Kinhtedothi-Thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Nhà giáo, các đại biểu Quốc hội đề nghị xác định rõ nguồn lực để thực hiện các chính sách đối với nhà giáo như tiền lương, phụ cấp, chế độ thu hút, ưu đãi; xây dựng môi trường làm việc an toàn giúp nhà giáo an tâm công tác, cống hiến.
Ngày 9/11, thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Nhà giáo, các đại biểu Quốc hội đánh giá, Dự thảo đã đề cập đến nhiều điểm mới về chính sách đối với nhà giáo để phát triển và nâng tầm, tôn vinh nghề giáo, khắc phục các bất cập trong quản lý Nhà nước về nhà giáo.
Chính sách thu hút nhà giáo còn chung chung
Tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn) cho biết, về chính sách thu hút nhà giáo (khoản 1, điều 29 Dự thảo Luật quy định đối tượng hưởng chính sách thu hút gồm: người có trình độ cao, người có tài năng, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, người có năng khiếu đặc biệt tham gia tuyển dụng làm nhà giáo; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo”.
Đại biểu cho rằng, về cơ bản, các chính sách thu hút nhà giáo là cần thiết, tuy nhiên, nội dung tại điều 29 còn chung chung, chưa có đột phá để tạo sức hấp dẫn; chưa đủ sức thuyết phục để thu hút người có trình độ cao, người có tài về công tác tại những vùng đặc biệt khó khăn.
“Nếu không có chính sách cụ thể, rõ ràng, việc thu hút nhà giáo như mục tiêu, mong muốn của Dự thảo Luật khi đề ra quy định này sẽ rất khó thực hiện” – đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nói.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng chưa làm rõ như thế nào gọi là người có trình độ cao, người có tài năng, người có năng khiếu đặc biệt. Do đó, đại biểu đề nghị quy định rõ về các đối tượng này để tạo thuận lợi cho việc áp dụng trên thực tế.
Quan tâm đến chính sách thu hút nhà giáo, đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) đề nghị bổ sung 2 đối tượng, đó là: những học sinh phổ thông có học lực xuất sắc, đạt giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế được tuyển thẳng vào ngành sư phạm; những sinh viên đại học tốt nghiệp xuất sắc được giữ lại trường làm giảng viên.
“Những đội ngũ này sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ở tất cả cấp học, bậc học và hệ thống giáo dục quốc dân” – đại biểu Thái Văn Thành nêu.
Về chế độ, chính sách đối với nhà giáo, đại biểu Thái Văn Thành đề nghị xác định rõ nguồn lực để thực hiện các chính sách đối với nhà giáo (như tiền lương, phụ cấp, chế độ thu hút, ưu đãi…), trong đó nguồn lực của Trung ương và nguồn lực của địa phương như thế nào để bảo đảm Luật khả thi, hiệu quả, sớm đi vào cuộc sống.
Đại biểu Lương Văn Hùng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi) cho rằng, Dự thảo Luật chưa có quy định về bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp; thiếu các chính sách để xây dựng một môi trường làm việc an toàn giúp nhà giáo an tâm công tác, cống hiến và hoạt động nghề nghiệp hiệu quả. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định nhà giáo được quyền tổ chức dạy thêm theo quy định của pháp luật.
Làm rõ quyền tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà giáo
Tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) quan tâm đến quy định về quyền của nhà giáo và đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát làm rõ, thống nhất quy định tại điểm d khoản 1 điều 11 của Dự thảo Luật Nhà giáo và quy định tại điểm b khoản 2 điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Cụ thể, tại điểm d khoản 1 điều 11 Dự thảo Luật quy định nhà giáo: “Được nghiên cứu khoa học và chuyển giao sản phẩm nghiên cứu khoa học theo quy định của pháp luật về nghiên cứu khoa học và sở hữu trí tuệ; được tham gia hoạt động ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ”. Đại biểu cho rằng, đây là một quy phạm cho phép, được hiểu là nhà giáo được trao quyền nghiên cứu khoa học và chuyển giao sản phẩm nghiên cứu khoa học; đồng thời, được tham gia hoạt động ở các cơ sở sản xuất – kinh doanh phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ.
Đại biểu chỉ ra, theo quy định tại điểm b, khoản 2, điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam.
“Cần làm rõ nhà giáo được tham gia hoạt động ở các cơ sở sản xuất kinh doanh phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ là được tham gia những hoạt động nào, khâu nào trong hoạt động sản xuất kinh doanh? Nhà giáo có được thành lập hoặc tham gia thành lập và quản lý doanh nghiệp không?” – đại biểu Nguyễn Thị Lan nêu.
Theo đại biểu, nếu không làm rõ, sẽ dẫn đến việc hiểu luật không giống nhau giữa, khó thực hiện trong thực tế, có thể vô tình vi phạm quy định của pháp luật.
Hợp đồng lao động làm nhà giáo thuộc loại hợp đồng nào?
Phát biểu thảo luận, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho biết, tại điểm d, khoản 3, điều 16 quy định: “Người đã có thời gian hợp đồng lao động làm nhà giáo trong cơ sở giáo dục từ 2 năm trở lên” thuộc đối tượng được đặc cách, ưu tiên trong tuyển dụng nhà giáo”.
Đại biểu cho rằng, cần làm rõ “hợp đồng lao động làm nhà giáo” thuộc loại hợp đồng nào, vì Hợp đồng đối với nhà giáo được quy định tại khoản 1, điều 19 của Dự thảo Luật gồm: hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật về viên chức và hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Trong đó, hợp đồng làm việc được chia thành 2 loại: hợp đồng làm việc xác định thời hạn và hợp đồng làm việc không xác định thời hạn (khoản 2 và khoản 3 điều 19). Còn hợp đồng lao động áp dụng với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhà giáo là người nước ngoài (khoản 4, điều 19).
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đặt vấn đề: “hợp đồng lao động làm nhà giáo ở Điều 16 có phải là hợp đồng lao động được quy định tại điều 19 không?. “Nếu đúng thì tôi cho rằng, chính sách ưu tiên tuyển dụng nhà giáo áp dụng cho người đã có thời gian hợp đồng lao động làm nhà giáo là chưa phù hợp”.
Lý giải điều này, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho biết, bởi đối tượng được ưu tiên chỉ là nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập và nhà giáo là người nước ngoài; còn nếu hợp đồng lao động làm nhà giáo trong Dự thảo này thuộc loại hợp đồng lao động thực hiện các công việc chuyên môn, nghiệp vụ được quy định tại Nghị định 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/12/2022 về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, thì cũng cần làm rõ.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/dai-bieu-quoc-hoi-chua-co-dot-pha-trong-chinh-sach-thu-hut-nha-giao.html