Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, sáng 10/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).
Theo đó, đa số đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Căn cước công dân (sửa đổi) như Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, việc ban hành Luật Căn cước công dân (sửa đổi) nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng Chính phủ điện tử, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Căn cước công dân hiện hành.
Tạo thuận lợi cho người dân trong khai báo, sửa đổi thông tin
Để việc xây dựng, ban hành Luật Căn cước công dân (sửa đổi) được chặt chẽ, phát huy có hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đồng bộ, sớm hoàn thiện ứng dụng tài khoản định danh điện tử, kết nối, chia sẻ thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát huy tối đa hiệu quả của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ công trực tuyến và tích hợp thông tin làm giàu dữ liệu dân cư là việc rất có ý nghĩa. Vì vậy, các trường thông tin trong thẻ căn cước cần phải được quy định và hướng dẫn cụ thể, để bảo đảm thông suốt. Cho rằng hạ tầng công nghệ số của ngành công an còn tồn tại những bất cập, gây khó khăn nhất định cho người dân khi khai báo hoặc làm thủ tục, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị, thời gian tới, Bộ Công an chú trọng đầu tư nhiều hơn cho hạ tầng công nghệ số nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình khai báo, sửa đổi thông tin…
Đồng thời, nhiều đại biểu còn băn khoăn việc tích hợp quá nhiều thông tin cá nhân vào thẻ căn cước và đề nghị cần làm rõ giải pháp công nghệ để khai thác hiệu quả thông tin, không làm lộ, lọt bí mật thông tin, không ảnh hưởng, không vi phạm quyền công dân, quyền con người.
Đề cập vấn đề này, đại biểu Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) đề nghị bổ sung quy định chỉ cấp quyền khai thác thông tin tích hợp trong căn cước phù hợp với yêu cầu quản lý, giao dịch của công dân trong từng trường hợp cụ thể và cần có sự đồng ý, giám sát của công dân. Các đại biểu cũng đề nghị, cần quy định rõ hơn trách nhiệm của Bộ Công an, sự phối hợp giữa Bộ Công an với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp trong khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu hoặc Chính phủ phải có lộ trình để đạt được các mục tiêu đặt ra trong luật này…
Thảo luận về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Viễn thông và cho rằng các nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị xem xét kỹ quy định về Quỹ Viễn thông công ích để không chồng chéo với mục đích chi ngân sách, bảo đảm rõ ràng, minh bạch, không tạo sức ép lên doanh nghiệp, người dân.
Cho ý kiến về Quỹ Viễn thông công ích, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải (Quảng Nam) cho biết, cần giảm nhẹ các loại phí cho doanh nghiệp, người dân, tránh chồng chéo giữa các loại thuế phí, trùng lắp giữa mục đích chi của Quỹ với mục đích chi của ngân sách nhà nước; đồng thời đề nghị đánh giá tác động kỹ lưỡng đối với quy định liên quan đến quỹ này, đưa ra những quy định chặt chẽ nếu duy trì hoạt động của quỹ này, tránh gây sức ép lớn cho người dân và doanh nghiệp.
Cần có giải pháp căn cơ, triệt để, xử lý tình trạng sở hữu chéo
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đóng góp ý kiến về tỷ lệ sở hữu cổ phần, các đại biểu đề nghị làm rõ hơn cơ sở đề xuất các tỷ lệ như tại dự thảo Luật; đánh giá rõ thực trạng sở hữu cổ phần tại các tổ chức tín dụng thời gian qua, hệ quả của việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần để xác định rõ mức độ, nguyên nhân của tình trạng sở hữu chéo để đề xuất giải pháp căn cơ, triệt để và xử lý được tình trạng sở hữu chéo hiện nay; bổ sung đánh giá tác động của các quy định đối với các cổ đông hiện hữu.
Đại biểu Nguyễn Hải Trung (Hà Nội) và một số đại biểu cho rằng, tình trạng sở hữu chéo, thao túng lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Dự thảo Luật sửa đổi, điều chỉnh giảm tỷ lệ sở hữu của các cá nhân, tổ chức, tăng tính đại chúng của các tổ chức tín dụng và mở rộng thêm các diện đối tượng liên quan là cần thiết.
