Cách nay khoảng 3 năm, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vĩnh Hưng, tỉnh Long An – Phan Văn Bằng cho biết, huyện sẽ mở tuyến du lịch tâm linh, điểm đầu là chùa Cổ Sơn (thường gọi chùa Nổi, ấp Cả Bản, xã Tuyên Bình), điểm cuối là Khu di tích lịch sử Quốc gia Khu vực Đồn Long Khốt (xã Thái Bình Trung). Chùa Nổi sẽ được nâng cấp, mở rộng mặt bằng, tôn tạo cảnh quan, làm thêm công trình. Tháng 4 vừa qua, tham quan chùa Nổi, tôi thấy dự án trên đã và đang thi công làm đường, cầu, đổ đất san lấp, mở rộng mặt bằng ra khu sau chùa.
Chùa Nổi khá quen thuộc với tôi. Trước đây, hầu như mùa lũ nào tôi cũng đến chùa với dân “chạy lũ”. Trận lũ lịch sử năm 2000 phủ nước trắng Đồng Tháp Mười như biển, chùa Nổi vẫn cứ “nổi” trên cao; dân trong vùng đi xuồng đến tránh trú lũ một cách an toàn. Vậy chùa Nổi có “phép lạ” gì chăng?
Chùa Nổi nhìn từ cầu sắt qua sông Vàm Cỏ Tây (Ảnh tư liệu)
Chùa Nổi rất đẹp nếu từ bên này bờ sông Vàm Cỏ Tây nhìn sang, hay từ đỉnh cầu sắt uốn cong hình bán nguyệt qua hai bờ sông nhìn xuống toàn cảnh ngôi chùa lẫn với bóng cổ thụ in trên mặt nước như một bức tranh thủy mặc lung linh, huyền ảo.
Bước vào cổng chùa thăm “cụ” trôm mõ và 5 cây dầu rái cổ thụ kế đó cùng mang danh hiệu Cây di sản Việt Nam, hôm nay gặp lại, cảm giác như hồn cốt Đồng Tháp Mười nguyên thủy vẫn hiển hiện qua mảng rừng cổ thụ hàng trăm năm tuổi này. Du khách “tắm” mình dưới vòm lá xanh rợp bóng cổ thụ cao vút, tinh thần sẽ cảm nhận bao điều kỳ diệu của thiên nhiên. Bên sân chùa, một tảng đá bia khắc chữ thư pháp: “Nơi đây, từ xưa đã nổi tiếng huyền bí, là nơi hội tụ, giao hòa khí thiêng của trời đất, là nơi Phật ngự, là điểm danh lam thắng cảnh – văn hóa tâm linh, cũng là một di chỉ khảo cổ học lớn, thuộc nền văn hóa của người tiền sử có niên đại cách ngày nay khoảng 2.500-2.800 năm; là đối tượng cho những nhà nghiên cứu lịch sử – văn hóa muốn tìm hiểu vùng đất và con người nơi đây qua các thời đại”.
Tượng Phật cười (Phật Di Lặc) dưới bóng cổ thụ
Sư cụ trụ trì chùa Nổi nhớ lại, vùng này trước đây còn 11 gò đất cũng có cây cao bóng cả như gò chùa Nổi. Rồi những người dân di cư tự do đến chặt cây lấy gỗ, san gò cất nhà, làm vườn, làm ruộng hết 10 gò, duy nhất còn lại gò Nổi, nơi ngài cư sĩ Tô Cát trên đường vân du sơn thủy, thấy gò có nhiều linh khí, bèn lập chùa để tu tập vào năm 1748 (cách nay vừa đúng 275 năm). Ban đầu, chùa cất sơ sài. Về sau, các đời sư trụ trì trùng tu dần mà thành như hiện tại.
