Nhiều thí sinh cho biết hiện tại đang khá lo lắng trước thông tin tuyển sinh đại học từ năm 2025 và nếu siết xét tuyển sớm 20% sẽ bị dồn áp lực. Trong khi đó, một số em thì ủng hộ và nhiệm vụ bây giờ là tập trung ôn thi thật tốt.
Học sinh nói gì trước thông tin siết xét tuyển sớm còn 20%?
Bộ GDĐT vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2025. Trong đó, có nội dung mới là “siết” xét tuyển sớm xuống còn 20% đang khiến dư luận quan tâm do việc khống chế này sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của thí sinh đang học lớp 12.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, em Nguyễn Thị Thùy, học sinh lớp 12 ở TP. Thanh Hóa, cho hay: “Em thích học ngành Ngôn ngữ Anh và đang chuẩn bị cho mình kiến thức tốt nhất để thi chứng chỉ IELTS. Với kết quả này, con đường vào đại học của em sẽ rộng mở hơn thay vì đợi thi tốt nghiệp THPT với sức cạnh tranh rất cao. Em có nghe thông tin nhưng chưa hiểu rõ nội dung nên cũng khá lo lắng. Hiện tại mới là dự thảo nên em không dám đọc tin tức nhiều để tránh hoang mang”.
Một thí sinh khác sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để xét tuyển đại học năm 2025. Nam sinh này cho hay: “Điểm thi tốt nghiệp cao nên đã lựa chọn thi kỳ thi đánh giá năng lực của trường để có thêm cơ hội nhập học.
Tuy nhiên, với những dự kiến mới, việc giảm chỉ tiêu xét tuyển sớm khiến kế hoạch của em thay đổi. Cả hai phương án xét tuyển đều khiến em thấy lo lắng vì kỳ thi chỉ tổ chức một đợt vào tháng 5. Nếu không đỗ bằng xét tuyển sớm, em sẽ rất áp lực khi trở lại với kỳ thi tốt nghiệp THPT”.
Trong khi đó, em Nguyễn Mai Linh, học sinh lớp 12 quận Hà Đông, Hà Nội bày tỏ: “Em ủng hộ quyết định của Bộ GDĐT, cứ để thí sinh thi chung cho công bằng, khỏi loay hoay phương thức này phương thức kia tốn thời gian công sức tiền bạc. Mong Bộ kiên định, giữ vững lập trường, tránh tình trạng thủ khoa khối A toàn quốc trượt nguyện vọng 1”.
Bạn học cùng lớp với Mai Linh là Lê Phương Nam cũng đồng tình vì quá nhiều phương thức xét tuyển làm học sinh cũng hoang mang. Trong khi các kỳ thi đánh giá năng lực tư duy, kiến thức các trường tự ra khác với những gì học sinh học ở trường. Bộ cần hạn chế % của các hình thức xét tuyển sớm là đúng.
Hiểu thế nào cho đúng về siết xét tuyển sớm
Trước băn khoăn của học sinh, theo Bộ GDĐT, với quy định của dự thảo Thông tư, tất cả thí sinh dự tuyển vào một ngành đào tạo sẽ được xét tuyển một cách công bằng dựa trên một thang điểm chung và một điểm chuẩn trúng tuyển chung, cơ hội trúng tuyển của những thí sinh có năng lực thực sự sẽ tăng lên và chất lượng đầu vào của các trường cũng tăng theo.
Các trường vẫn có cơ hội xét tuyển sớm để chủ động cạnh tranh tuyển được những thí sinh giỏi nhất, đồng thời các em có năng lực tốt nhất cũng vẫn có cơ hội trúng tuyển sớm để chủ động quyết định lựa chọn con đường học tập phù hợp nhất.
Đối với thí sinh, dù ở giai đoạn xét tuyển sớm hay giai đoạn xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GDĐT, thí sinh vẫn có thể tham gia xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác nhau đã và đang chuẩn bị. Như vậy, các thí sinh có điểm IELTS, ACT/SAT, đánh giá năng lực, đánh giá tư duy… không bị ảnh hưởng.
Từ hai năm nay, Bộ GDĐT cung cấp đầy đủ dữ liệu về kết quả học tập THPT (học bạ) và hỗ trợ các trường tổ chức kỳ thi riêng (như đánh giá năng lực, đánh giá tư duy…) đưa kết quả thi lên hệ thống tuyển sinh chung, tạo điều kiện thuận tiện cho các cơ sở đào tạo thực hiện xét tuyển trong đợt xét tuyển chung. Như vậy, dự thảo không hạn chế bất kỳ phương thức xét tuyển nào của các trường.
Cũng theo Bộ GDĐT, năm 2025 là năm đầu tiên học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ tham gia xét tuyển đại học. Vì vậy, việc đổi mới quy chế tuyển sinh nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tạo tác động tích cực tới việc dạy và học ở cấp trung học phổ thông, đặc biệt là lớp 12.
Những quy định chặt chẽ hơn trong xét tuyển sớm, quy định nếu sử dụng học bạ để xét tuyển thì cần có kết quả học tập của cả năm lớp 12, quy định thống nhất ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành sức khoẻ và sư phạm… đều hướng tới bảo đảm công bằng cho các thí sinh ứng tuyển. Đồng thời, các quy định này giúp học sinh lớp 12 tập trung học tập và hoàn thành chương trình, chuẩn bị vững kiến thức, năng lực, phẩm chất, tiếp tục học tập ở những bậc cao hơn.
Nguồn: https://danviet.vn/hoc-sinh-lo-lang-khi-bo-gddt-cong-bo-diem-moi-xet-tuyen-dai-hoc-nam-2025-chung-em-bi-don-ap-luc-20241201065318729.htm