Chọn hướng phát triển bền vững
Ngay từ những ngày đầu tái lập tỉnh, Ninh Bình đã xác định du lịch là một ngành có tiềm năng và dành sự ưu tiên để phát triển. Ở mỗi giai đoạn khác nhau, tỉnh đã có những chiến lược phát triển phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương nhằm phát huy tối đa nguồn lực và giá trị của du lịch trên cơ sở “bảo tồn và phát triển bền vững”.
Điển hình, năm 2001, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/ TU ngày 18/12/2001 về phát triển du lịch đến năm 2010. Đây được coi là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Ninh Bình về phát triển du lịch, trong đó đã xác định chuyển hướng chiến lược phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, chuyển từ công nghiệp vật liệu xây dựng sang phát triển du lịch.
Đến năm 2009, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong giai đoạn này, với quan điểm xuyên suốt là phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị của thiên nhiên, giá trị văn hóa, cùng với việc Quần thể danh thắng Tràng An chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, đã thúc đẩy du lịch phát triển vượt bậc với lượng khách đến tham quan tại các khu, điểm du lịch tăng nhanh, dịch vụ phát triển, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.
Theo Sở Du lịch Ninh Bình, năm 2019 (thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19), toàn tỉnh đón 7,6 triệu lượt khách tham quan du lịch, trong đó, khách nội địa đạt 6,63 triệu lượt, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2018; khách quốc tế đạt 970 nghìn lượt, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2018; khách lưu trú qua đêm đạt 840.000 lượt, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2018. Doanh thu đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2018. Tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, chương trình phát triển du lịch.
Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020-2025) đã xác định, đầu tư hạ tầng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trong 3 khâu đột phá chiến lược, tạo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ; chuyển từ công nghiệp khai thác vật liệu xây dựng sang phát triển du lịch, tạo mô hình tăng trưởng “xanh”.
Gần đây nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 về phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 07-KL/TU ngày 12/5/2021 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 17/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong phát triển du lịch. Trên cơ sở những chủ trương, chính sách của tỉnh đã ban hành, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử và bảo vệ môi trường.
Ninh Bình đã thu hút nhiều nhà đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ du lịch và hình thành các khu, điểm du lịch hấp dẫn du khách như: Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động; Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long; Vườn Quốc gia Cúc Phương, Vườn chim Thung Nham, Chùa Bái Đính… Nhiều sản phẩm du lịch cũng được hình thành, kết nối, tạo thành những tour du lịch hấp dẫn du khách.
Đặc biệt, để níu chân du khách, các địa phương, đơn vị đã phối hợp với Ban quản lý các khu du lịch xây dựng các điểm đến “văn minh du lịch”, “an toàn, thân thiện, hấp dẫn”. Công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, tại các khu, điểm du lịch và tại các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh luôn được đảm bảo.
Lấy cộng đồng làm “hạt nhân” phát triển du lịch
Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, chiến lược xuyên suốt của Ninh Bình là phát triển du lịch xanh, phát triển du lịch bền vững và dựa vào cộng đồng với 3 trụ cột chính là: Người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Để phát triển du lịch đúng hướng, Ninh Bình đang đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường.
Theo đó, người dân được coi là trung tâm để phát triển du lịch xanh, bền vững. Doanh nghiệp khi đầu tư tôn tạo các điểm du lịch hay các di tích lịch sử văn hóa đều phải tôn trọng tối đa yếu tố tự nhiên, yếu tố lịch sử văn hóa để phục dựng lại cũng như phát triển các sản phẩm dịch vụ phù hợp với điều kiện tự nhiên và bảo vệ tài nguyên môi trường ở từng địa điểm đó.
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh hiện có, tỉnh đã thiết lập một mô hình hợp tác hiệu quả, chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Khi khách du lịch đến với bất kỳ điểm du lịch nào ở Ninh Bình sẽ thấy việc giữ gìn, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp được chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân tích cực thực hiện.
Điển hình như tại Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động, ngoài vẻ đẹp của núi non, sông nước, của những cánh đồng lúa thì môi trường trong lành, sự thân thiện của người dân làm du lịch đã tạo nên ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.
Ông Đinh Anh Tới, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hải (Hoa Lư) cho biết: Địa phương phối hợp với Ban Quản lý khu du lịch Tam Cốc – Bích Động đẩy mạnh triển khai các giải pháp xây dựng Tam Cốc – Bích Động trở thành điểm sáng về văn minh du lịch. Trong đó chú trọng tuyên truyền, vận động thực hiện công tác vệ sinh môi trường, nâng cao nhận thức, thái độ phục vụ của người dân đối với du khách khi đến tham quan điểm du lịch Tam Cốc – Bích Động cũng như các điểm du lịch khác trên địa bàn.
Cuộc vận động xây dựng Tam Cốc – Bích Động trở thành điểm sáng về văn minh, văn hóa và an toàn gắn với công tác bảo vệ môi trường được lan tỏa. Hàng nghìn hộ dân đã cùng hành động để xây dựng văn hóa điểm đến, bắt đầu từ thái độ ứng xử với khách du lịch.
Người dân trở thành những hướng dẫn viên, tuyên truyền viên tích cực trong việc quảng bá hình ảnh du lịch và định hướng phát triển du lịch xanh của địa phương tới du khách. Đồng thời, người dân phối hợp với chính quyền địa phương, Ban Quản lý khu du lịch tích cực thực hiện các biện pháp thu gom rác thải, bảo vệ môi trường. Vì thế, du khách đến với Tam Cốc – Bích Động luôn cảm thấy thư thái, hài lòng không chỉ bởi vẻ đẹp thiên nhiên được tạo hóa ban tặng mà còn nhận được sự đón tiếp nồng hậu, chân tình từ người dân địa phương, được hòa mình trong môi trường xanh, sạch, đẹp.
Năm 2023, ngành Du lịch Ninh Bình dự kiến đón hơn 5,35 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 5.150 tỷ đồng. Đến năm 2025, ngành Du lịch phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch, Ninh Bình trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn; phấn đấu đón 8 triệu lượt khách; tổng doanh thu du lịch ước đạt 8.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho khoảng 23.000 lao động.
Với những quyết sách bài bản, đúng hướng ngay từ những ngày đầu tái lập tỉnh cho đến nay đã tạo nên sự đồng thuận, hài hòa giữa chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân trong phát triển du lịch xanh, bền vững. Đây là động lực để du lịch Ninh Bình bứt phá, đạt được những mục tiêu quan trọng đã đề ra trong từng giai đoạn.
Hồng Giang