Lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan trước khi đấu thầu
Ngày 9.1, theo báo cáo về tiến độ sân bay Phan Thiết (tên mới là Cảng hàng không Phan Thiết) được Sở GTVT Bình Thuận thực hiện thì hiện nay, thủ tục đấu thầu dự án BOT nhà ga dân dụng của sân bay này vẫn chưa hoàn thành.
Do thay đổi nhà đầu tư mới đối với hạng mục dân dụng BOT nên dự án sân bay Phan Thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Trước khi tiến hành đấu thầu hạng mục BOT, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo Sở GTVT, Sở KHĐT và các cơ quan chuyên môn phối hợp đơn vị thiết kế, tư vấn… điều chỉnh một số nội dung trong chủ trương đầu tư theo yêu cầu, sau đó chuyển lên Hội đồng thẩm định liên ngành (cấp bộ) thẩm định, trước khi trình Thủ tướng phê duyệt.
Hiện nay, Sở GTVT và đơn vị tư vấn đã hoàn thành sự điều chỉnh này và chuẩn bị trình lên Hội đồng thẩm định liên ngành.
Về quy mô dự án BOT sân bay Phan Thiết, đơn vị tư vấn chọn phương án sân đỗ máy bay dân dụng có thể đáp ứng được 6 máy bay (diện tích hơn 93.721 m2). Giai đoạn 1, nhà ga hành khách có thể đáp ứng được 2,6 triệu khách/năm (diện tích 16.185 m2) và sân đậu ô tô trước nhà ga có diện tích 13.677 m2.
Tuy nhiên, có một vướng mắc khác mà theo cơ quan chuyên môn thì quy định tại luật Quản lý, sử dụng tài sản công, thì các tài sản của Bộ Quốc phòng thi công như khu bay (do dùng chung quân sự và dân sự), đường cất cánh, hạ cánh, đường lăn, hệ thống đèn hiệu… (do Bộ Quốc phòng đầu tư) không được dùng vào mục đích kinh doanh, cho thuê hay liên doanh.
Đơn vị tư vấn đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận trình các bộ ngành lấy ý kiến để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho việc dùng chung của dự án (vì đây là sân bay lưỡng dụng cho cả mục đích quân sự và dân sự).
Riêng đối với việc áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để chọn nhà thầu có kinh nghiệm, năng lực thi công các hạng mục thuộc dự án BOT sân bay Phan Thiết, cơ quan chuyên môn đã tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan trước khi đấu thầu rộng rãi để đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Khẩn trương bàn giao mặt bằng cho Bộ Quốc phòng
Trong khi đó, Sở GTVT cũng tham mưu cho UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các địa phương: TP.Phan Thiết, H.Hàm Thuận Bắc và các sở ngành, đơn vị liên quan nhanh chóng hoàn thành việc di dời đường dây điện 220kV; bàn giao mặt bằng hoàn chỉnh, bao gồm cả thủ tục chuyển đổi đất rừng cho các trận địa pháo của Quân chủng Phòng không, trong tháng 1.2024. Cho đến nay mới chỉ có UBND H.Bắc Bình đã hoàn thành hết các thủ tục và bàn giao đầy đủ mặt bằng cho các đơn vị quân đội thi công.
Sân bay Phan Thiết được UBND tỉnh Bình Thuận xác định là công trình trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng trong các công trình lớn của tỉnh năm 2024. Tuy nhiên, do phải thay đổi nhà đầu tư BOT và điều chỉnh chủ trương đầu tư (từ sân bay cấp 4C lên cấp 4E) nên đã chậm tiến độ. Hiện nay các hạng mục do Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư đã thi công cơ bản hoàn thành kịp tiến độ, nhưng các hạng mục BOT không kịp tiến độ đề ra và quá trình thực hiện các thủ tục còn rất chậm.