Tuy nhiên, các giải pháp nêu trong dự thảo Luật chỉ là giải pháp kỹ thuật để hạn chế các cổ đông lớn. Vì vậy, Ban soạn thảo cần bổ sung thêm vào dự thảo Luật các quy định, tăng cường vai trò của Ngân hàng Nhà nước để hạn chế hành vi lạm quyền cổ đông lớn, quyền quản trị điều hành để thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng; đồng thời, nghiên cứu, đề xuất thêm các biện pháp, giải pháp để quản lý, kiểm soát việc lách luật, sử dụng nhiều cá nhân pháp nhân khác đứng tên cổ phần tạo nhóm cổ đông lớn để điều hành các tổ chức tín dụng.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, vấn đề đặt ra không phải là hạn chế, mà cần chấm dứt tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống tín dụng. Đây là vấn đề rất khó khăn, những quy định trong trong dự thảo Luật chưa đủ mạnh để chấm dứt tình trạng sở hữu chéo. Nhấn mạnh việc chấm dứt sở hữu chéo liên quan đến việc công khai, minh bạch, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm, đại biểu cho rằng, cần xem xét, thiết kế lại mô hình cơ quan giám sát, kiểm tra tài chính liên quan đến ngân hàng, để giải quyết hiệu quả hơn nữa vấn đề này.
Thảo luận về ngân hàng chính sách xã hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) thống nhất với việc quy định về ngân hàng chính sách xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh trong Luật. Đại biểu đề nghị, cần giải thích rõ quy định ngân hàng chính sách xã hội không thực hiện dự trữ bắt buộc như ngân hàng thương mại khác. Lý giải về điều này, đại biểu cho biết, ngân hàng chính sách xã hội tỷ lệ rủi ro rất cao, khả năng mất cân đối là khá lớn vì phần lớn cho vay đối tượng yếu thế, đối tượng khó khăn, không có tài sản bảo đảm. Nếu không có dự trữ bắt buộc sẽ rất khó khăn trong nguồn vốn nếu gặp rủi ro.
Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) và một số đại biểu cho rằng, hoạt động của ngân hàng chính sách xã hội cần phải được quy định và điều chỉnh trong luật của các tổ chức tín dụng; cần bổ sung thêm hai khái niệm quy định rõ hơn về ngân hàng chính sách xã hội và tín dụng chính sách xã hội. Mặt khác, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung quy định riêng cho ngân hàng chính sách xã hội; đồng thời, quy định cụ thể hơn về tổ chức hoạt động, cơ chế tài chính, kể cả việc xử lý nợ xấu ngân hàng chính sách xã hội cũng khác với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng khác.
Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) còn có nội dung chưa phù hợp, chưa thống nhất với quy định của Hiến pháp, của một số luật hiện hành có liên quan cả về thẩm quyền và nội dung; nhiều nội dung còn chưa bảo đảm tính khả thi. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng thực trạng về hệ thống, các tổ chức tín dụng, làm rõ các vướng mắc, bất cập của pháp luật hay do quá trình thực thi pháp luật, trên cơ sở đó sẽ rà soát lại phạm vi, các quy định cần sửa đổi, bổ sung…
Đại biểu ĐỖ THỊ VIỆT HÀ (Bắc Giang) |
Về cơ chế xác định giá khoản nợ xấu, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chưa nêu rõ cơ sở xác định giá thị trường, chưa nêu rõ thế nào là phù hợp với giá thị trường, gây khó khăn cho triển khai trong thực tế. Do đó, cần làm rõ hơn cơ sở xác định giá thị trường, nguyên tắc phù hợp với giá thị trường của các khoản nợ xấu, tài sản có liên quan hoặc giao Chính phủ hướng dẫn thực hiện.
Đại biểu NGUYỄN TÂM HÙNG (Bà Rịa-Vũng Tàu) |
Nguồn:https://nhandan.vn/chu-trong-dau-tu-ha-tang-cong-nghe-so-khi-xay-dung-co-so-du-lieu-dan-cu-post757137.html