Nghe sư cụ nói, tôi chợt nhớ tư liệu của các nhà nghiên cứu cho rằng, hàng triệu năm trước, toàn vùng Đồng Tháp Mười là một vịnh biển sâu. Rồi quá trình sông Mê Kông cần mẫn bồi đắp phù sa từ thiên niên kỷ này qua thiên niên kỷ khác mà thành một bãi bồi bao la, bát ngát, nổi lên nhiều gò nổng cho muôn loài thực vật và động vật sinh sản. Phải chăng gò chùa Nổi là một trong số gò nổng ấy? Lại có tư liệu khảo cổ học chứng minh toàn vùng đất Nam bộ từng trải qua một quá trình biển tiến tạo cơn đại hồng thủy nhấn chìm cả vương quốc Phù Nam đang phát triển mà không sao khắc phục để tồn tại được; thêm bị nước Chân Lạp từng bước thôn tính, khiến người Phù Nam phải bỏ lại một nền văn minh – văn hóa rực rỡ của mình mà rút lên các tỉnh miền Đông và Tây Nguyên để sinh sống. Các nhà khảo cổ học khi khai quật di tích đã dò theo dấu vết di chỉ, lần ra kho tàng văn hóa Óc Eo của dân tộc Phù Nam tại thánh địa Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng), thu thập la liệt các di vật văn hóa Óc Eo thể hiện nền văn minh đáng kinh ngạc của dân tộc Phù Nam (Thanh Niên, 29/7/2022).
Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, tôi đến đây còn thấy một số hầm bí mật ẩn dưới lòng đất là dấu tích nhà chùa nuôi giấu cán bộ cách mạng thời chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước. Nhiều gốc cổ thụ bị trúng bom và đạn pháo của Mỹ làm đổ ngã không cách gì cứu được, phải chịu chết khô trên mặt đất. Chùa Cổ Sơn – chùa Nổi được UBND tỉnh công nhận là Di tích cấp tỉnh vào năm 2004.
Trong bài viết của GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang với nhan đề Văn hóa tâm linh – di sản của tài nguyên văn hóa Việt Nam, nhấn mạnh quan điểm “Tôn giáo tín ngưỡng vừa là hợp phần quan trọng của một nền văn hóa, vừa làm nên sắc thái của nền văn hóa ấy. Nền văn hóa tâm linh là một di sản đặc biệt của mỗi dân tộc, ẩn chứa nhiều truyền thống và giá trị đặc sắc”… Giáo sư nhấn mạnh thêm: “Văn hóa tâm linh là một di sản đặc biệt của mỗi dân tộc, ẩn chứa nhiều truyền thống và giá trị đặc sắc cần nghiên cứu, bảo tồn và phát huy”… Vậy chùa Nổi đáng được chọn làm địa chỉ du lịch văn hóa tâm linh lắm chứ!
Vùng ấp Cả Bản, xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng vốn trũng thấp, nhưng nơi chùa Nổi tọa lạc lại là “gò Nổi” – cao hơn mặt bằng đồng ruộng xung quanh gần 3,5m mà lũ lụt vùng này chưa bao giờ đạt tới độ cao đó, nên chùa vẫn cứ “nổi” cả khi xảy ra lũ lụt cực đại như năm 2000.
Dạo quanh khuôn viên chùa thấy điện thờ Mẫu, điện thờ Bà Chúa Xứ, miễu thờ Thần Nông, điện thờ Tiền hiền – Hậu hiền, đền thờ anh hùng liệt sĩ,… Sư trụ trì cho biết, đó là cách nhà chùa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” – là văn hóa tâm linh hướng về cội nguồn, luôn biết trân trọng quá khứ là đạo hiếu của người Việt Nam chúng ta. Sư cụ mách bảo du khách có thể đi đường thủy từ cầu Cá Rô, thị xã Kiến Tường rẽ sang kênh Bắc Chan, rồi rẽ sang sông Vàm Cỏ Tây đến tận cổng chùa. Cách đi tắt này vừa rút ngắn cự ly, vừa ngắm cảnh hai bên kênh Bắc Chan vốn là đường giao thông của nghĩa quân Thiên hộ Võ Duy Dương (đóng đồn Tả bên bờ kênh) về sau thành kênh kháng chiến của Giải phóng quân Khu 8 do tướng Trần Văn Trà làm Tư lệnh đóng Tổng hành dinh ở ấp Bình Tây trên bờ kênh Bắc Chan.
Với sự quan tâm của tỉnh và huyện cùng nhà chùa nỗ lực cho một địa chỉ du lịch tâm linh, chùa Nổi còn nhiều hứa hẹn thu hút khách du lịch văn hóa – tâm linh, một loại hình du lịch thời thượng hiện nay./.
Quang Hảo