Tham dự cuộc họp có lãnh đạo Tổng cục KTTV, Viện Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ TN&MT. Cuộc họp được kết nối trực tuyến đến các Đài KTTV khu vực và Đài KTTV các tỉnh miền Trung.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Hưởng – Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia) cho biết, trong những ngày vừa qua, ở nhiều địa phương khu vực miền Trung đã xảy ra mưa lớn. Trong những ngày tới, tình hình mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất được dự báo còn tiếp tục có diễn biến phức tạp.
Tổng lượng mưa từ 19h ngày 10/10 đến 13h ngày 14/10, ở khu vực 5 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam tổng lượng mưa từ 150 đến hơn 700mm. Có điểm cá biệt hơn 1100mm. Tại Hà Tĩnh lượng mưa 150-350 mm, có nơi trên 550 mm. Khu vực Quảng Bình , phía Bắc 200-300 mm, có nơi trên 350 mm; phía Nam 100-200 mm. Khu vực Quảng Trị 150 – 300 mm, có nơi trên 400 mm. Khu vực tỉnh Thừa Thiên – Huế 400 – 800 mm, có nơi trên 1000 mm (như ở Hương Trà). Thành phố Đà Nẵng 400 – 700 mm, có nơi trên 700 mm. Khu vực Quảng Nam 250 – 550 mm, có nơi trên 700 mm.
Dự báo giai đoạn từ đêm ngày 14/10-20/10/2023, khu vực Trung Bộ chịu ảnh hưởng của tổ hợp các hình thái thời tiết xấu gây mưa lớn gồm: dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Trung Trung Bộ nối với vùng áp thấp trên khu vực Giữa của Biển Đông, vùng xoáy thấp này có khả năng di chuyển về phía Tây (hướng về phía khu vực Trung Bộ); các đợt không khí lạnh thường xuyên được tăng cường, bổ sung, đới gió Đông hoạt động mạnh trên độ cao từ 1500-5000 m.
Từ chiều ngày 14/10 đến ngày 16/10: ở khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam 300-500mm, có nơi trên 800mm, ở khu vực từ Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 150-250mm, có nơi trên 400mm; ở khu vực Hà Tĩnh có mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm.
Từ đêm 16 – 17/10: mưa có xu hướng mở rộng lên phía Bắc, vùng mưa có xu hướng mở rộng sang khu vực vùng núi phía Tây của miền Trung; khu vực từ Nam Nghệ An đến Bình Định có mưa lớn 100-300mm, có nơi trên 500mm. Sau ngày 17/10 mưa lớn ở miền Trung còn kéo dài vùng mưa tiếp tục mở rộng lên phía Bắc và diễn biến phức tạp.
Từ hôm nay (14/10) đến ngày 17/10: Trên các sông ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 3-9m, hạ lưu từ 2-4m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ ở thượng lưu sông La (Hà Tĩnh), các sông ở Quảng Bình, Quảng Ngãi lên mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; các sông ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam lên mức BĐ2-BĐ3, các sông nhỏ lên trên BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, đặc biệt nguy cơ rất cao từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam. Cần có các giải pháp đảm bảo an toàn đối với các công trình thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Cấp 2. Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế – xã hội.
Mưa lớn đang tập trung nhiều ở khu vực ven biển, còn tiếp tục duy trì có thể là nguyên nhân gây ngọt hóa bờ biển, ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy hải sản trên vùng ven biển đặc biệt khu vực Thừa Thiên Huế.
Các tàu thuyền và lồng bè nuôi trồng thủy sản ven biển miền Trung cần lưu ý nguy cơ mưa dông mạnh và gió giật trong những ngày tới do ảnh hưởng của vùng thấp đang hoạt động trên khu vực Biển Đông, có xu thế di chuyển vào khu vực ven biển Trung và Nam Trung Bộ trong 24 đến 48 giờ tới.
