“Sao gọi sớm rứa bay?”. Tiếng cha thì thào trong điện thoại, giọng dường như còn ngái ngủ sau một đêm thức trắng thả lưới đánh cá.
“Thì con nhớ nhà, thèm cơm cha nấu”. Nghe tôi nói vậy, cha “khựng” một lúc rồi bật cười, điệu cười sảng khoái.
Được nghe tiếng cha cười, mọi mỏi mệt trong tôi tan biến, bật chế độ “up mood” để bắt đầu một ngày làm việc mới.
Những lúc mỏi mệt, tôi thường hay gọi về nhà như thế. Chẳng phải để than vãn chuyện công việc, cuộc sống thị thành, mà chỉ cần được nghe tiếng mẹ cha, được nhìn thấy những hình ảnh thân thuộc của vườn tược, ngôi nhà thân quen hay tiếng í ới gọi nhau của các cô bác hàng xóm cũng thấy vui lây.
Cận dịp lễ 30-4, 1-5, tôi hỏi bạn bè về kế hoạch du lịch để rời xa khói bụi thành phố, hầu hết bạn bè của tôi đều kháo nhau “về quê báo mẹ báo cha thôi”. Câu nói tưởng chừng bông đùa đó lại là xu hướng được nhiều người trẻ lựa chọn trong thời gian gần đây, nhất là sau dịch COVID-19.
Có những ngày tháng “lao vào đời kiếm cơm, lao vào đời tìm cơ hội” khiến những người con xa xứ phải đối diện với mệt nhoài, căng thẳng.
Giây phút ấy, chúng ta thèm biết mấy một bữa cơm nhà, thèm lắm một giấc ngủ ngon lành trên chiếc giường tuổi thơ quen thuộc.
Chữa lành đâu cần phải nhiều tiền để đăng ký những khóa học tìm về chính mình, lên kế hoạch về một chuyến du lịch chữa lành đắt tiền, hay phải đi đâu đó thật xa mà không một ai biết để tận hưởng giây phút bình yên?
Chữa lành, có một cách đơn giản nhất, ít tiền nhất là trở về nhà.
Trở về nhà, để ăn một bữa cơm mẹ nấu. Một bữa ăn không cần đầy ắp thịt cá nhưng lại đầy ắp hơi ấm tình thân.
Trở về nhà, để được ngủ trên chiếc giường quen thuộc mà chẳng cần chăn ấm, đệm êm mới được một giấc ngủ ngon như ở nơi thành phố xô bồ.
Trở về nhà, tha hồ mượn quần áo mẹ mặc thoải mái mà không cần xách theo chiếc vali nặng trịch với mấy bộ đồ thướt tha.
Thậm chí, trở về là để được cãi nhau thật rôm rả. Lúc ấy chúng ta được “xả” thoải mái mà không cần lo sợ có ai bày tỏ thái độ hay “ghim” lại, vì mẹ cha luôn chỉ rõ cho chúng ta những điều đúng sai phải trái.
Bỏ qua những áp lực, căng thẳng bộn bề nơi chốn thị thành, chúng ta tìm về giây phút bình yên nơi quê nhà để phục hồi cả tinh thần lẫn thể trạng.
Dù mái nhà đó chỉ là căn nhà cấp bốn đơn sơ hay ngôi nhà cao tầng rộng lớn, thì nơi đó chứa đựng những kỷ niệm tuổi thơ đầy ắp giọng nói, tiếng cười. Khi đó mọi mệt mỏi được xua tan, những áp lực căng thẳng như được ngưng lại sau cánh cửa nhà.
Bạn có khi nào có mong muốn được chữa lành? Theo bạn, những chia sẻ “muốn đi chữa lành” của bạn trẻ trên mạng xã hội chỉ để cho vui hay phản ánh mong muốn thật sự của họ? Mời bạn chia sẻ ý kiến về hòm mail [email protected]. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.