Học sinh lớp 10 Trường THPT Lương Thế Vinh.
Không có giáo viên dạy môn học mới
Ông Đinh Quốc Việt- Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường cho biết, năm học 2022 – 2023 trường thiếu hai giáo viên (Tiếng Anh và Thể dục). Ngoài biên chế được giao, trường thiếu 5 giáo viên theo mức định biên. Hiện nay, trường không có giáo viên dạy Nghệ thuật (Mỹ thuật và Âm nhạc). Do không có giáo viên nên khi cho học sinh lớp 10 chọn môn, nhà trường không đưa môn học này vào tổ hợp môn để học sinh lựa chọn.
Về cơ sở vật chất, hiện nay chưa thể trang bị thiết bị đồ dùng dạy học theo quy định trong Thông tư 39, hiện chỉ trang bị những thiết bị, đồ dùng dạy học cơ bản nhất. Lãnh đạo nhà trường kiến nghị trang bị thêm thiết bị dạy học để đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thành viên đoàn khảo sát đặt vấn đề, những yếu tố nào khiến việc thu hút, tuyển dụng giáo viên khó khăn, trong thời gian qua, nhà trường có giáo viên nghỉ việc, xin chuyển công tác không. Báo cáo của nhà trường nêu đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn văn bằng đào tạo nhưng lại yếu ngoại ngữ để dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018, vậy làm thế nào để khắc phục? Vì sao có nhiều bộ máy tính không sử dụng, số thiết bị này trang bị từ bao giờ?
Ông Đinh Quốc Việt cho biết, môn Hoá học của chương trình giáo dục phổ thông mới các nguyên tố hoá học, thuật ngữ viết theo tiếng Anh, giáo viên đọc không được. Đội ngũ giáo viên của trường hiện có hai tiến sĩ (chuyên môn Địa lý). Nhà trường có một số phòng công vụ cho giáo viên xa nhà, xa quê tạm trú. Thời gian qua, nhiều giáo viên của trường xin chuyển công tác đến nơi khác, riêng môn Toán đã có bốn giáo viên xin chuyển công tác, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó chủ yếu chuyển về gần nhà.
Bà Nguyễn Đài Thy khảo sát cơ sở vật chất Trường THPT Lương Thế Vinh.
Tân Biên đang cần gần 200 giáo viên
Tại UBND huyện Tân Biên, bà Nguyễn Thị Thuỳ Linh- Hiệu trưởng Trường mầm non Hoạ Mi thông tin, từ năm học 2022-2023, trường thiếu hơn 10 giáo viên so với mức định biên. Trường mầm non Hoạ Mi (xã Hoà Hiệp) cách thị trấn Tân Biên hơn 20 cây số nhưng trường không có nhà công vụ.
Thu nhập của giáo viên mới ra trường thấp trong khi quãng đường di chuyển xa, vì thế có một số giáo viên xin chuyển công tác, xin nghỉ việc. Bổ sung thông tin này, bà Nguyễn Thị Thu Yên- Trưởng Phòng GD&ĐT Tân Biên cho biết, tỷ lệ giáo viên mầm non của huyện còn thấp hơn so với bình quân chung của tỉnh, chưa tính quy định của Bộ GD&ĐT.
Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Khai (xã Tân Lập) Bùi Thị Thương báo cáo, năm học 2022-2023, trường thiếu 4 giáo viên. Nguyên nhân, chế độ đãi ngộ chưa có, thu nhập thấp, giáo viên đi dạy rất xa, vì thế có người bỏ nghề, tìm việc khác.
Con đường đến trường xa, vắng vẻ, đường rừng, giáo viên nữ đi lại rủi ro. Cũng vì thế, việc huy động trẻ ra lớp thấp, hiện khu vực này ghép học sinh lớp mầm vào lớp khác (chưa thể mở lớp riêng). Đại diện nhà trường kiến nghị sớm có chính sách hỗ trợ giáo viêm mầm non khu vực ấp Tân Khai.
Ông Nguyễn Tấn Tài- Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Tân Biên cho biết, hiện trường này có tỷ lệ giáo viên bình quân 1,5 người/lớp, tạm đủ. Trường còn “chi viện” 3 giáo viên cho một số trường thiếu giáo viên. Ông Chế Văn Lân- Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu thông tin, trường này có ba cơ sở, một điểm chính, hai điểm phụ, hiện nhà trường đủ giáo viên.
Ông Lê Trung Nghĩa- Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Khuyến báo cáo, hiện tại trường này đủ giáo viên theo quy định, không khó khăn gì. Ông Võ Quốc Cưởng- Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Công Trứ thông tin, trường này hiện chỉ có 4 lớp, tổng số giáo viên 8 người.
Trường thiếu giáo viên môn Sinh học, Vật lý nhưng lại đang thừa giáo viên môn khác. Ông Cường băn khoăn, những năm học tới đây, nếu dạy tích hợp môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, có thể khó bố trí giáo viên. Hiện tại, trường cũng chưa có giáo viên môn Âm nhạc.
