Chị Hoàng Thị Nhung, cán bộ điều dưỡng của Trung tâm cho biết: Trung tâm đang chăm nuôi 130 cụ; phần lớn có bệnh nền, chiếm gần nửa số cụ nằm liệt, số còn lại chống gậy khập khễnh, ít ngủ, hay thức đêm, lõm thõm đi vệ sinh. Nhân viên trực luôn phải cảnh giác đề phòng các cụ ngã. Các cụ ở đây phần lớn người già yếu thế, tinh thần, vật chất, bệnh tật phát sinh hằng ngày, Trung tâm như ngôi nhà chung, nhân viên phải nhiệt tình, tận tâm, tận tụy, xem mình là người giúp việc, các cụ như bố mẹ.
Bác sĩ Trần Doãn Nam, Trưởng phòng Y tế khám, chữa trị người bệnh. |
Trực chia 3 ca, 6 giờ sáng đến 2 giờ chiều, 2 giờ chiều đến 10 giờ đêm, 10 giờ đêm đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. Liên tục thay nhau, vừa trực cơ quan, cả trực bệnh viện. Các anh chị ở các huyện Hương Sơn, Can Lộc, có nơi gần trăm cây số, con nhỏ, sáng đi tối về, gian nan vất vả, nhưng vẫn luôn đến làm đúng giờ quy định, thực hiện tốt các tiêu chí của cơ quan đề ra. Mặc dù đồng lương hạn hẹp, tiền trực mỗi đêm chỉ trợ cấp 35.000 đồng, nhưng mọi người vẫn nhiệt tình với công việc.
Bác sĩ Trần Doãn Nam, Trưởng phòng Y tế của Trung tâm cho biết, Trung tâm có 18 người, 2 bác sĩ, 5 y sĩ, trong đó 3 y sĩ đa khoa, 2 y sĩ y học cổ truyền, 1 dược sĩ, còn lại điều dưỡng. Ngoài hệ số lương, phụ cấp theo quy định, không có gì thêm, tiền trực thấp, thức trực cả đêm rất vất vả. Trước chưa thành lập được Trung tâm Y tế, các cụ đau nặng phải bố trí xe cộ chở đi khám tại các bệnh viện tuyến trên, từ khi có Trung tâm y tế phần nào đã giảm bớt phần khó khăn, chất lượng chăm sóc, điều trị được nâng lên. Hiện ở Trung tâm các cụ còn khỏe tự phục vụ chỉ có vài người, đa số các cụ không tự phục vụ được, nằm liệt lâu ngày bị lở loét, mọi sinh hoạt nhân viên phải phục vụ từ A đến Z.
Ông Trần Viết Tới, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh cho biết: Những năm qua, chính quyền, Đảng ủy tỉnh Hà Tĩnh đã quan tâm, có nhiều chính sách nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng; đồng thời, tỉnh Hà Tĩnh thống nhất chủ trương, chuẩn bị đầu tư mở rộng 30.000m2, tổng kinh phí gần 90 tỉ đồng, nâng quy mô tiếp nhận lên 300 giường, nguồn vốn do ngân sách tỉnh đầu tư và Tập đoàn Vingroup tài trợ.
Hiện Trung tâm có 140 giường, chia 4 khối có công năng khác nhau, bảo đảm thuận tiện sinh hoạt. Các cụ ngày càng nhiều tuổi, sức khỏe yếu dần, đi lại khó khăn. Trung tâm phục vụ hàng trăm người, nếu có 2 cụ nằm bệnh viện tuyến tỉnh là không đủ người phục vụ. Một cụ nằm viện là phải bố trí ca trực, 3 người 3 ca trực/ngày, ngoài tiền lương ra phải chi phí tiền trực, đi lại, xăng xe, phục vụ bệnh nhân, ăn uống, gửi xe. Đó mới ở Hà Tĩnh, còn ra Hà Nội phải tốn thêm nhiều chi phí khác…
Để Trung tâm hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao; tạo môi trường sống tốt hơn cho đối tượng yếu thế, cần có sự quan tâm, cơ chế chính sách thích hợp để hỗ trợ cho các đối tượng bị bệnh nặng phải điều trị các cơ sở y tế tuyến trên và hỗ trợ cho cán bộ, nhân viên Trung tâm. Đây không chỉ là giải quyết các chế độ hợp lí mà còn động viên, khuyến khích cán bộ, nhân viên gắn bó lâu dài tại Trung tâm, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng yếu thế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.