Lao động phổ thông cũng phải biết tiếng Anh
Ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết theo dự kiến vào tháng 9.2026, sân bay Long Thành (giai đoạn 1) chính thức đi vào khai thác nên ngay từ bây giờ phải tính toán đến nguồn nhân lực để phục vụ. Cụ thể, khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động cần 13.769 lao động (5 tiến sĩ; 405 thạc sĩ; 5.393 đại học; 2.249 cao đẳng, trung cấp; 3.816 sơ cấp và 1.901 lao động phổ thông). “Nhân sự cho hàng không là ngành nghề đặc thù, có điều kiện, cần được cấp phép của cơ quan chuyên môn. Hiện nay cả nước có 25 đơn vị đủ điều kiện đào tạo trong lĩnh vực hàng không nhưng chưa có cơ sở đặt tại Đồng Nai cho nên cần phải tính toán, kết hợp để đào tạo nhân lực cho sân bay Long Thành”, ông Đức cho biết.
Ông Nguyễn Xuân Phong, Trưởng ban chuẩn bị khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành (thuộc Tổng công ty Cảng hàng không VN – ACV), cho biết chỉ tính riêng giai đoạn 1 cần khoảng 11.000 – 12.000 cán bộ, công nhân viên (chưa tính cảng vụ, hải quan, công an cửa khẩu, lực lượng kiểm dịch y tế quốc tế, kiểm dịch động thực vật). Sau đó, tùy theo mức độ ứng dụng công nghệ tự động hóa trong giai đoạn khai thác, nguồn nhân lực cần thiết cho hoạt động của sân bay Long Thành sẽ được điều chỉnh phù hợp.
“Về yêu cầu năng lực, chuyên môn đối với cán bộ lãnh đạo quản lý phải tốt nghiệp đại học hệ chính quy, tiếng Anh tối thiểu đạt TOEIC 500 hoặc tương đương trở lên. Đối với lao động có tay nghề thì tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng hệ chính quy, tiếng Anh tối thiểu TOEIC 400 hoặc tương đương trở lên. Riêng lao động phổ thông thì tốt nghiệp THPT trở lên và cũng yêu cầu tiếng Anh tối thiểu TOEIC 300 hoặc tương đương trở lên”, ông Phong cho hay.
Nhiều trường cam kết đáp ứng nguồn nhân lực
Tại hội nghị về đào tạo nhân lực vận hành sân bay Long Thành do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức mới đây, lãnh đạo nhiều trường đại học và cao đẳng trên địa bàn cũng như TP.HCM cam kết đáp ứng đủ nhân lực. TS Đinh Công Khải, Phó giám đốc ĐH Kinh tế TP.HCM, cam kết đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực liên quan cho Đồng Nai như logistics, du lịch, quy hoạch phát triển và đô thị thông minh, lãnh đạo và quản lý kinh tế…
“Sự ra đời của sân bay Long Thành là cơ hội để Đồng Nai nâng cao vị thế của mình trên bản đồ kinh tế Việt Nam và quốc tế. Do đó, đào tạo nguồn nhân lực nhanh, nhạy và thích ứng với bối cảnh mới là điều không thể chậm trễ hơn. ĐH Kinh tế TP.HCM muốn hợp tác đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức chuyên môn sâu, có kỹ năng đáp ứng yêu cầu khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động”, TS Khải khẳng định.
TS Đinh Công Khải, Phó giám đốc ĐH Kinh tế TP.HCM
Tương tự, đại diện Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (H.Long Thành, Đồng Nai) cho biết đã chủ động ký kết hợp tác với Học viện Hàng không Vietjet (tháng 6.2023) nhằm đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực hàng không như nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay; nhân viên điều độ, khai thác bay; nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không, phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay và nhân viên khai thác mặt đất phục vụ chuyến bay. Để tham gia những ngành học này, sinh viên phải đạt trình độ Anh văn TOEIC tối thiểu là 450.
Hiện nay, tại Đồng Nai có 5 trường đại học, 15 trường cao đẳng, trung cấp với quy mô khả năng tuyển sinh đào tạo từ 20.000 – 25.000 sinh viên, học viên. Tuy nhiên các cơ sở đào tạo này chưa đủ điều kiện đào tạo các ngành hàng không theo quy định của Cục Hàng không Việt Nam. Trong bối cảnh này, theo PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, cần phải có sự kết hợp với các nhà đầu tư giáo dục chuyên lĩnh vực hàng không để đào tạo sẽ hiệu quả hơn việc thành lập trường mới.
Với lợi thế nằm sát sân bay Long Thành, PGS-TS Phạm Văn Song, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Miền Đông, cũng cam kết đào tạo hàng loạt ngành nghề cho sinh viên đủ tiêu chuẩn để phục vụ sân bay Long Thành. Tuy nhiên, ông Song đề nghị cơ quan chức năng phải có thông tin cụ thể về nhu cầu từng ngành nghề, vị trí công việc, yêu cầu về kiến thức, kỹ năng với người lao động cho từng giai đoạn phát triển của sân bay Long Thành; cùng nhà trường xây dựng, cải tiến các chương trình đào tạo ngắn và dài hạn; hỗ trợ về các chuyên gia đầu ngành tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thực tập cho sinh viên…
Nhân lực chuẩn bị không kỹ, rất dễ trả giá…
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, cho biết nhân lực cho sân bay Long Thành chỉ là yếu tố nhỏ, Đồng Nai phải chuẩn bị cho cả vùng sân bay. “Sân bay Long Thành rộng 5.000 ha, nhưng có đến 30.000 ha phát triển xung quanh. Long Thành là thành phố sân bay trong tương lai với xung quanh gồm các khu công nghiệp công nghệ cao, hoạt động logistics, công nghiệp bán lẻ, du lịch… Chính vì thế, chúng ta không chỉ chuẩn bị nhân lực cho sân bay Long Thành mà phải chuẩn bị cho sự phát triển cho cả vùng sân bay. Các sân bay có thương hiệu quốc tế đều phải đào tạo nhân lực bài bản thì mới đưa vào sử dụng. Nếu chúng ta không chuẩn bị kỹ thì sẽ có lỗi trong quá trình phát triển, rất dễ trả giá. Cho nên chúng ta không thể cẩu thả trong việc đào tạo nhân lực”, ông Lĩnh nhấn mạnh.
Từ đó, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai khuyến khích các trường đại học trên địa bàn liên kết với các trường đại học chuyên ngành về hàng không mở thêm khoa, chuyên ngành đào tạo để vừa nâng cao chất lượng cũng như số lượng.
Dự án sân bay Long Thành được chia làm 3 giai đoạn. Trong giai đoạn 1, sân bay Long Thành có công suất phục vụ 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Khi hoàn thành toàn bộ, sân bay Long Thành có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.