Nghiệm lại quãng thời gian tuổi trẻ, tôi cũng từng gặp phải những vấn đề mà nhịp sống hiện đại ai cũng phải trải qua. Chỉ là khi đó không rộ lên “chữa lành”. Vậy có nhất thiết phải chữa lành?
Tự mình tìm sự lành
Gần 10 năm trước, mỗi khi sự chán chường, trống rỗng xuất hiện, tôi lại nhìn qua cửa từ phòng làm việc của mình, ngắm những con người, sự việc trôi qua trước mặt.
Đó có thể là hình ảnh người đàn ông trung niên, gương mặt khắc khổ đang vất vả đạp xe trong nắng gắt thu lượm ve chai, cũng có thể là những gương mặt trẻ trung, năng động chịu thương chịu khó trong công việc, ánh mắt vẫn ngời lên những điều tích cực.
Và dần dà, tôi tự tìm ra được sự giải tỏa những u uẩn cho chính mình. Có thể là những buổi chiều tan sở, chạy xe chầm chậm qua những tuyến đường quen thuộc, tự quan sát và khám phá những gì đang diễn ra một cách giản đơn xung quanh mình.
Cũng có khi ghé vào quán cà phê ven đường, bắt chuyện với những cụ già, hỏi thăm những đứa trẻ đang chờ ba mẹ… Tôi khám phá những điều tưởng vô ích nhưng kỳ thực hữu ích vô cùng.
Rồi cũng có những buổi sáng trên đường đến chỗ làm, thấy tâm trạng chùng xuống, biết là có vào làm hiệu quả cũng không cao. Thế là gọi điện dặn dò vài thứ, xin nghỉ đột xuất, rồi phóng ra bến xe, mua vé cho một “tour du lịch tự phát” trong ngày ở các tỉnh lân cận.
Chiều tối tôi lại quay lên, trở về nhà trong tâm trạng đã được cải thiện nhiều, sẵn sàng cho những ngày làm việc kế tiếp.
Chữa lành không hẳn là nhu cầu của chính bạn
Có một điều bất ngờ nhưng không thể chối cãi: mọi nhu cầu của cuộc sống gần như đều xuất phát từ sự chủ động của giới “kinh doanh” và “khởi nghiệp”. Họ cần xã hội có nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ mà họ tạo ra, núp dưới những mỹ từ hoặc “sứ mệnh”, hoặc đáp ứng nhu cầu của xã hội.
“Chữa lành” cũng không nằm ngoài những mục đích đó. Và để thực hiện thành công mục tiêu, họ sẽ phải nghiên cứu, dẫn dắt và khiến cho số đông người cảm nhận cá nhân mình cũng đang rơi vào tình cảnh đó, phải “chữa lành”.
Đối tượng là với giới trẻ, ở độ tuổi còn non kinh nghiệm trải nghiệm cuộc sống, luôn cảm thấy những gút mắc mà mình gặp phải là những điều to tát khó vượt qua.
Chữa lành từ chính bản thân mình
Vậy bạn trẻ có tự” chữa lành” cho bản thân mình được không? Với thực tế cá nhân tôi đã từng trải qua, tôi nghĩ hoàn toàn được, thậm chí thu được kết quả mỹ mãn. Bởi những lý lẽ sau:
– Mỗi người là một cá thể độc lập, có những trăn trở và những khó khăn đặc thù, không ai giống ai.
– Những phương pháp, “tuyệt chiêu” chữa lành chủ yếu là về lý thuyết, với những nhận định chung chung. Thực tiễn không phải lúc nào những người giảng dạy, nhận chữa lành đều hiểu rõ và giải quyết căn cơ từ gốc.
– Chỉ có bản thân bạn, dựa vào chính bạn mới là điều chính yếu và quyết định. Những hỗ trợ từ bên ngoài nếu có cũng chỉ nên dừng lại ở mức độ tham khảo.
Bạn có thể tự chữa lành từ đâu?
– Trước hết, hãy mở lòng với xung quanh, kể cả người xa lạ. Trong cơ quan, đừng quá chú trọng mối quan hệ đồng nghiệp ở khía cạnh đơn thuần là công việc, mà mở rộng ra nhiều mối quan tâm khác.
– Đừng tự thu mình lại, rồi mặc nhiên đánh giá xung quanh không yêu bạn. Hãy chủ động chìa bàn tay mình ra trước, cho dù 10 lần chỉ được đáp lại 1-2 lần. Vì vấn đề là bạn sẽ thấy thoải mái cho chính bạn, chứ không cần phải được đáp lại.
– Khi có cơ hội ra ngoài cộng đồng, cố gắng hòa nhập càng nhiều càng tốt.
Ví dụ khi ngồi quán cà phê, quán nước, hãy hạn chế tối đa việc sử dụng điện thoại, mang tai nghe nghe nhạc.
Hãy lắng nghe mọi người và nếu có thể trong chừng mực nào đó cùng tham gia bàn luận.
– Nếu những khóa học “chữa lành” mà bạn định tham gia tiêu tốn của bạn vài triệu đồng thì bạn hãy nên sử dụng số tiền đó làm việc tốt cho người quanh mình.
Đó có thể là vài tấm vé số cho cụ già vẫn thường hay qua lại chỗ bạn làm, vài quyển tập tặng thưởng cho con chị lao công, hay giành trả tiền ly nước vì cuộc trò chuyện thú vị tình cờ trong quán nước…
Và sau cùng, hãy cương quyết và mạnh mẽ thực hiện điều này: Hãy “không nghe, không thấy, không biết” về những khóa học “chữa lành”, những rủ rê từ bạn bè, người thân, những câu chuyện chữa lành huyền thoại. Hãy dành điều đó cho chính bản thân bạn thực hiện.
Bạn có khi nào có mong muốn được chữa lành? Theo bạn, những chia sẻ “muốn đi chữa lành” của bạn trẻ trên mạng xã hội chỉ để cho vui hay phản ánh mong muốn thật sự của họ? Mời bạn chia sẻ ý kiến về hòm mail [email protected]. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.