KHÔNG HỌC THÂU ĐÊM, SUỐT SÁNG
Ông Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Q.Đống Đa, Hà Nội), nhắn nhủ: những ngày gần kỳ thi, HS không nên quá lo lắng và ôn tập một cách ôm đồm, thức quá khuya, dậy muộn; cần có thời gian biểu trong ngày hợp lý, phù hợp với nhịp sinh học của những ngày thi.
Ông Cường nhấn mạnh: buổi tối không nên thức quá khuya, HS không nên tham gia các hoạt động thể thao dễ gây chấn thương, ăn uống đảm bảo sức khỏe. Trong những ngày này, HS không nên học thêm những nội dung mới, khó mà cần ôn tập lại toàn bộ các chuyên đề mà thầy cô đã ôn tập, đọc lại sách giáo khoa những kiến thức cơ bản, lời giải của các bài tập, các đề mà thầy cô đã ôn tập. Trong quá trình ôn có thể đan xen việc làm một vài đề, bấm giờ để cân đối thời lượng cho phù hợp.
Tương tự, bà Nguyễn Khánh Vân, Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương (Q.Ba Đình, Hà Nội), chia sẻ điều quan trọng đầu tiên mà bà lưu ý với HS chính là “sức khỏe là vàng”. “Các em HS lưu ý, muốn ôn tập kỹ càng, luyện được nhiều dạng đề, làm bài trôi chảy, minh mẫn…, ngoài việc nắm chắc kiến thức và kỹ năng, linh hoạt vận dụng thì điều cốt yếu cần quan tâm và giữ gìn chính là sức khỏe”, bà Vân nhắn nhủ.
CẦN SỰ ĐỒNG HÀNH CỦA CHA MẸ TRƯỚC, TRONG VÀ SAU KỲ THI
Không chỉ lưu ý với HS, ông Nguyễn Cao Cường cũng cho rằng ở lứa tuổi mới tốt nghiệp THCS, các em rất cần cha mẹ đồng hành, chia sẻ, động viên trong giai đoạn từ trước, trong và sau kỳ thi. Thời điểm trước khi thi khoảng 1 tuần, cha mẹ đồng hành cùng con mỗi ngày, cùng con điều chỉnh để con có nhịp sinh học phù hợp với thời gian của những buổi thi; động viên con ôn tập, tránh tạo áp lực không cần thiết cho con.
Trong thời gian HS tham gia kỳ thi, cha mẹ hoặc người thân nên bố trí đưa HS đi thi để đảm bảo yên tâm không đến sai điểm thi; tránh một số tình huống có thể phát sinh mà HS xử lý chậm như quên giấy tờ, đồ dùng học tập…; động viên con tự tin, không đặt nặng vấn đề về điểm, đỗ, trượt cho con mình. Gia đình HS cũng cần lưu ý tránh tình huống con ngủ quên, muộn giờ thi buổi chiều.
Sau kỳ thi, theo ông Cường, cha mẹ cũng có vai trò quan trọng trong việc ổn định tâm lý cho con, dù con làm bài tốt hay không. Trong trường hợp con không đạt nguyện vọng, hãy tìm kiếm một ngôi trường ngoài công lập để con tiếp tục học tập và động viên con nỗ lực trong hành trình mới.
Điều động khoảng 20.000 cán bộ, giáo viên coi thi
Với quy mô gần 105.000 HS đăng ký dự thi, Sở GD-ĐT Hà Nội thành lập 201 điểm thi và cần điều động khoảng 20.000 cán bộ, giáo viên của các nhà trường tham gia phục vụ kỳ thi này. Để chủ động ứng phó với Covid-19 và các tình huống phát sinh, như các năm trước, tại mỗi điểm thi đều bố trí tối thiểu 2 phòng thi dự phòng.
Điểm xét tuyển vào lớp 10 công lập được tính bằng tổng điểm bài thi môn toán và điểm bài thi môn ngữ văn (nhân hệ số 2) cộng điểm bài thi môn ngoại ngữ, cộng điểm ưu tiên (nếu có). Đề thi gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình THCS hiện hành của Bộ GD-ĐT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9. Trong đó, đề thi môn toán và ngữ văn bảo đảm 4 cấp độ nhận thức gồm: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cấp độ cao. Đề thi môn ngoại ngữ chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và có một số câu ở cấp độ vận dụng.
HS trúng tuyển sẽ xác nhận nhập học vào trường theo hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp từ ngày 10 – 12.7; nộp hồ sơ nhập học tại trường THPT từ ngày 19 – 22.7.