Chứng khoán 27/9 thăng hoa, nhà đầu tư lo bị “bẫy”
Trong những phiên giao dịch gần đây, VN-Index trở thành một trong các chỉ số có tốc độ giảm mạnh nhất thị trường châu Á. Tuy nhiên, trong phiên chứng khoán 27/9, điều ngược lại đang diễn ra, VN-Index lại tăng mạnh nhất châu Á.
Sau nhiều phiên giảm sâu liên tiếp với đà mất mát 90 điểm, VN-Index mở đầu phiên chứng khoán 27/9 với nỗi lo của nhà đầu tư. Vì vậy, thị trường giằng co khá mạnh, sắc xanh nhanh chóng biến mất. Thay vào đó, sắc đỏ bao phủ bảng giao dịch điện tử. Tới 11h trưa, VN-Index xuống “đáy”.
Sau giờ nghỉ trưa, sắc đỏ tiếp tục chiếm ưu thế. Nhưng trước giờ ATC, lực cầu bắt đáy bất ngờ xuất hiện khá mạnh giúp sắc xanh trở lại.
Đóng cửa phiên chứng khoán 27/9, VN-Index tăng 15,89 điểm, tương đương 1,4% lên 1.153,85 điểm; VN30-Index tăng 15,23 điểm, tương đương 1,32% lên 1.168,6 USD/ounce. Số lượng mã tăng giá (308 mã) vượt trội so với mã giảm giá (191 mã).
Có 2 dòng hút tiền trong phiên chứng khoán 27/9. Đó là chứng khoán và dầu khí. Cổ phiếu “anh cả” ngành chứng khoán SSI suýt tăng trần khi tăng 2.100 đồng/CP, tương đương 6,8% lên 33.000 đồng/CP.
Trong khi SSI mới chỉ suýt chốt phiên chứng khoán 27/9 trong sắc tím thì nhiều mã cổ phiếu chứng khoán tăng trần thành công. AGR tăng 1.100 đồng/CP lên 17.300 đồng/CP; BSI tăng 2.500 đồng/CP lên 38.900 đồng/CP; CTS tăng 1.850 đồng/CP lên 28.850 đồng/CP. MBS tăng 2.000 đồng/CP lên 22.700 đồng/CP,…
Có thể thấy thị trường chứng khoán 27/9 thăng hoa sau chuỗi ngày giảm sốc. Thế nhưng, “niềm vui không trọn vẹn” khi VN-Index tăng mạnh nhưng thanh khoản lại giảm sâu. Chỉ có 860 triệu cổ phiếu, tương đương 18.193 tỷ đồng được giao dịch thành công. Chính vì vậy, nhà đầu tư lo ngại đây sẽ là bull-trap.
Công ty chứng khoán VCBS nhận định nhiều khả năng VN-Index sẽ có nhịp phục hồi ngắn sau 4 phiên giảm điểm mạnh và liên tiếp. Với diễn biến hiện tại, nếu lực cầu được duy trì, VN-Index có thể phục hồi và chạm khu vực 1.170 – 1.175 điểm.
“Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư có tỉ trọng tiền mặt cao, có thể cân nhắc giải ngân lướt sóng đối với những cổ phiếu thuộc các ngành như chứng khoán, bất động sản. Đối với những nhà đầu tư vẫn đang có tỉ trọng cổ phiếu cao, có thể tận dụng những phiên tăng điểm để cơ cấu, thu gọn lại danh mục”, VCBS khuyến nghị.
Chứng khoán châu Á “phục thù”
Thị trường châu Á-Thái Bình Dương đã đảo chiều thành công khi các nhà đầu tư đánh giá dữ liệu công nghiệp của Trung Quốc và số liệu lạm phát tháng 8 của Úc.
Tỷ lệ lạm phát gia quyền của Úc đã tăng 5,2% so với cùng kỳ vào tháng 8, phù hợp với kỳ vọng từ các nhà kinh tế được Reuters thăm dò, trong khi lạm phát toàn phần ở mức 5,5%.
Chỉ số S&P/ASX 200 của Úc là chỉ số chính duy nhất nằm trong vùng tiêu cực, giảm 0,11% và kết thúc ở mức 7.030,3.
Nikkei 225 của Nhật Bản phục hồi để đóng cửa tăng 0,18% lên 32.371,9 và Topix tăng 0,32% để kết thúc ở mức 2.379,53.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng điểm trong phiên chiều và kết thúc phiên cao hơn một chút ở mức 2.465,07, trong khi Kosdaq tăng 1,59% để chấm dứt chuỗi 8 ngày giảm ở mức 841,02.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông đã tăng 0,7% trong giờ cuối cùng, đảo ngược mức giảm từ thứ Ba, trong khi chỉ số CSI 300 của đại lục cũng nhích lên 0,21%, đóng cửa ở mức 3.700,5.
Tại Mỹ, cả ba chỉ số chính đều bị bán tháo sau khi báo cáo doanh số bán nhà và niềm tin người tiêu dùng mới nhất làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng nền kinh tế Mỹ.
Chỉ số Dow mất 1,14% và lần đầu tiên đóng cửa dưới mức trung bình động 200 ngày kể từ tháng Năm. S&P 500 giảm 1,47%, lần đầu tiên đóng cửa dưới 4.300 kể từ ngày 9 tháng 6, trong khi Nasdaq Composite giảm 1,57%.