Không chỉ có phong cảnh đẹp, quy mô bề thế, chùa Quỳnh Lâm (xã Tràng An, TX Đông Triều) xưa nay còn là nơi mà các văn nhân thi sĩ để lại nhiều áng thơ hay.
Chùa Quỳnh Lâm được xây vào thời Lý Thần Tông do nhà sư Nguyễn Minh Không khởi dựng. Thời Trần, đệ nhị tổ Trúc Lâm Pháp Loa xây chùa thành nơi đào tạo tăng tài, một tự viện lớn và là nơi tổ chức các sự kiện Phật giáo lớn.
Đầu thế kỷ XV, khi quân Minh xâm lược nước ta, chùa đã bị phá hủy. Sau đó, chùa nhiều lần được trùng tu tôn tạo. Đến thời nhà Lê, Thiền sư Chân Nguyên đã phục hưng Thiền phái Trúc Lâm và xây dựng lại chùa. Đến thời Lê Trung Hưng, Chúa Trịnh đã cấp tiền và huy động nhân dân 3 huyện Đông Triều, Chí Linh, Thủy Đường tham gia xây dựng chùa trong khoảng 10 năm. Năm 1820, triều đình nhà Nguyễn lại trùng tu tôn tạo. Sau 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chùa tiếp tục được trùng tu trở thành một trong những ngôi chùa lớn nhất khu vực phía Bắc, được xây dựng từ 1.500m3 gỗ lim.
Chùa hiện nay, có quần thể 3 tòa điện lớn với tổng diện tích hơn 1.000m2 được dựng lại trên nền móng chùa xưa với những vật liệu truyền thống có sự tiếp nối và chọn lọc. Chùa có nhiều cột gỗ lớn trong đó có 2 cột gỗ ngọc am rất quý với đường kính hơn 100cm có mùi thơm tự nhiên đặc trưng dễ chịu.
Tuy nhiên, không chỉ nổi tiếng bởi bề dày lịch sử, hay sự nguy nga tráng lệ, chùa Quỳnh Lâm còn được biết đến là một ngôi chùa có truyền thống về thi ca. Hoạt động thơ đã có ở đây từ rất lâu. Các vua Trần, vương hầu, quý tộc văn nhân cũng thường xuyên lui tới nơi đây. Văn Huệ Vương Trần Quang Triều là cháu nội của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và là anh vợ vua Trần Anh Tông đã cùng với các nhà thơ Nguyễn Xưởng, Nguyễn Ức lập ra “Bích Động thi xã” ở Quỳnh Lâm để ngày ngày tới chùa đề thơ ngâm vịnh.
Trần Quang Triều là người giỏi văn thơ, từng cầm quân đi dẹp loạn biên cương, làm quan tới chức Nhập nội kiểm hiệu tư đồ và được phong tước Văn Huệ Vương. Tuy nhiên, Trần Quang Triều sớm lui về ẩn dật ở một tự viện danh tiếng đương thời là chùa Quỳnh Lâm. Bằng ảnh hưởng của mình, ông tập hợp một số danh sĩ, thường cùng nhau sáng tác và luận bàn văn thơ trong am Bích Động, rồi hình thành Bích Động thi xã. Các thành viên của thi xã này, ngoài Trần Quang Triều còn có những nhà thơ sáng danh như: Nguyễn Ức, Nguyễn Sưởng, Nguyễn Trung Ngạn… Thi xã được lập ở vùng đất có các lăng mộ vua Trần, điền trang và thái ấp tổ tiên của Trần Quang Triều.
Theo sách Tam Tổ Thực lục, năm 1317, khi bắt đầu tu tạo lại chùa Quỳnh Lâm, Trần Quang Triều đã cúng 4.000 tiền (bia chùa Quỳnh Lâm thì chép số tiền này lên đến 40 vạn quan). Rồi đến tháng Chạp năm 1324, Trần Quang Triều còn cúng 300 mẫu ruộng ở Gia Lâm, cùng số ruộng ở 2 trang trại, tổng cộng hơn 1.000 mẫu và hơn 1.000 nô tỳ để làm của tam bảo vĩnh viễn cho chùa Quỳnh Lâm.
Tác giả Nguyễn Sưởng từng kết giao với Trần Quang Triều khi Trần Quang Triều đang còn làm quan tư đồ ở trong triều. Thời đó, phía Tây thành Thăng Long có quán Khai Nguyên (còn gọi là quán Dà La), đạo sĩ Trần An Quốc hiệu là Tự lạc tiên sinh tu trì tại đó. Trần Quang Triều cùng Nguyễn Sưởng thường đến đó thù tạc, ngâm vịnh.
Nguyễn Sưởng là một nhà thơ đặc biệt có tấm lòng thương yêu những người dân thường. Bài Đề thơ khi trở lại am Bích Động chùa Quỳnh Lâm, ông viết (tạm dịch): Nghĩ tới dân đen lòng đầy thương cảm/ Chuông chùa Quỳnh Lâm lạnh buốt đêm trăng... Về nghệ thuật, thơ thiên nhiên của ông trong sáng, gợi cảm và trau chuốt. Theo tác giả Phạm Ngọc Lan, trong “Từ điển Văn học” thì đó cũng là những đặc điểm của thơ đời Trần nói chung, của Bích Động thi xã nói riêng.
Đại diện thứ ba cần phải nhắc đến là Nguyễn Ức. Về nhà thơ Nguyễn Ức, làm quan dưới triều Trần Minh Tông, và chính ông là người biên tập sách Cúc Đường thi tập của Trần Quang Triều. Thơ Nguyễn Ức phản ánh một tâm hồn thanh cao và nặng tình nghĩa. Những câu thơ của ông thật tinh tế: “Bóng chiều trên nửa ngọn tháp/ Ngôi chùa một mình nơi xa tít”. Nguyễn Ức cũng là nhà thơ có tham gia Bích Động thi xã và còn để lại 20 bài thơ chữ Hán trong Việt âm thi tập và Toàn Việt thi lục.
Nhìn chung, thơ của nhóm Bích Động thi xã và những văn nhân, thi sĩ viết về chùa Quỳnh Lâm đã khơi mở một dòng xúc cảm chưa từng có trong thơ Việt trước đó. Họ đã góp phần đưa thơ đến gần với hiện thực đời sống, gần với đời sống tình cảm con người; tạo nên một dòng thơ trữ tình và nhân đạo từ bảy thế kỷ trước.
Có thể nói Bích Động thi xã là tổ chức hội thơ ca đầu tiên trong lịch sử văn học nước ta. Và việc tiếp tục nghiên cứu, làm rõ vị trí, vai trò, diện mạo của am Bích Động – “trụ sở” của Bích Động thi xã, là việc làm rất có ý nghĩa đối với sự phát triển của thơ ca, của văn học nghệ thuật ở Quảng Ninh nói riêng, của cả nước nói chung.