Trong suốt mùa hè vừa qua cũng như trong đợt mưa lũ do bão YAGI, chúng ta thấy có rất nhiều vụ sạt lở đất, lũ quét nghiêm trọng, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, điển hình như lũ quét ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Theo ông, vì sao các thiên tai như lũ quét, sạt lở đất ngày càng xảy ra trên quy mô ngày càng lớn với tần suất ngày càng dày? Bên cạnh tác động của tự nhiên, có tác động từ các hoạt động phát triển kinh tế xã hội của con người không?
TS. Nguyễn Đại Trung, Trưởng Phòng Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế thuộc Viện Khoa học địa chất và khoáng sản:
Nguyên nhân gây sạt lở đất, lũ bùn đá ở khu vực miền núi, trung du Việt Nam trong thời gian qua rất đa dạng, trong đó đặc biệt phải kể đến các nguyên nhân khách quan như: địa hình, địa mạo, địa chất, kiến tạo, vỏ phong hóa, thổ nhưỡng, thảm phủ, khí tượng, thủy văn…
TS. Nguyễn Đại Trung, Trưởng Phòng Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế thuộc Viện Khoa học địa chất và khoáng sản |
Nhìn chung, yếu tố kích hoạt tự nhiên gây sạt lở đất, lũ quét được xác định chủ yếu là do yếu tố khí tượng: mưa lớn, mưa dài ngày. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan như các yếu tố kích hoạt sạt lở đất do con người ngày càng gia tăng từ các hoạt động nhân sinh như sử dụng đất trồng cây thay đổi thảm phủ thực vật, xây dựng các công trình, phá rừng, cắt xẻ sườn đồi, núi làm đường, mở rộng đường, khai thác khoáng sản…
Các thiên tai như sạt lở đất, lũ quét ngày càng xảy ra trên quy mô ngày càng lớn với tần suất ngày càng dày ở các khu vực miền núi, trung du Việt Nam do có nhiều yếu tố và tác động tự nhiên và nhân sinh.
Về các tác động tự nhiên, đặc điểm địa hình Việt Nam khá đặc biệt với 2/3 là địa hình miền núi trung du, địa hình xâm thực, chia cắt tạo ra các theo các khe hẻm, vách núi sâu ở miền núi tạo các sườn dốc lớn, thung lũng sâu, là nơi hay xảy ra sạt lở đất, lũ bùn đá…
Bên cạnh đó hiện tượng động đất, núi lửa phun trào gần đây tại nước ta đã tạo ra 1 loại đất mềm, bở trên bề mặt, khi mưa lũ xảy ra, loại đất này rất dễ bị mất đi bộ kết dính, bị cuốn trôi gây ra tình trạng sạt lở.
Ngoài ra, hiện tượng thời tiết cực đoan gây mưa lớn, kéo dài ngày do biến đổi khí hậu gây bão (hiện tượng biến đổi En Nino sang La Nila) với tần suất lớn.
Bên cạnh các tác động của tự nhiên, các tác động nhân sinh từ các hoạt động phát triển kinh tế xã hội ở miền núi và trung du Việt Nam bao gồm: Xây dựng các công trình giao thông, điện, trường, trạm, thủy điện, đập, hồ, khai thác khoáng sản, khai tác đất, đá làm vật liệu xây dựng, thay đổi địa hình tự nhiên và thảm phủ (trồng cây công nghiệp, nông nghiệp) v.v.
Các hoạt động, phá rừng, xẻ núi làm giao thông đã ảnh hưởng không nhỏ đến địa hình tự nhiên của nước ta.
Bên cạnh đó việc khai thác quá tay thảm thực vật gây ra tác động không nhỏ.Ví dụ như, cách đây 30-40 năm tại Đồng Văn Cao Bằng có lớp phủ thực vật khá phong phú, nhưng hiện nay do tình trạng khai thác quá mức, lớp phủ chuyển sang thảm phủ.
Đợt mưa bão vừa qua tôi cũng đã đi khảo sát một số nơi, sạt lở ở miền Bắc một phần do khai thác khoáng sản tại các nơi gây đứt gãy sâu. Khi hoàn lưu bão YAGI đi qua gây mất kết dính, tạo nên sạt lở.
Hiện nay có một số động đất nhẹ do các trạm thủy điện tích nước, tích tụ năng lượng dưới lòng đất. Đâu đó tại các địa phương, người dân vẫn cảm nhận được rung lắc nhẹ trong lòng đất. Nhưng rung lắc này làm nứt gãy diễn ra gây tác động đến tự nhiên.
Hiện nay, các đơn vị đã có nhiều cảnh báo sớm tới cho người dân, tuy nhiên công tác thích ứng với thiên tai cần đi sâu đi sát hơn nữa. Các địa phương nên chủ động di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Nguồn: https://tienphong.vn/chua-bao-gio-co-mot-thien-tai-tan-pha-du-doi-nhu-bao-yagi-post1684467.tpo