Bồi thường ở mức cao không thể thay thế được an cư của người dân
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội chung quanh dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) khẳng định, Luật Đất đai là một đạo luật rất quan trọng, sau 10 năm thực thi Luật Đất đai năm 2013 đã góp phần giảm những tranh chấp liên quan đất đai, cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: TRUNG HƯNG)
Tuy nhiên, đại biểu cũng nêu rõ, cho đến hiện tại, đất đai vẫn là vấn đề “nóng”, được rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và kể cả khi khi xin ý kiến nhân dân về sửa đổi Luật Đất đai cũng đã có trên 12 triệu lượt ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, có 3 nội dung lớn được nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm góp ý hoàn thiện dự án luật, bao gồm công tác thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư và bồi thường.
Bày tỏ đặc biệt quan tâm đến vấn đề thu hồi đất, đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ, cần phải có những quy định rất chi tiết những trường hợp nào thuộc diện thu hồi đất, đồng thời lưu ý rằng trong thu hồi đất, dù có bồi thường ở mức cao đi nữa cũng không thể thay thế được mong muốn an cư của người dân.
“Một khi người dân đã mua đất, đã chọn chỗ ở, tức là người dân đã có sự nghiên cứu tất cả các yếu tố về môi trường chung quanh, về gia đình, truyền thống, quê hương… Cho nên chúng ta phải hạn chế tối đa những trường hợp phải thu hồi đất. Khi đã thu hồi đất thì phải có một kế hoạch truyền thông thật tốt, và phải có sự tham gia của các tổ chức dân cử để giám sát ngay từ đầu”, đại biểu nhấn mạnh.
Khi thu hồi đất phải có một kế hoạch truyền thông thật tốt, và phải có sự tham gia của các tổ chức dân cử để giám sát ngay từ đầu. |
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) |
Đại biểu cho rằng phải chú ý hơn đến công tác giám sát từ đầu các chủ trương thu hồi đất, theo đó phải đưa ra bàn thảo, lấy ý kiến của nhân dân, các tổ chức dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Về vấn đề quản lý, sử dụng đất công hiện nay, theo đại biểu đây là vấn đề nhức nhối, đòi hỏi phải giải quyết thấu đáo để sử dụng một cách hiệu quả đất công, bởi nếu để đất công lãng phí sẽ rất dễ dẫn đến những bức xúc trong xã hội, gây lãng phí nguồn lực xã hội trong bối cảnh đất nước hiện nay đang rất cần các nguồn lực.
“Trong khi chúng ta rất cần nguồn lực về tài chính để đầu tư các dự án về hạ tầng kinh tế xã hội, các dự án giao thông, bệnh viện, trường học, chống ngập… nhưng nhiều dự án đất công lại không được sử dụng, kể cả các tài sản công. Đây là vấn đề mà chúng ta cần phải hết sức quan tâm”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu rõ.
Liên quan các dự án treo, đại biểu cho rằng cần phải dựa vào công cụ thuế để giải quyết vấn đề này, bởi nếu để treo dài hạn sẽ rất lãng phí nguồn lực đất đai và quan trọng hơn còn gây ảnh hưởng đến môi trường.
“Cho nên chúng ta phải dùng công cụ thuế và thu hồi đất để xử lý. Những dự án công hay các dự án đầu tư nếu để quá lâu năm mà không triển khai thì phải thu hồi, còn nếu thuộc về sở hữu của người dân mà để lãng phí thì sẽ dùng công cụ thuế đất đối với việc sử dụng đất lãng phí đó”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu kiến nghị.
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng nêu rõ sự cần thiết phải bảo đảm việc tính giá đất một cách hợp lý để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.
“Tôi cho rằng nên có sự thống nhất chung về việc lựa chọn 1 phương pháp tính giá đất hợp lý nhất để người dân và các tổ chức khác có thể dựa vào đó để tính giá đất, bởi nếu chúng ta đưa ra nhiều phương án sẽ dễ dẫn đến xung đột”, đại biểu kiến nghị, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tuyên truyền để thống nhất việc sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai.
Hai miếng đất chung 1 con mương nhưng chênh lệch lớn về giá
Đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: TRUNG HƯNG)
Cũng chia sẻ quan điểm về phương pháp xác định giá đất thống nhất, đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) cho rằng trong luật không thể đưa được vấn đề xác định giá đất cụ thể, bởi giá đất luôn biến động.
Do đó, đại biểu cho rằng chỉ nên đưa ra 1 quy định chung tính giá đất theo cơ chế thị trường là hợp lý.
Đại biểu nêu thực tế bản thân đã từng chứng kiến 2 miếng đất chung 1 con mương nhưng lại chênh lệch lớn về giá: “Tôi đã từng chứng kiến 1 miếng đất ở Sóc Sơn (Hà Nội), 1 miếng đất ở Vĩnh Phúc cùng chung 1 con mương nhưng bên này theo giá đất Hà Nội, bên kia lại theo giá đất của tỉnh. Một bên 40 triệu đồng, một bên chỉ khoảng 4 triệu đồng thì xử lý thế nào? Không thể đưa vào luật được”.
Do đó, đại biểu cho rằng phải đưa vào luật nguyên tắc xác định giá đất theo cơ chế thị trường và tính toán, xác định chuyên môn để hợp lý nhất, tránh tình trạng hiện nay xác định giá đất nhiều khi không sát, người dân thì thiệt thòi mà chủ doanh nghiệp kinh doanh nhà thương mại lại được hưởng địa tô quá lớn, dẫn đến bất hợp lý.
Phải đưa vào luật nguyên tắc xác định giá đất theo cơ chế thị trường và tính toán, xác định chuyên môn để hợp lý nhất. |
Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (Hà Nội) |
Theo đại biểu Trương Xuân Cừ, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) phải cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai, đặc biệt là Nghị quyết 18 đã nêu những vấn đề bức xúc, cần phải tập trung giải quyết liên quan giá đất, cấp đất, quản lý đất, quy hoạch về đất đai…
Nêu thực trạng khâu quản lý sử dụng đất hiện nay còn nhiều lỗ hổng, khi có hiện tượng các nông trường đang từ đất rừng, đất phòng hộ chuyển sang đất ở, đất sản xuất, đại biểu Hà Nội cho rằng các cấp ủy, chính quyền các cấp, từ tổ, thôn, xóm đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cả Chính phủ phải vào cuộc để xác định trách nhiệm trong công tác quản lý.
“Nếu chúng ta không quản lý chặt chẽ bất cứ 1 khâu nào đấy thì chắc chắn sẽ dẫn tới sai phạm. Theo tôi trong luật này phải làm rõ thêm trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong vấn đề quản lý sử dụng đất”, đại biểu Trương Xuân Cừ nêu kiến nghị.