Thị trường chứng khoán trong tuần qua giao dịch theo chiều hướng liên tục giằng co, không có nhiều biến động, tiếp tục thử thách sự kiên nhẫn của các nhà đầu tư khi sự kỳ vọng về một đợt bứt phá của thị trường để lấy lại đỉnh 1.300 điểm đã không diễn ra. Ngoài ra, khối lượng giao dịch nằm dưới mức trung bình 20 ngày chứng tỏ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư vẫn còn hiện hữu.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn miệt mài bán ròng trên dưới nghìn tỉ đồng mỗi phiên trong tuần từ 17-21.6, trong đó các mã bluechip là tâm điểm xả bán, đặc biệt riêng cổ phiếu FPT chiếm tới 1/4 giá trị bán ròng. Nếu điều này tiếp tục duy trì sẽ càng ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của chỉ số trong thời gian tới.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng – chứng khoán đang gây thất vọng khi chưa thể hiện vai trò dẫn dắt. Các chuyên gia dự báo sự phân hóa sẽ tiếp tục không chỉ phần cuối tháng, quý III và còn diễn ra cả năm 2024, khi đây là năm của những nhóm ngành cổ phiếu riêng lẻ có sự phục hồi kết quả kinh doanh ấn tượng. Nhóm cổ phiếu công nghệ – viễn thông đang có đà tăng giá tốt bên cạnh đó là nhóm cổ phiếu hóa chất, thép liên tục khiến các nhà đầu tư bất ngờ khi vẫn có những cổ phiếu tăng mạnh mang lại sự hiệu suất sinh lời cao cho các nhà đầu tư.
Nhìn lại lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam, tháng 6 luôn là tháng có xác suất điều chỉnh cao nhất trong năm. Nhưng nếu chỉ xét trong 10 năm trở lại đây, xác suất tăng điểm trong tháng 6 lại cao hơn, với 6 lần chỉ số VN-Index xác lập đà tăng trong giai đoạn này, mức tăng trung bình đạt 4,1%.
Tâm lý lo ngại thị trường chứng khoán điều chỉnh trong tháng 6 vẫn xuất hiện, khi đây cũng là thời điểm thị trường rơi vào vùng trũng thông tin, nhưng vẫn có những kỳ vọng chỉ số tiếp tục tăng. Thực tế, thị trường biến động thường không thể hiện rõ ràng một quy luật chu kỳ, bởi sẽ phụ thuộc vào các biến số tại mỗi thời điểm khác nhau.
Theo số liệu của Fiinpro, tại thời điểm cuối tháng 5.2024, chỉ số P/E của VN-Index ở mức 14,15 lần, thấp hơn một chút so với mức P/E trung bình 10 năm của chỉ số. Như vậy, thị trường có thể đang trong vùng lưỡng lự chờ đợi, với động lực tích cực từ nền lãi suất thấp, áp lực tỷ giá có thể đã được phản ánh phần lớn, nhà đầu tư kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết đã tạo đáy cuối năm 2023 nhưng mức định giá của thị trường đang ở sát mức bình quân 10 năm trở lại đây.
TS Nguyễn Duy Phương – Giám đốc khối đầu tư DGCapital – đánh giá, thị trường chứng khoán vẫn nghiêng về xu hướng vận động tích cực, tuy nhiên, giai đoạn này sẽ chịu tác động của nhiều yếu tố vĩ mô. Cuối tháng 6 sẽ là thời điểm công bố các chỉ số kinh tế vĩ mô, trong đó có chỉ số quan trọng là tăng trưởng GDP quý II.
Thị trường ở giai đoạn hiện tại vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng, động lực đến từ kết quả kinh doanh quý II/2024 của các doanh nghiệp niêm yết. Trong kịch bản tích cực, nếu thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) toàn sản niêm yết tiếp tục tăng trưởng mạnh vào quý II thì định giá của thị trường trở nên hấp dẫn; đồng thời, niềm tin của nhà đầu tư vào sự phục hồi lợi nhuận của thị trường càng được củng cố vững chắc, nên sẽ chấp nhận mức định giá thị trường cao hơn trung bình 10 năm trở lại đây.
Thị trường chứng khoán tháng 6 cũng được nhìn nhận sẽ vận động cân bằng trong biên độ hẹp, đặc biệt khi chỉ số tiếp cận vùng đỉnh tháng 3, trước khi có những thông tin tiếp theo ảnh hưởng đến xu hướng chính, TS Phương nhận định.
Nguồn: https://laodong.vn/tien-te-dau-tu/chung-khoan-cho-doi-yeu-to-ho-tro-de-but-pha-1356179.ldo