Thí sinh hoàn tất môn Ngoại ngữ tại điểm thi THCS Vân Hồ (Hà Nội). Ảnh: Lê Sơn
Đề xuất tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nhẹ nhàng hơn nữa, cụ thể là trao quyền tối đa cho các Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) từ việc tổ chức thi đến ra đề thi…, là nội dung được đưa ra nhiều lần, trong những năm gần đây.
Trước đó, TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đề xuất phương án tự tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT với “Đề án thi tốt nghiệp THPT riêng từ năm 2017” trình Bộ GD&ĐT thẩm định. Tuy nhiên, đề án này không được phê duyệt.
Trả lời tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay mang tính chất “ba chung”: Chung đề, chung đợt và chung kết quả. Ngoài phục vụ xét tốt nghiệp, kết quả kỳ thi này còn để xét tuyển đại học, cao đẳng. Chủ trương chung của Chính phủ trong mọi vấn đề là phân cấp, song đây chưa phải thời điểm để giao kỳ thi tốt nghiệp về từng địa phương.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đặt vấn đề: Mỗi địa phương tự ra đề, khó dễ khác nhau thì có đảm bảo công bằng không? Chẳng hạn, hai thí sinh ở khác địa phương, cùng thi các môn của tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) nhưng vì đề khác nhau, nên kết quả cũng sẽ chênh lệch.
Làm rõ vấn đề này hơn, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, với một kỳ thi 15 môn, nếu từng địa phương tự tổ chức, mọi khâu sẽ nhân lên 63 lần. Việc này đặt ra vấn đề về tính an toàn, bảo mật, đặc biệt là đề thi. Như vậy sẽ có hàng nghìn đề thi. Hiện nay, khâu ra đề là khâu khó nhất, cũng là khâu quyết định trong việc đảm bảo tính công bằng giữa các tỉnh, thành. Bộ GD&ĐT với vai trò là cơ quan cấp quốc gia đang đảm nhận khâu này.
Khẳng định lại vấn đề này, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, năm nay, hơn 100 giáo viên phổ thông, giảng viên đại học tham gia công tác ra đề thi, trong gần một tháng. Những người này đã gánh áp lực cho cho 63 tỉnh, thành. Không thể nói là Bộ GD&ĐT “ôm” kỳ thi này. Bởi dù Bộ có muốn mà không phù hợp thì cũng không “ôm” được.
Bộ GD&ĐT đã đưa dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT 2023 vào lộ trình tổ chức thi tốt nghiệp để xin ý kiến dư luận xã hội với tinh thần tôn trọng và cầu thị, lắng nghe các góp ý, phân tích, đánh giá nhiều chiều.
Bộ GD&ĐT đã nhận được nhiều ý kiến từ các chuyên gia, thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh.
PGS.TS Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh 3 điểm mới được thể hiện trong dự thảo phương án: Thứ nhất là việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi theo hướng đánh giá năng lực phù hợp chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Thứ hai, Bộ muốn nhấn mạnh đến định hướng nghề nghiệp qua các môn thi tự chọn từ các môn học của học sinh; điều này giúp sớm định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích cho các em. Thứ ba, theo lộ trình từ năm 2025 – 2030, từng bước, Bộ GD&ĐT sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin để tổ chức kỳ thi trên máy tính.
Theo dự thảo phương án thi từ năm 2025, Bộ GD&ĐT vẫn chịu trách nhiệm ra đề thi.