(Dân trí) - Ngôi cổ tự Giác Lương ở làng rèn Hiền Lương, bên bờ sông Bồ là một công trình tiêu biểu về kiến trúc Phật giáo, đã được công nhận di tích văn hóa cấp quốc gia năm 1992.
Chùa Giác Lương hiện nằm ở xóm Phước Tự, ngay cổng làng Hiền Lương (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), cách trung tâm thành phố Huế khoảng 21km về phía Tây Bắc. Theo tư liệu lịch sử, ngôi chùa cổ này do bà Hoàng Thị Phiếu và tộc trưởng của các dòng họ trong làng Hiền Lương xây dựng vào thời Lê Trung Hưng ở xứ Cồn Bệ, sau đó dời đến vị trí hiện nay. Chùa Giác Lương có đóng góp rất lớn trong công cuộc nghiên cứu lịch sử hình thành phong cách kiến trúc chùa xứ Huế nói riêng, lịch sử hình thành Phật giáo Việt Nam nói chung và đã được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1992.
Chùa xây hướng nam, hình chữ nhật, sườn mái bằng gỗ, lợp ngói liệt, gồm 2 gian và 4 chái. Sát bên chùa có nhà Tăng. Khuôn viên chùa được bao bọc bởi la thành hình chữ nhật, trước xây trụ biểu. Cổng Tam quan đồ sộ, trên có lầu, dưới có ba cửa ra vào, quy mô lớn hơn nhiều ngôi quốc tự ở Huế. Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, chùa cổ Giác Lương trải qua nhiều lần trùng tu trong thời kỳ nhà Nguyễn. Đặc biệt, trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, làng Hiền Lương bị tàn phá ác liệt, tất cả nhà cửa, đình miếu bị đốt phá, hủy hoại tan hoang, nhưng chùa Giác Lương vẫn tồn tại. Trong Chùa Giác Lương thờ 7 tượng Phật, thờ thánh Quan Công, Quan Bình, Châu Xương và thủy tổ các tộc họ trong làng; trên bao lam ở gian giữa chùa treo bức hoành phi đề "Giác Lương Tự"; hai bên treo câu đối làm vào mùa đông năm Kỷ Mão - Gia Long, 1819.
Trước sân chùa về bên phải có một gốc sứ tuổi thọ trên 200 năm, hình dáng rất cổ quái, xứng đáng là một cây di sản, rất cần được quan tâm bảo vệ.
Bên trái tiền đường chánh điện chùa Giác Lương có giá gỗ treo quả chuông lớn (đại hồng chung), nặng gần 500kg, được đúc vào tháng 10 năm Kỷ Mão (1819) triều Gia Long. Trên thân chuông khắc minh văn ghi họ tên của 20 quan chức trong làng tiến cúng.
Các tư liệu nghiên cứu cho thấy, chùa Giác Lương có kiến trúc độc đáo, đánh dấu một giai đoạn phát triển rực rỡ về văn hóa và xã hội của dân tộc Đại Việt ở xứ Đàng trong. Từ bộ khung đến hệ thống liên ba, cửa bảng khoa của chùa đều trang trí, chạm nổi hình bát bửu, tứ linh, tứ thời và các kiểu hoa văn tinh xảo. Các mảng trang trí bằng mảnh sành sứ rất sinh động.
Theo ông Hoàng Ngọc Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hiền, huyện Phong Điền), chùa Giác Lương là cơ sở tín ngưỡng quan trọng, gắn với sự hình thành, phát triển của làng Hiền Lương, một trong 59 ngôi làng cổ của huyện Đan Điền, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa, được thành lập vào năm 1445 dưới triều vua Lê Nhân Tông. Trong chùa hiện không có sư ở. Xã Phong Hiền đã thành lập ban quản lý di tích xã để cùng với người dân bảo vệ, chăm sóc, tôn tạo các di tích văn hóa trên địa bàn, trong đó có chùa Giác Lương. HĐND huyện Phong Điền cũng đã ban hành nghị quyết về việc cấp kinh phí cho các địa phương thuộc huyện thực hiện duy tu, bảo tồn di tích. Ngoài ra còn có các nguồn xã hội hóa, đóng góp của con em trong làng Hiền Lương. Theo ông Trung, hàng năm tại chùa Giác Lương sẽ diễn ra 2 sự kiện quan trọng của người dân làng Hiền Lương bên bờ sông Bồ, đó là lễ Xuân tế và Thu tế.
Ngoài chùa cổ Giác Lương đã được công nhận di tích cấp quốc gia, làng Hiền Lương còn có lăng mộ và nhà thờ cụ Trần Đình Bá, di tích lịch sử cấp tỉnh, nơi lưu giữ được nhiều tài liệu Hán Nôm quý, phản ánh một vùng quê có bề dày truyền thống văn hóa. Hay cầu ngói làng Hiền Lương với kiến trúc thượng gia hạ kiều (trên nhà dưới cầu), mô phỏng theo 2 cây cầu nổi tiếng là cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) và chùa Cầu (thành phố Hội An, Quảng Nam) cũng nhận được nhiều sự quan tâm. Cầu được xây dựng năm 2011, khánh thành đưa vào sử dụng năm 2015, với tổng kinh phí khoảng 1 tỷ đồng, trong đó phần lớn là do người dân trong làng Hiền Lương đóng góp cùng sự hỗ trợ của chính quyền xã Phong Hiền.
Đặc biệt, làng Hiền Lương trước đây rất nổi tiếng với nghề rèn, chuyên rèn các sản phẩm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, đời sống sinh hoạt hàng ngày. Ông Trương Văn Thêm (76 tuổi, người làng Hiền Lương) đã gắn bó với nghề rèn suốt 55 năm. Thời kỳ hoàng kim, lò rèn của gia đình ông ngày nào cũng đỏ lửa, đơn hàng tấp nập. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, nghề rèn Hiền Lương đã bị mai một, trong làng chỉ còn mình ông Thêm duy trì thường xuyên lò rèn của mình. Ông Hoàng Ngọc Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hiền cho biết xã mong muốn bảo tồn, khôi phục lại nghề rèn truyền thống, kết hợp với các công trình di tích để phát triển du lịch tham quan, trải nghiệm, qua đó tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/giai-tri/chua-co-voi-cay-su-va-dai-hong-chung-tren-200-tuoi-ben-song-bo-20240625193609321.htm
Bình luận (0)