Quảng bá tác phẩm văn học – nghệ thuật đến với mọi người
Vùng đất và con người An Giang chứa đựng nhiều trầm tích văn hóa, lịch sử riêng biệt, vừa phong phú, đa dạng nhưng cũng rất đặc trưng của vùng sông nước Nam Bộ. Đây là điều kiện và đề tài phong phú nuôi dưỡng tâm hồn, tài năng cho văn nghệ sĩ. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa – nghệ thuật luôn được đẩy mạnh. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong lĩnh vực VHNT được triển khai tích cực. VHNT thường xuyên được đẩy mạnh với nhiều mô hình mới, tạo ấn tượng tốt trong quần chúng nhân dân và giới văn nghệ sĩ. Đội ngũ văn nghệ sĩ thể hiện rõ bản lĩnh chính trị, nhiệt tình, bám sát nhiệm vụ chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, nhất là quảng bá sâu rộng thành tựu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, các nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong đời sống xã hội.
Hiện, Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh An Giang có 8 chuyên ngành: Văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, kiến trúc, sân khấu, múa, điện ảnh; 11 Hội VHNT cấp huyện. Trong 532 hội viên cấp tỉnh, có 121 hội viên ở các chuyên ngành Trung ương; cùng 894 hội viên cấp huyện. Phong trào sáng tác có bước phát triển mạnh mẽ, nhiều hình thức, như: Thường xuyên tổ chức chuyến đi thực tế sáng tác, phát động sáng tác, tổ chức cuộc thi, đầu tư sáng tác…
Hàng năm, lực lượng hội viên sáng tác hàng ngàn tác phẩm VHNT, phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền của địa phương và nhu cầu thưởng thức của nhân dân. Trong đó, nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, đoạt giải cao tại cuộc thi trong tỉnh, khu vực, quốc gia và quốc tế. Đặc biệt, nhân sự kiện 190 năm Ngày thành lập tỉnh An Giang (ngày 22/11/1832 – 22/11/2022), An Giang tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc về An Giang, thu hút 526 tác phẩm của 280 tác giả trong và ngoài tỉnh tham gia.
Mỗi năm, Hội VHNT cấp huyện xuất bản trung bình từ 2 – 3 tập san văn nghệ vào các dịp lễ hội, như: Mừng Đảng, mừng Xuân, kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Xuất bản nhiều đầu sách, đĩa CD, VCD… phục vụ sự kiện, ngày lễ trọng của đất nước và địa phương. Đồng thời, tổ chức giao lưu, trao đổi với văn nghệ sĩ, để hội viên có điều kiện học tập kinh nghiệm sáng tác, nâng cao chất lượng tác phẩm.
Song song đó, công tác xuất bản sách luôn được quan tâm đầu tư bằng nhiều hình thức. Trung bình mỗi năm xuất bản từ 10 – 20 đầu sách, hàng nghìn bản, đầy đủ các thể loại… phục vụ sự kiện văn hóa, kinh tế, chính trị của tỉnh. Nhiều đầu sách có giá trị lớn về tư tưởng và nghệ thuật, như: Các tuyển tập 30 năm VHNT, văn xuôi, thơ, mỹ thuật, nhiếp ảnh An Giang; tuyển tập 40 năm văn học An Giang (1975 – 2015); tập ảnh nghệ thuật “Nét đẹp An Giang”; tuyển tập bài ca cổ và bản tài tử viết về An Giang; tuyển tập bút ký viết về An Giang “Núi giữa đồng bằng”…
Văn nghệ sĩ trong tỉnh cho ra đời nhiều ấn phẩm về biên khảo, truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, thơ, nhạc… được đông đảo công chúng đón nhận và yêu thích. Hoạt động triển lãm tranh, ảnh được tổ chức thường xuyên với hàng trăm tác phẩm, phục vụ ngày lễ lớn trong năm. Ngoài ra, còn tham gia triển lãm, cuộc thi và đoạt nhiều giải thưởng cao cấp khu vực, quốc gia, quốc tế.
Những kết quả trên cho thấy, lĩnh vực VHNT của tỉnh đã chuyển biến tích cực, phát triển mới và chuyên nghiệp hơn; hoạt động phổ biến, sáng tác, quảng bá tác phẩm đa dạng, phong phú. Phong trào văn hóa – văn nghệ phát triển sâu rộng, thu hút đông đảo văn nghệ sĩ, nhân dân tham gia sáng tác, góp phần phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương, định hướng tư tưởng, thẩm mỹ của nhân dân. Đội ngũ văn nghệ sĩ từng bước được trẻ hóa, có lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tâm huyết với nghề; cùng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa, lối sống lành mạnh; quảng bá vẻ đẹp vùng đất, con người An Giang đến với bạn bè trong nước và quốc tế.