Đó là lý do mà thực khách vẫn hay nói vui, rằng quán cháo của vợ chồng bà Sáu (57 tuổi, tên thật là Huỳnh Thị Tiếp) là quán cháo bán “nhanh nhất TP.HCM”. Có đúng như lời đồn?
“Rẻ rề”… 20.000 đồng/tô
Sớm mai, tôi vượt qua dòng kẹt xe tìm đến quán cháo lòng của bà Sáu nằm nép mình trên con đường Đoàn Văn Bơ (P.16, Q.4). Dọc 2 bên đường dày đặc những hàng quán bán đồ ăn sáng, không khí buôn bán, ăn uống náo nhiệt, mùi đồ ăn thơm phức, bởi đây là khu ẩm thực có tiếng ở TP.HCM.
Biết quán bà Sáu chỉ bán duy nhất 1 tiếng đồng hồ, từ 7 – 8 giờ sáng, nên tôi đã tranh thủ có mặt từ sớm. 7 giờ rưỡi tới nơi, tôi bất ngờ khi nồi cháo gần cạn, khách ồ ạt đến ăn tại chỗ cũng như mua mang đi khiến vợ chồng bà cùng người em họ phụ bán là không kịp xuể.
Nhìn sơ qua, thấy quán cháo của bà Sáu cũng bình thường như mấy quán khác tôi từng ăn. Nói là quán, nhưng thực tế chỉ là hàng cháo nhỏ với vài cái ghế nhựa cho khách cầm tô ngồi “xì xụp” cho bữa sáng, chủ yếu mua mang đi. Tôi tò mò liệu cháo lòng ở đây ngon cỡ nào, mà khách ghé ăn đông kinh khủng tới như vậy.
Lân la hỏi thăm một vài vị khách quen, tôi cũng dần biết được phần nào câu trả lời. Ông Lý Thành Khôn (48 tuổi, ngụ Q.4) cho biết mình là “mối ruột” ở quán mười mấy năm nay. Hầu như sáng nào ông Khôn cũng ghé đây ăn rồi mới bắt đầu công việc giao hàng của mình.
“Cháo ở đây, thứ nhất là rẻ rề có 20.000 đồng/tô thôi, giờ kiếm đâu ra tô cháo giá này mà chất lượng khỏi bàn. Thứ 2 là bà chủ nấu ngon, ăn vừa miệng, nhất là lòng làm sạch, không bị hôi.
Sáng ăn cháo lót dạ, không quá no nhưng đủ năng lượng để làm việc, quán cũng gần nhà tôi nên có tuần ngày nào cũng qua. Ăn hoài ghiền hoài. Nhưng mà cũng tranh thủ ăn lẹ để còn đi làm với nhường chỗ cho người ta”, ông cười khoái, nhận xét.
Bán cháo nuôi con học đại học
Thấy nồi cháo sắp cạn, tôi liền gọi một tô cháo đầy đủ vì sợ… hết, lát nữa không còn gì ăn. Thật vậy, tô cháo bà chủ làm cho tôi cũng là một trong những phần cháo cuối cùng của ngày hôm nay, ở quán ăn này. Đúng 7 giờ 55 phút, quán hết sạch. Khách tới hỏi mua chỉ nhận được câu trả lời: “Hết cháo rồi khách ơi! Thông cảm nhen!”.
Dường như, người ta cũng quen với cảnh này khi đến trễ nên không ai thấy quạu. Nhiều người còn tranh thủ cười với bà chủ một cái, rồi đi khiến tôi cảm nhận được sự thân tình giữa bà chủ và những thực khách của mình.
[CLIP]: Quán cháo 30 năm bán ‘nhanh nhất TP.HCM’: Chưa đầy 1 tiếng… ‘sạch bách’.
“Quán ở đây là vậy đó, 1 tiếng là hết. Ngày bán ế thì trễ hơn xíu, nhưng mà ế hả, quán bà Sáu một năm ngày ế chắc đếm trên đầu ngón tay quá”, một vị khách đang ăn nói thêm, ai cũng cười.
Khách vơi, bà chủ mới có thời gian tâm sự cùng tôi, rằng quán cháo này được bà mở bán hơn 30 năm trước, cũng trên con đường này. Trước đó, bà về làm dâu, cũng phụ mẹ chồng bán cháo, cơm bình dân.
“Mẹ tôi mới kêu tôi ra riêng bán đi, để mưu sinh. Tôi nghe lời mẹ mở quán cháo đậu, cháo lòng bán cũng được lắm. Khách ăn càng ngày càng đông. Sở dĩ tôi bán 1 tiếng là vì tại bán hết nên về, làm 4 nồi đủ bán buổi sáng à”, bà chủ cười tít mắt, nói.
8 năm nay, bà nghỉ bán cháo đậu, tập trung bán cháo lòng vì “không còn sức”. Chồng và em họ cũng phụ bà bán nhiều năm nay. Bà chủ tự hào nhờ quán cháo lòng này mà bà nuôi con trai học đại học, thành tài. Con cũng chính là niềm tự hào lớn nhất của bà chủ bên cạnh quán cháo lòng mà bà dành suốt cả đời để gầy dựng.
Quán nằm ở số 635 đường Đoàn Văn Bơ (P.16, Q.4).
Hỏi về bí quyết khách đông, bà chủ nói “không có bí quyết gì đặc biệt” khi bà nấu cũng như bao người. Nhưng bà nói rằng khi nấu ăn bằng cái tâm, cũng như với kinh nghiệm học hỏi được suốt 3 thập kỷ cùng duyên buôn bán, là điều để bà níu chân khách suốt bao năm qua.
Trong khi nhiều hàng, quán khác cạnh bên còn tiếp tục, bà chủ cùng chồng bắt đầu thu dọn trở về nhà nghỉ ngơi sau 1 tiếng đồng hồ làm không kịp thở. Bà chủ nói rằng niềm hạnh phúc của bà mỗi ngày là được mệt như vậy, bởi càng mệt, cũng đồng nghĩa với việc khách càng thương quý bà chủ, thương quý món ăn do bà tâm huyết làm nên.