Tài khoản định danh điện tử mang lại rất nhiều tiện ích. Không những mang lợi ích của công dân mà còn góp phần phục vụ các nhiệm vụ quản lý hành chính Nhà nước được nhanh chóng, tiện lợi.
Theo Điều 3, Nghị định 59/2022/NĐ-CP của Chính phủ, “tài khoản định danh điện tử” là tập hợp gồm tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác tạo bởi cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử.
Trong đó, thông tin được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử sẽ bao gồm: thẻ bảo hiểm y tế, chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông, giấy phép lái xe, mã số thuế hoặc giấy tờ khác thuộc lĩnh vực quản lý của các ngành, nghề mà các cơ quan Nhà nước quy định.
Khi công dân sử dụng tài khoản định danh điện tử để thực hiện các giao dịch tài chính, như: thanh toán hóa đơn điện và nước, đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chuyển tiền… thông tin được bảo mật, tránh bị giả mạo, giúp các giao dịch được an toàn, tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí vì không phải kê khai nhiều loại biểu mẫu, giảm nhiều khâu thủ tục khi thực hiện các giao dịch hành chính công.
Khác biệt với thẻ CCCD, tài khoản định danh điện tử sẽ được xác thực thông tin trên môi trường điện tử. Công dân có thể thay thế CCCD và các loại giấy tờ đã đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia, như giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế… và có thể sử dụng để đi các chuyến bay nội địa. Như vậy, khi người dân giao dịch hành chính sẽ giảm tối đa các giấy tờ phải mang theo.
Đối tượng được cấp tài khoản định danh điện tử
Đối tượng được cấp tài khoản định danh điện tử theo Điều 11 Nghị định 59/2022/NĐ-CP như sau:
– Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên; đối với công dân Việt Nam là người chưa đủ 14 tuổi hoặc là người được giám hộ được đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
– Người nước ngoài từ đủ 14 tuổi trở lên nhập cảnh vào Việt Nam; đối với người nước ngoài là người chưa đủ 14 tuổi hoặc là người được giám hộ được đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
– Cơ quan, tổ chức được thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam.
Tài khoản định danh điện tử có hai mức độ
– Tài khoản định danh điện tử mức độ 1 của công dân Việt Nam gồm số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; ảnh và chân dung. Đối với người nước ngoài thì có thêm các thông tin về quốc tịch; thông tin về hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.
Với mức độ 1, người dân được sử dụng một số tính năng cơ bản như phòng chống dịch (khai báo y tế, thông tin tiêm chủng), giải quyết dịch vụ công trực tuyến (thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng).
– Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 gồm những thông tin ở mức độ 1 và có thêm thông tin về sinh trắc học là ảnh chân dung, vân tay.
Với mức độ 2, công dân có thể sử dụng tất cả tiện ích được cung cấp như tích hợp các loại giấy tờ giấy phép lái xe (GPLX), đăng ký xe, bảo hiểm y tế (BHYT), thanh toán nhiều loại hóa đơn điện tử (điện, nước, đóng BHXH, BHYT, chuyển tiền). Nếu có tài khoản định danh điện tử khi thực hiện thủ tục hành chính người dân không phải xuất trình các loại giấy tờ trên. Vì vậy, tài khoản định danh điện tử có thể xem như là “ví giấy tờ điện tử”.
Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 có giá trị tương đương như việc sử dụng thẻ CCCD trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ CCCD.
Theo Điều 14 Nghị định 59/2022/NĐ-CP, bạn muốn được cấp tài khoản định danh điện tử thì phải có CCCD gắn chíp. Nếu chưa có CCCD thì theo điểm b, khoản 2 điều 14, Nghị định 59/2022 quy định: Cơ quan Công an tiến hành cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cùng với cấp thẻ CCCD với trường hợp công dân chưa được cấp CCCD gắn chíp điện tử.
Việc đăng ký tài khoản định danh điện tử là không bắt buộc. Tuy nhiên, với tiện ích trên thì bạn nên đi làm CCCD để được cấp tài khoản định danh điện tử. Khi đó, tài khoản định danh điện tử sẽ được cấp cùng với CCCD.
Minh Hoa (t/h)