Tại cuộc họp, các đại biểu tham dự cuộc họp trực tuyến đã tập trung thảo luận về công tác dự báo tác động bởi mưa lớn với khả năng nguy cơ gây lũ, ngập úng và trượt lở đất tại miền Trung trong thời gian tới. Công tác dự báo của hệ thống dự báo KTTV quốc gia và các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh tập trung vào việc rà soát, thu thập danh sách địa bàn được xác định về nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét để tập trung dự báo, cảnh báo cho địa bàn. Việc chuẩn bị điều kiện về nhân lực, vật lực sẵn sàng chủ động ứng phó với mưa lớn, ngập úng, lũ lụt và trượt lở đất cũng được quan tâm.
Lãnh đạo Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ cho biết, tại khu vực Trung Trung Bộ, mưa tập trung cao điểm từ sáng hôm qua (13/10), một số điểm mưa rất lớn gây ngập lụt như ở khu vực Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng. Trong đó, nhiều nơi ngập từ 1-1,5 m. Trong bối cảnh đó, công tác ứng phó mưa lớn được Ban chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh triển khai từ sớm, nghiêm túc. Dự báo, chiều tối nay (14/10) và ngày mai, dự báo mưa sẽ làm ngập lụt nhiều hơn.
Về công tác ứng phó, các tỉnh đã có chỉ đạo cụ thể các cơ quan liên quan túc trực, lực lượng cứu hộ cứu nạn sẵn sàng. Thành phố Đà Nẵng đã di dời khá nhiều dân có nguy cơ ảnh hưởng lớn, đồng thời, đang tiếp tục rà soát các điểm ngập lụt, các khu vực có nguy cơ sạt lở cao để di dời, tránh sự cố đáng tiếc xảy ra. Nhận định về tình hình mưa lũ thời gian tới, lãnh đạo Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ đồng tình với dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia. Đồng thời cho biết, Đài đã sẵn sàng các phương tiện, kỹ thuật, nhân lực để dự báo kịp thời, chính xác về đợt mưa lớn này.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Hồng Phong – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV nhấn mạnh, ngày 9/10, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia đã có văn bản về tình hình mưa lớn. Phó Tổng cục trưởng đánh giá, trong những ngày qua, công tác dự báo, chuẩn bị ứng phó của các cơ quan trung ương và địa phương rất chủ động. Các cảnh báo, nhận định của các cơ quan dự báo KTTV các khu vực có liên quan đưa ra sát với thực tiễn, góp phần vào công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai.
Về công tác dự báo thời gian tới, ông Lê Hồng Phong yêu cầu toàn bộ hệ thống dự báo tiếp tục tập trung cao độ, theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến khả năng. Chú ý cảnh báo trọng tâm đến vấn đề ngập úng, sạt lở đất, đặc biệt trong bối cảnh biển Đông đang xuất hiện vùng áp thấp có thể mạnh lên. Hiện nay, mưa lớn tại khu vực miền Trung còn dấu hiệu phức tạp, có khả năng xuất hiện mưa lớn dị thường. Mặt khác, vùng áp thấp có thể mở rộng ra phía Bắc nên cần cảnh báo, thông tin kịp thời để chủ động trong công tác phòng tránh. Quan tâm đến vấn đề sạt lở đất tại khu vực Tây Nguyên. Ông Lê Hồng Phong cũng yêu cầu các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh, thành phố chỉ đạo các trạm đảm bảo an toàn tính mạng cho cán bộ, nhân viên tác nghiệp trong mưa lũ, bảo vệ an toàn về cơ sở vật chất nhà trạm trang thiết bị, phục vụ kịp thời dự báo, cảnh báo KTTV bám sát thực tiễn giúp giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đánh giá cao việc Tổng cục KTTV đã theo sát, dự báo kịp thời diễn biến mưa lớn những ngày qua. Hoan nghênh các địa phương đã bám sát thực tiễn để phục vụ hiệu quả công tác ứng phó. Trong những ngày tiếp theo, cần lưu ý thêm về khả năng mất an toàn hồ chứa, sạt lở đất, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên – là nơi trọng điểm về sạt lở. Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị Tổng cục KTTV tiếp tục tập trung toàn bộ nhân lực, công nghệ để theo dõi, phân tích số liệu, dự báo diễn biến đợt mưa lớn ở miền Trung trong thời gian tới để đưa ra cảnh báo kịp thời góp phần giảm thiểu thiệt hại đến tính mạng và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.