“Nó sẽ đảo ngược hoàn toàn đội hình chiến đấu của các hạm đội hải quân đã được thiết lập trong hơn một trăm năm qua”, ông Mã nhận định trong một bài báo được xuất bản trên chuyên san Điện Công Kỹ Thuật Học báo (Transactions of China Electrotechnical Society) vào ngày 13.6, theo tờ South China Morning Post.
Cái gọi là siêu hạm của Trung Quốc nói trên có thể thực hiện công việc của gần như toàn bộ đội tàu sân bay, theo ông Mã, người đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các công nghệ hải quân tiên tiến nhất của Trung Quốc, và các đồng nghiệp của ông tại Đại học Kỹ thuật hải quân ở Trung Quốc. Họ đưa ra nhận định này trong bài báo khi mô tả một hệ thống tác chiến hải quân mới kết hợp vũ khí điện từ và hệ thống điện dùng năng lượng hạt nhân.
Khác với tàu sân bay truyền thống
Theo một bức ảnh do máy tính tạo ra được đăng kèm với bài báo của ông Mã, tàu chiến mới mang theo một số lượng lớn máy bay nhưng khác với tàu sân bay truyền thống.
Trong khi nhiều tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, hệ thống điện của chúng thường được thiết kế để cung cấp năng lượng cho động cơ đẩy của tàu và các hệ thống cơ bản khác. Vai trò chính của những tàu sân bay truyền thống là hỗ trợ trên không cho các hoạt động hải quân, thay vì tham gia chiến đấu trực tiếp.
Trong khi đó, siêu hạm theo bản thiết kế từ nhóm của ông Mã được trang bị vũ khí điện từ mới như súng điện từ, bệ phóng tên lửa điện từ, vũ khí laser và một số loại vũ khí khác.
Theo bài báo, công nghệ tiên tiến của siêu hạm mới “chuyển đổi một cách thông minh và hiệu quả năng lượng từ nguồn năng lượng của con tàu thành năng lượng điện từ cần thiết để cung cấp năng lượng cho những vũ khí rất mạnh”.
Điều này có thể mang lại cho siêu hạm khả năng phòng thủ chính xác trước các cuộc tấn công trên không, tham gia cuộc chiến chống tàu ngầm, đánh chặn tên lửa và thực hiện các cuộc tấn công chính xác vào cả những mục tiêu trên biển lẫn đất liền.
Hiện tại, năng lượng hạt nhân không thể được sử dụng làm vũ khí trong chiến tranh thông thường. Nhóm của ông Mã cho biết thêm hệ thống điện từ chạy bằng năng lượng hạt nhân toàn diện của siêu hạm có thể chuyển đổi năng lượng hạt nhân thành động năng hoặc điện có thể sử dụng được để vận hành các hệ thống vũ khí sử dụng nhiều năng lượng.
Cũng theo bài báo, nhờ nguồn cung cấp năng lượng hạt nhân gần như vô tận và hệ thống quản lý năng lượng tiên tiến, siêu tàu cũng sẽ được trang bị radar mạnh và các cảm biến ngốn điện khác để phát hiện kẻ thù từ khoảng cách xa hơn bao giờ hết.
Nhóm của ông Mã không ước tính khi nào siêu hạm mới sẽ được đóng, nhưng họ cho hay Trung Quốc đã sẵn sàng đưa ý tưởng từ khoa học viễn tưởng này vào thế giới thực.
Những “đột phá gần đây”
Cũng trong bài báo nói trên, các nhà nghiên cứu hải quân đã liệt kê những bước đột phá gần đây ở Trung Quốc mà sẽ mở đường cho việc đóng siêu hạm mới. Một số đột phá đã được giải mật lần đầu tiên.
Chẳng hạn, hải quân Trung Quốc đã phát triển và triển khai một hệ thống phóng điện từ dành cho việc triển khai vũ khí từ nhiều loại phương tiện chiến đấu, bao gồm tàu chiến nổi và tàu ngầm, theo ông Mã. Đây là một loại hệ thống sử dụng năng lượng điện từ để phóng tên lửa.
Một trong những ưu điểm chính của hệ thống phóng tên lửa điện từ là cho phép phóng tên lửa liên tục và nhanh chóng. Không giống như các hệ thống phóng tên lửa truyền thống, thường đòi hỏi một lượng thời gian đáng kể để nạp tên lửa và chuẩn bị khai hỏa, hệ thống phóng tên lửa điện từ có thể được nạp đạn tự động, cho phép tên lửa phóng nhanh và liên tục.
Nếu một đội tàu sân bay truyền thống đang tiếp cận siêu tàu nói trên với ý định tiến hành một cuộc tấn công phối hợp, siêu tàu có thể đối phó bằng cách sử dụng hệ thống phóng tên lửa điện từ của mình để phóng một loạt tên lửa vào đội tàu sân bay. Tốc độ và độ chính xác của hệ thống phóng tên lửa điện từ sẽ khiến đội tàu sân bay gặp khó khăn trong việc né tránh hoặc phòng thủ trước các tên lửa đang lao tới.
Ưu điểm của hệ thống phóng tên lửa điện từ so với hệ thống phóng tên lửa truyền thống cũng tương tự như ưu điểm của súng trường tự động so với súng trường bắn phát một, cho phép tấn công mục tiêu nhanh hơn và hiệu quả hơn, điều kiện có thể quyết định kết quả của một trận hải chiến, theo bài báo của nhóm ông Mã.
Hải quân Mỹ thử nghiệm súng điện từ
Cho đến nay, Trung Quốc là quốc gia duy nhất tiến hành thử nghiệm bắn súng điện từ cỡ lớn trên biển. Đại học Kỹ thuật Hải quân ở Trung Quốc gần đây đã đạt được một số bước đột phá quan trọng trong việc phát triển các loại súng điện từ nhỏ hơn, theo ông Mã. Trung Quốc cũng đang phát triển một loại công nghệ điện từ có thể phóng một quả đạn với tốc độ lên tới 1.000 m/giây, gấp hơn ba lần tốc độ âm thanh, theo bài báo.
Ông Mã nói rằng việc áp dụng công nghệ phóng điện từ trong hải quân Trung Quốc trong những năm gần đây là kết quả của hơn hai thập niên làm việc chăm chỉ và cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ ở phương Tây, theo South China Morning Post.