[Chùm ảnh] Chợ Gạo (Hưng Yên) – Đại bản doanh của Liên đoàn Địa chất 36
Tháng 11/1969 Liên đoàn Địa chất 36 (Tổng cục Địa chất) được thành lập, trụ sở đặt tại Chợ Gạo.
Chúng tôi có mặt tại Chợ Gạo (TP Hưng Yên) vào một ngày cuối thu. Không dễ để tìm được nơi một thời là “Đại bản doanh” của nhiều Đoàn nghiên cứu thuộc Tổng cục Địa chất – nơi vang bóng một thời. Chúng tôi chỉ biết địa danh này nằm đâu đó gần Chợ Gạo.
Chợ Gạo từng là một địa danh nổi tiếng thập niên 1970-1980.
Rất may qua một số bạn bè hiện đang công tác tại TP Hưng Yên, cuối cùng chúng tôi đã tìm được đúng địa chỉ. Đại bản doanh của Liên đoàn địa chất 36 xưa kia nằm nép dưới những tán xà cừ, tán cây nhãn giáp với đại lộ Lê Văn Lương (gần ngã tư Lê Văn Lương – Nguyễn Văn Linh, TP Hưng Yên).
Đại bản doanh của Liên đoàn Địa chất 36 xưa kia hiện nằm nép dưới những tán xà cừ, tán cây nhãn giáp với đại lộ Lê Văn Lương (gần ngã tư Lê Văn Lương – Nguyễn Văn Linh, TP Hưng Yên).
Được biết, tháng 10/1969 Liên đoàn Địa chất 36 (Tổng cục Địa chất) được thành lập, trụ sở đặt tại Chợ Gạo. Trực thuộc đơn vị này có Đoàn 36F (Địa chấn), Đoàn 36Đ (Điện), Đoàn 36T (Trọng lực), Đoàn Địa chất 36C An Châu; Đoàn Khoan cấu taọ 36K và Khoan sâu 36S.
Liên đoàn Địa chất 36 có tổng số 2.300 cán bộ, công nhân trong đó khoảng 500 cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề, với sự giúp đỡ của hàng trăm chuyên gia, kỹ sư, tiến sĩ Liên Xô.
Thật khó mà nhận ra nơi đây đã từng có cả ngàn kỹ sư, công nhân, chuyên gia sinh hoạt và lao động quên mình.
Từ năm 1973, các đoàn 36F, 36T, 36Đ được sáp nhập để thành lập Đoàn Địa vật lý tổng hợp 36F; các đoàn Khoan cấu tạo 36K và Khoan sâu 36S được sáp nhập thành Đoàn khoan 36K; Đoàn 36B được thành lập làm nhiệm vụ nghiên cứu địa chất dầu khí.
Một số anh chị em cán bộ, kỹ sư Liên đoàn Địa chất 36 thời kỳ tại Hưng Yên.
Theo ký ức của ông Nguyễn Quyết Thắng, chuyên gia Địa chất Dầu khí Petrovietnam, nguyên Tổng Giám đốc Liên doanh Điều hành chung Lam Sơn (LSJOC), những năm 1973-1980 đây là một trong những khu vực “sôi động” của thị xã Hưng Yên, tỉnh Hải Hưng (cũ).
Khu phố đặt Đại bản doanh của đơn vị từng được gọi là “phố Tây” bởi sự có mặt của các chuyên gia Liên Xô, đồng thời khá “náo nhiệt” khi các du học sinh về nước đem theo xe máy Con Cò, Start, Spac, xe đạp cuốc…
Thời điểm ở Chợ Gạo, đa phần các anh chị em đều trẻ tuổi, tràn đầy nhiệt huyết
Các chuyên gia Liên Xô được ưu tiên sinh hoạt tại dãy nhà hai tầng duy nhất, còn cán bộ Việt Nam sinh hoạt tại nhiều dãy nhà toocxi, “biên chế” khoảng 10 người một gian.
Dù gặp vô vàn khó khăn, nhưng lớp lớp cán bộ công nhân Liên đoàn Địa chất 36 đều lao động, học tập quên mình vì ngành Dầu khí, tạo bệ đỡ vững chắc cho sự “cất cánh” sau này của Petrovietnam.
Trụ sở của Liên đoàn Địa chất 36 đã nhiều lần thay đổi chủ.
Sau khi các cơ quan thuộc Tổng cục Địa chất rời đi, trường Chính trị Nguyễn Văn Linh thế chân, tiếp đó là trường Đại học Chu Văn An.
Rất tiếc sau khi trường Đại học Chu Văn An chuyển đi, thì khu vực này gần như bị “bỏ hoang” từ đó đến nay.
Thế hệ cán bộ dầu khí sau này chỉ còn được nghe kể một thời sôi nổi của cha anh. Hiện tại những dấu tích để lại chỉ là “Hồn thu thảo, bóng tịch dương…”
Minh Tiến – Phong Sơn
Nguồn: https://www.pvn.vn/chuyen-muc/tap-doan/tin/99be7c5a-aa29-407c-b105-32e66ca34db0