Vòng đàm phán thứ ba giữa Somalia và Ethiopia do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vốn được ấn định vào ngày 2/9 và được lên lịch lại vào ngày 17/9 nhưng một lần nữa bị hoãn, cho thấy tương lai mờ mịt trong việc giải quyết bất đồng gia tăng giữa hai quốc gia của vùng Sừng châu Phi.
Somalia và Ethiopia đang vướng căng thẳng liên quan thỏa thuận về cảng Berbera ở vùng ly khai Somaliland. (Nguồn: AFP) |
Không có lý do chính thức nào được đưa ra cho sự chậm trễ này. Tuy nhiên, theo tờ Turkiye Today, điều này có thể xuất phát từ bình luận của Bộ trưởng Ngoại giao Somalia Ahmed Moalim Fiqi rằng nước này có thể cân nhắc hỗ trợ các nhóm phiến quân Ethiopia nếu Addis Ababa tiếp tục tiến hành thỏa thuận thuê đất gây tranh cãi với Somaliland.
Quan hệ giữa Somalia và Ethiopia bắt đầu xuống dốc vào tháng 1/2024, khi Addis Ababa ký thỏa thuận sơ bộ với Somaliland – khu vực ly khai phía Tây Bắc Somalia – cho phép Ethiopia triển khai hoạt động thương mại và quân sự tại khu vực cảng Berbera của Somaliland trong vòng 50 năm. Đổi lại, Ethiopia trở thành nước đầu tiên công nhận Somaliland là quốc gia độc lập.
Phía Somalia gọi thỏa thuận nói trên là bất hợp pháp, trả đũa Addis Ababa bằng cách trục xuất đại sứ và đe dọa trục xuất hàng nghìn binh sĩ Ethiopia đang đồn trú tại Somalia để giúp nước này chống lại phiến quân Hồi giáo. Tổng thống Somalia Hassan Sheikh Mohamud truyên bố trước Quốc hội nước này rằng, “sẽ không đứng yên nhìn chủ quyền bị xâm phạm”.
Trong khi đó, phía Ethiopia mô tả thỏa thuận này là “lịch sử” bởi “sẽ mở đường để hiện thực hóa khát vọng của đất nước trong việc đảm bảo quyền tiếp cận biển và đa dạng hóa khả năng tiếp cận cảng biển”.
Là một trong những quốc gia đông dân nhất châu Phi (trên 124 triệu người), Ethiopia có nền kinh tế bị hạn chế do thiếu khả năng tiếp cận biển. Quốc gia Đông Phi bị cắt khỏi vịnh Aden sau cuộc chiến kéo dài ba thập kỷ khiến Eritrea ly khai vào năm 1993, mang theo toàn bộ bờ biển trước đây của Ethiopia. Kể từ đó, Ethiopia chủ yếu dựa vào nước láng giềng Djibouti cho các hoạt động cảng biển.
Một số quốc gia và tổ chức quốc tế đã lên tiếng về thỏa thuận gây tranh cãi này giữa Ethiopia và Somaliland. Liên minh châu Phi, Liên minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đều đưa ra tuyên bố kêu gọi Ethiopia tôn trọng chủ quyền của Somalia. Liên đoàn Arab cũng kêu gọi Ethiopia nên “tuân thủ các quy tắc và nguyên tắc của tình láng giềng tốt”. Cơ quan Phát triển liên chính phủ (IGAD), khối thương mại của nhóm các nước Đông Phi tuy từ chối đứng về phía nào nhưng kêu gọi tất cả các bên giải quyết vấn đề một cách thân thiện.
Cùng giành độc lập từ Anh và Italy, năm 1960, Somalia và Somaliland sáp nhập để thành lập một nước cộng hòa. Năm 1991, Somaliland tách khỏi Somalia, sau một cuộc chiến gây nhiều tổn thương cho cả hai bên. Hơn 30 năm trôi qua, Somalia vẫn coi Somaliland là một phần lãnh thổ không thể tách rời. Cho đến nay, chưa có tổ chức quốc tế nào công nhận quyền độc lập của Somaliland mặc dù vùng đất này đã thông qua hiến pháp độc lập vào năm 2001.
Vì thế, việc Ethiopia ký thỏa thuận thuê đất và công nhận Somaliland đã khiến quan hệ giữa Addis Ababa và Mogadishu tiếp tục rơi vào tình trạng bên bờ vực chiến tranh. Trong khi đó, cả hai đều đang đối mặt với nhiều bất ổn ở trong nước. Somalia đang tiến hành cuộc chiến lâu dài với nhóm vũ trang Hồi giáo al-Shabab còn Ethiopia đang phải giải quyết hậu quả của cuộc chiến Tigray cũng như bất ổn tại khu vực Amhara phía Bắc đất nước.
Sau hai vòng đàm phán không mang lại kết quả đột phá nào và chưa thể nối lại vòng đàm phán mới bất chấp nỗ lực trung gian hòa giải của Thổ Nhĩ Kỳ – một đồng minh thân cận của Somalia, dư luận lo ngại có thể khiến bùng phát một cuộc xung đột vũ trang mới giữa hai nước. Tiếng súng ở khu vực vốn nhiều bất ổn này có thể sẽ kéo cả Somaliland vào cuộc, dẫn đến sự hỗn loạn ở khu vực Sừng châu Phi vốn đang âm ỉ nhiều vấn đề chỉ chờ cơ hội bùng phát trở lại.
Nguồn: https://baoquocte.vn/cang-thang-somalia-ethiopia-chua-thao-duoc-kip-no-286858.html