Thành viên đoàn khảo sát nêu vấn đề giáo viên xin nghỉ việc vì không bảo đảm cuộc sống, địa phương có ý kiến gì về câu chuyện này? Việc dạy thêm học thêm trên địa bàn Tân Biên như thế nào? Việc bố trí giáo viên theo vị trí việc làm như thế nào, giáo viên dạy chéo chuyên môn có bảo đảm chất lượng không; quy định tuyển dụng giáo viên như hiện nay có phù hợp không? Đã thiếu giáo viên lại còn phải tinh giản biên chế, việc này có gì mâu thuẫn, khó khăn? Giáo viên bỏ việc, ngoài thu nhập, còn nguyên nhân nào khác, có liên quan gì đến chuyện dạy thêm ở khu vực đô thị (khiến giáo viên chuyển công tác không). Tân Biên còn 96 giáo viên chưa đạt chuẩn văn bằng, tiến độ đào tạo nâng chuẩn cho số giáo viên này như thế nào?
Trao đổi một số nội dung liên quan, Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Khai cho rằng, những khó khăn về giáo viên hiện nay của trường vượt ngoài khả năng, quyền hạn của đơn vị. Về đời sống giáo viên, nhiều năm qua, buổi trưa giáo viên ở lại chỉ ăn mì tôm, hai năm nay, Phòng GD&ĐT có mô hình “Bếp hồng biên giới” hỗ trợ bữa ăn trưa cho giáo viên mầm non, tiểu học khu vực này.
Quang cảnh buổi làm việc tại UBND huyện Tân Biên.
Bà Nguyễn Thị Thu Yên- Trưởng Phòng GD&ĐT thông tin, năm học 2022-2023, huyện Tân Biên thiếu 174 giáo viên, nhân viên, phần lớn thiếu giáo viên mầm non. Tân Biên hiện có một cô giáo nhà ở Phước Vinh, huyện Châu Thành nhưng dạy ở ấp Tân Khai, xã Tân Lập (mỗi ngày cả đi lẫn về khoảng 150 cây số).
Khu vực ấp Tân Khai đã có nhà công vụ nhưng vì điều kiện riêng, có trưởng hợp không thể ở lại. Những năm gần đây, Phòng GD&ĐT huy động, xã hội hoá tổ chức mô hình “Bếp hồng biên giới” đã hỗ trợ cho những giáo viên vùng giáp biên giới ăn trưa, coi như sự động viên tinh thần.
Về trang thiết bị, lãnh đạo Phòng GD&ĐT Tân Biên thông tin, hiện tại cơ bản đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Tân Biên còn 3 trường chưa có kế toán, cách đây chưa lâu, tuyển dụng được một người nhưng chỉ một ngày sau khi nhận nhiệm sở, người này nghỉ việc, vì thu nhập thiếu hấp dẫn.
“Chúng tôi mong HĐND, UBND tỉnh sớm có chính sách hỗ trợ (về thu nhập) đối với giáo viên vùng sâu vùng xa, cụ thể là giáo viên khu vực ấp Tân Khai, xã Tân Lập”- bà Nguyễn Thị Thu Yên nêu. Trước đây, chính sách thu hút giáo viên theo Nghị định 116, việc thu hút giáo viên tương đối thuận lợi, sau khi chính sách hỗ trợ kết thúc, một số người đã rời đi.
Theo quy định hiện hành, việc tuyển dụng giáo viên khó khăn hơn, một phần do Luật Giáo dục 2019 quy định (giáo dục mầm non tối thiểu bằng cao đẳng, đại học đối với phổ thông). “Tình hình hiện nay rất khó giữ chân giáo viên vùng sâu vùng xa”- lãnh đạo Phòng GD&ĐT Tân Biên lo lắng.
Trả lời ý kiến về quản lý, thanh lý tài sản hết hạn sử dụng trong nhà trường, bà Đoàn Thị Minh Thanh- Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Biên cho biết, việc thanh lý tài sản không có gì vướng mắc, trở ngại. Đối với việc hỗ trợ, theo bà Thanh, mô hình “Bếp hồng biên giới” rất tốt, làm ấm lòng thầy cô giáo nhưng dẫu sao cũng chỉ có tính tạm thời, cơ bản vẫn phải chờ chính sách của tỉnh.
Việc giáo viên chuyển ra khỏi địa bàn Tân Biên, bà Đoàn Thị Minh Thanh thông tin, do thiếu giáo viên nên chính quyền địa phương hạn chế đồng ý cho giáo viên chuyển đi nơi khác, tuy nhiên, những trường hợp thật sự khó khăn, địa phương đành phải giải quyết.
Kết thúc buổi làm việc, bà Nguyễn Đài Thy- trưởng đoàn khảo sát ghi nhận, đánh giá cao những giải pháp của UBND huyện, Phòng GD&ĐT Tân Biên trong việc khắc phục chuyện thiếu giáo viên. Những giải pháp (dù chỉ có tính ngắn hạn) trong thời gian qua của địa phương này được nhìn nhận là hợp lý.
Về lâu dài, tỉnh có chính sách hỗ trợ giáo viên như đã từng làm với nhân viên ngành Y tế, từ đó thu hút giáo viên từ nơi khác đến làm việc. Đối với đề xuất chế tài khi tuyển dụng giáo viên (bắt buộc phải phục vụ lâu dài sau khi trúng tuyển trong kỳ tuyển dụng viên chức)- điều này không thực hiện được, bà Nguyễn Đài Thy nói.
Việt Đông