Thị trường chứng khoán có khởi đầu tích cực cho năm 2024, VN-Index ghi nhận mức tăng 3% trong tháng 1. Đây là tháng tăng thứ 3 liên tiếp của chỉ số chính trong bối cảnh tích cực của thị trường chứng khoán toàn cầu. Dòng tiền tập trung ở ngành ngân hàng với hỗ trợ đáng kể bởi sự quay trở lại của nhóm nhà đầu tư nước ngoài cùng đà tăng trưởng 22% của lợi nhuận quý IV/2023.
Theo đánh giá của đội ngũ phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) thị trường sẽ tạm bước vào giai đoạn trống thông tin sau mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2023. Cùng với hiệu ứng của kỳ nghỉ Tết nguyên đán, VDSC không kỳ vọng thị trường có biến động mạnh trong tháng 2. Tuy nhiên, luồng thông tin về mùa Đại hội hội cổ đông với các kế hoạch kinh doanh mới cho năm 2024 nhiều khả năng sẽ giúp thị trường sôi động hơn trong nửa cuối tháng 2. Ở chiều ngược lại, rủi ro giảm sâu của thị trường là hạn chế, nhờ định giá các ngành vốn hóa lớn tương đối rẻ. Xu hướng bán ròng của khối ngoại có thể tạm thời chấm dứt, lượng tiền gửi nhà đầu tiền đang chờ để tham gia lại thị trường.
Cho tháng 2, VDSC dự báo vùng dao động kỳ vọng của VN-Index là 1.160 – 1.200 điểm.
“Sau kết quả kinh doanh quý IV/2023 với mức tăng trưởng lợi nhuận 12 tháng liên tiếp đạt 7% so với cuối quý III/2023, dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đã bắt đầu hồi phục từ giữa năm 2023. Kỳ vọng vào hiệu quả từ việc nới lỏng chính sách tiền tệ và tăng cường giải ngân đầu tư công trong năm 2023 sẽ được minh chứng rõ ràng hơn trong năm 2024.
Với P/E toàn thị trường ước tính ở mức 13,6, thấp hơn so với mức tiệm cận 14 cuối năm, thị trường dự kiến ít chịu áp lực từ nhà đầu tư nước ngoài, mở ra cơ hội cho nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu đầu ngành với tiềm năng phục hồi cao. Trong ngắn hạn, nhà đầu tư có thể linh hoạt mua – bán ở những cổ phiếu như VNM, QNS và LHG” – VDSC cho biết.
Theo chuyên gia từ Công ty Chứng khoán Mirae Asset, các rủi ro nhà đầu tư cần theo dõi gồm: sự không chắc chắn về thời gian và quy mô cắt giảm lãi suất của FED trong năm 2024; tác động của lãi suất toàn cầu cao đối với việc đảo nợ, hoạt động kinh doanh, tiêu dùng; tác động từ các khó khăn kéo dài của ngành bất động sản Trung Quốc; rủi ro tăng trưởng thấp ở châu Âu; rủi ro địa chính trị, đặc biệt là tác động của sự kiện Biển Đỏ tới lạm phát toàn cầu, những thay đổi về chính sách sau các cuộc bầu cử ở các nước lớn.