dòng tiền tham gia thị trường mạnh mẽ hơn. Nhờ nhóm ngân hàng mà dòng tiền giao dịch sôi động hơn hẳn và có dịp lan tỏa sang nhiều nhóm ngành khác.
Thanh khoản thị trường được kỳ vọng sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới nhờ dòng tiền nhàn rỗi từ các kênh khác tham gia và nhà đầu tư sẽ càng đẩy mạnh margin để gia tăng lợi nhuận.
Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia khó có thể kỳ vọng về “sóng” kết quả kinh doanh quý IV/2023, vì bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp dù lạc quan hơn so với quý III, nhưng mức tăng lợi nhuận dự kiến thấp, không dễ tạo ra cú huých cho thị trường chứng khoán.
Nhìn lại nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023, sản xuất ở mức thấp, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) 3 tháng cuối năm đều dưới 50; xuất khẩu chưa hồi phục rõ nét do nền kinh tế của các đối tác nhập khẩu chính là Mỹ, EU và Trung Quốc vẫn trong giai đoạn khó khăn; lãi suất giảm mạnh nhưng dòng tiền chậm chảy vào hoạt động sản xuất – kinh doanh…
Với việc các doanh nghiệp “chốt số liệu”, chỉ một số ngành nghề có “của để dành” như bất động sản thì mới có thể tạo sự đột biến vào quý cuối năm. Với nhóm ngân hàng, các chuyên gia không kỳ vọng cao, do “của để dành” gần như không còn, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã về mức thấp. Còn các doanh nghiệp sản xuất và thương mại, lợi nhuận thường chia đều trong năm, chứ không dồn vào quý IV.
Yếu tố để kỳ vọng thị trường chứng khoán tăng trưởng trong thời gian tới theo TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DG Capital, phần lớn thị trường đang đặt kỳ vọng vào sự tăng trưởng của doanh nghiệp niêm yết trong năm 2024, bởi chính sách thúc đẩy, hỗ trợ đã được ban hành, giờ chỉ đợi kết quả từ phía doanh nghiệp. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thật sự tốt mới đủ tạo ra cú huých cho thị trường chứng khoán.
Lãi suất huy động đã về đáy, kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm thêm khi lượng tiền gửi lãi suất cao giai đoạn đầu năm 2023 đáo hạn và quay vòng tiếp vào hệ thống, giúp các ngân hàng giảm chi phí vốn, từ đó hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp để hấp dẫn các doanh nghiệp vay mới, phục vụ hoạt động sản xuất – kinh doanh. Dự báo, lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu sẽ tăng trưởng, nhưng không quá cao.
Từ các yếu tố phân tích đó, TS Nguyễn Duy Phương đặt ra xác suất 40% vào kịch bản lạc quan, thị trường sẽ xuất hiện một “sóng” tăng nhẹ; 60% là thị trường đi ngang ở mức hiện tại.