Nghị định 59 quy định rất rõ, đến tháng 7/2024, tất cả các cổng dịch vụ công (DVC), giao dịch điện tử đều sử dụng duy nhất một tài khoản định danh điện tử VNeID. Theo đó, việc thực hiện định danh điện tử này được xác thực thông qua số điện thoại của chủ sở hữu, tức là đòi hỏi chuẩn hoá thông tin thuê bao (TTTB) cho người dân.
Ông Hồ Chí Linh, Giám đốc Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính, cho hay: “Cần khẩn trương thực hiện việc chuẩn hoá TTTB nhằm đảm bảo cho việc thực hiện DVC trong tương lai đúng quy định, thuận lợi trên môi trường điện tử”.
Trên cơ sở thực hiện DVC nói chung, giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa cũng như trong quá trình thực hiện các giao dịch DVC thiết yếu về lĩnh vực điện, nước, khám sức khoẻ, giáo dục, giao thông vận tải…, có 2 trường hợp thường gặp phải.
Nhiều người dân đến bộ phận một cửa hoặc thực hiện các dịch vụ công thiết yếu gặp khó khăn do chưa chuẩn hoá thông tin thuê bao từ chứng minh Nhân dân sang CCCD.
Trường hợp thứ nhất, TTTB của người dân trước đây được đăng ký bằng chứng minh Nhân dân, sau khi chuyển đổi sang CCCD thì chưa chuẩn hoá. Ðối với trường hợp này, người dân có thể tự thực hiện việc chuẩn hoá TTTB theo hướng dẫn của các doanh nghiệp viễn thông cung ứng dịch vụ, được niêm yết công khai trên hệ thống của các nhà mạng.
Tuy nhiên, cái khó nhất để thực hiện chuẩn hoá là TTTB đã được đăng ký nhưng chưa đúng chủ sở hữu sử dụng giấy tờ điện tử: cha mẹ đăng ký cho con cái hoặc ngược lại; sim bán lại, đăng ký giùm, không có thông tin người đăng ký; người thân đăng ký TTTB cho nhau từ thời điểm trước khi có quy định chuẩn hoá nên khi thực hiện điều chỉnh chủ sở hữu TTTB đã gặp một số khó khăn nhất định, khiến việc chuẩn hoá lòng vòng, cần nhiều bước, bản thân từng cá nhân không thể làm được.
Công chức Trần Lê Nguyễn, bộ phận một cửa thị trấn Ðầm Dơi, huyện Ðầm Dơi, bộc bạch: “Ða phần TTTB của người dân đến đây chưa được đồng bộ với CCCD nên việc đăng ký không khớp thông tin. Cũng có nhiều trường hợp con cái chưa đủ tuổi, dùng sim của cha mẹ, nay đến tuổi thì cập nhật lại. Một số trường hợp sim không chính chủ, không phục hồi được thông tin, nên hướng dẫn qua các nhà mạng để thực hiện chuẩn hoá”.
VNPT Cà Mau thông tin, qua rà soát, tổng số thuê bao trong mục tiêu cần chuẩn hoá trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khoảng hơn 55 ngàn thuê bao. Tính đến nay, so với kế hoạch, đơn vị đã hoàn thành hơn 95% thuê bao cần chuẩn hoá. Tiến độ này được VNPT Cà Mau đánh giá là đã hoàn thành giai đoạn 1. Với các thuê bao chưa chuẩn hoá, đã thực hiện khoá theo đúng quy định.
Ông Nguyễn Văn Trinh, Phó giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Cà Mau, chia sẻ: “Với thời gian ngắn triển khai trên lượng thuê bao lớn nên khá nhiều áp lực cho đơn vị. Cùng với đó, sự tương tác, phối hợp của người dân với nhà mạng trong việc cung cấp thông tin, giấy tờ có liên quan để thực hiện chuẩn hoá chưa cao. Nhận định khó khăn đó, bằng nhiều giải pháp, đơn vị đã huy động nguồn lực tổ chức nhiều đội nhóm VNPT trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ xuyên suốt người dân chuẩn hoá. Ðối với một số trường hợp đặc biệt, thông tin không chính chủ, sẽ ghi nhận lại hỗ trợ khách hàng làm cam kết với nhà mạng, xét đủ điều kiện cần thiết sẽ được chuẩn hoá”.
Đa số những người dân đến bộ phận một cửa hoặc thực hiện các dịch vụ công thiết yếu thì chủ yếu vướng chưa chuẩn hoá thông tin thuê bao từ CMND sang CCCD.
“Hiện tại còn 5% thuê bao chưa chuẩn hoá đã bị khoá, VNPT sẽ tiếp tục hỗ trợ khách hàng chuẩn hoá. Ðợt này, VNPT xác định chuẩn hoá phải thật chính xác và yêu cầu khách hàng sử dụng đúng tên, đúng số thuê bao. Ðối với những chủ thuê bao không xác định được thông tin thì qua các thao tác xác định thuê bao đó đang sở hữu, VNPT hỗ trợ khách hàng thực hiện cam kết, nếu xảy ra tranh chấp sẽ xử lý theo quy định”, ông Nguyễn Văn Trinh cho biết thêm.
Ông Hồ Chí Linh đề xuất, đại đa số những TTTB đến bộ phận một cửa hoặc thực hiện các DVC thiết yếu vướng chưa chuẩn hoá TTTB từ chứng minh Nhân dân sang CCCD. Chúng ta cần đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân dễ dàng nắm được các thao tác có thể tự chuẩn hoá TTTB. Bởi số lượng TTTB trên địa bàn rất lớn, nếu người dân tự thực hiện sẽ chủ động, đảm bảo tiến độ theo Nghị định 59.
Ðồng thời, thông qua các tổ chức hội, đoàn thể, tuyên truyền người dân nắm rõ Nghị định 59 về xác thực định danh điện tử để hiểu quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhanh chóng thực hiện chuẩn hoá TTTB. Từ đó, người dân tự rà soát lại thông tin số điện thoại của mình để liên hệ cơ quan đơn vị, đảm bảo lộ trình chuẩn hoá phù hợp.
Ðối với các đơn vị cung ứng dịch vụ viễn thông có thị phần lớn như VinaPhone, Viettel, MobiFone, cần sớm nghiên cứu có những chính sách, cơ chế, điều chỉnh phù hợp khi người dân có nhu cầu chuẩn hoá TTTB, đặc biệt những TTTB có mối quan hệ gia đình, giảm bớt thủ tục giấy tờ để đảm bảo việc chuẩn hoá TTTB nhanh chóng./.
Phi Long