Bước vào những tháng cao điểm của hoạt động du lịch, vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được các ban, ngành, địa phương và các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống trên địa bàn tỉnh đặc biệt chú trọng. Qua đó không chỉ góp phần mang đến cho du khách kỳ nghỉ an toàn, trọn vẹn mà còn góp phần xây dựng thương hiệu điểm đến.
Việc đảm bảo ATVSTP từ khâu chọn nguyên liệu đến chế biến món ăn được cơ sở The Palm Puluong Homestay & Restaurant (xã Thành Lâm, Bá Thước) đặc biệt chú trọng.
Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông là nơi tập trung phần lớn cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống trên địa bàn huyện Bá Thước. Theo số liệu thống kê, hiện tại ở đây có gần 80 cơ sở lưu trú, có thể đón tối đa 1.500 khách/ngày, đêm; cùng với đó là khoảng 400 lao động địa phương đang phục vụ tại các cơ sở này. Thực tế, vào thời điểm cuối tuần và các dịp nghỉ lễ, công suất sử dụng phòng tại khu du lịch này đạt từ 80 – 100%.
Để đảm bảo công tác ATVSTP, huyện Bá Thước đã ban hành kế hoạch, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm. Bên cạnh đó, thành lập các đoàn kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quản lý theo kế hoạch kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm, đảm bảo không chồng chéo, trùng lắp với các đoàn thanh tra, kiểm tra của tỉnh. Trong đó, đoàn kiểm tra có đầy đủ thành phần, chuyên môn và đúng thẩm quyền, chuẩn bị các văn bản liên quan, trang thiết bị kỹ thuật lấy mẫu, dụng cụ kiểm tra nhanh tại hiện trường, xử lý nghiêm và kịp thời các vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm. Cùng với đó, tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong chỉ đạo, điều hành và nâng cao nhận thức, kiến thức, thực hành đúng về an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng thực phẩm. Đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá, kết nối sản xuất – tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn đến các hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông.
Chủ cơ sở The Palm Puluong Homestay & Restaurant (xã Thành Lâm, Bá Thước) Nguyễn Thái Sơn cho biết: “Việc đảm bảo an toàn thực phẩm không chỉ góp phần mang đến cho du khách một kỳ nghỉ trọn vẹn, ý nghĩa mà chúng tôi xác định đây là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Hàng năm, đội ngũ quản lý, người lao động cơ sở chúng tôi đều tham gia vào các lớp tập huấn ATVSTP, kỹ thuật chế biến món ăn… Đồng thời ký cam kết đảm bảo ATVSTP; bố trí nơi thu gom, xử lý chất thải đúng quy định; có dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến; có sổ và tủ lưu mẫu thức ăn riêng biệt theo đúng quy định… Ngoài ra, với nguồn cung thực phẩm, nông sản đảm bảo chất lượng trên địa bàn huyện tương đối lớn góp phần mang đến cho du khách những bữa ăn ngon, an toàn”.
Còn tại khu du lịch sinh thái biển Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn), hiện có gần 40 cơ sở lưu trú và hàng chục nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống. Vào thời gian cao điểm, trung bình mỗi ngày, các cơ sở lưu trú, ăn uống tại đây tiêu thụ tới hàng tấn thủy hải sản các loại. Theo đó, chuẩn bị cho mùa du lịch biển năm nay, các chủ nhà hàng, khách sạn đã chủ động khảo sát, ký hợp đồng cung ứng với các đơn vị, cá nhân nuôi trồng thủy hải sản trên địa bàn thị xã và các địa phương ven biển khác. Việc nhập hàng được thực hiện hàng ngày để đảm bảo nguồn thực phẩm tươi sống, an toàn.
Ông Trần Anh Đức, quản lý nhà hàng Tứ Quý (đường C-C3) cho biết: “Cơ sở chúng tôi có tổng diện tích trên 500m2, thời gian cao điểm nhà hàng có thể phục vụ tới 300 khách ăn uống. Cùng với giá cả hợp lý thì việc chế biến món ăn ngon, bảo đảm ATVSTP luôn được nhà hàng đặt lên hàng đầu, bởi đây là một trong những yếu tố hết sức quan trọng tạo dựng niềm tin với du khách. Nhà hàng đã ký kết hợp đồng với các đầu mối ở địa phương, cung cấp hải sản tươi sống hàng ngày để phục vụ du khách. Trong đó khâu lựa chọn nguyên liệu đầu vào được kiểm soát chặt chẽ; thực hiện quy trình bếp 1 chiều (hình thức bếp ăn được thiết kế theo thứ tự từ nguyên liệu đầu vào cho đến thành phẩm đầu ra); phòng ăn, bàn ghế sạch sẽ, có đủ nhà vệ sinh và bồn rửa tay cho khách hàng; có tủ lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định…”.
Xác định bảo đảm ATVSTP là một trong những tiêu chí kinh doanh, để thu hút du khách về với các khu, điểm du lịch trên địa bàn thị xã Nghi Sơn, ngay từ đầu năm 2023, UBND thị xã đã chỉ đạo các địa phương có khu, điểm du lịch xây dựng phương án đảm bảo ATVSTP. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành liên quan kiểm tra các cơ sở về giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (cơ sở thuộc diện phải cấp giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm), hồ sơ khám sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm, danh sách đáp ứng kiến thức an toàn thực phẩm của người tiếp xúc với thực phẩm; có đầy đủ hồ sơ nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, hồ sơ nguồn nước sản xuất dùng để chế biến, sổ kiểm thực 3 bước… Đồng thời hướng dẫn cho các chủ nhà hàng, khách sạn thực hiện tốt các quy định về ATVSTP như khám sức khỏe, cập nhật kiến thức ATVSTP…
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó đảm bảo ATVSTP được các cấp, ngành, địa phương và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đặc biệt chú trọng, kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, toàn tỉnh đã đón gần 1,2 triệu lượt khách, vươn lên trở thành địa phương dẫn đầu lượng khách của cả nước trong dịp nghỉ lễ này. Điều đáng ghi nhận ở các khu, điểm du lịch trong kỳ nghỉ lễ này là vấn đề ATVSTP được đảm bảo, không để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng liên quan đến ngộ độc thực phẩm. Từ tháng 6, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ bước vào cao điểm hè, tiếp tục đón các đoàn khách lớn trong nước và quốc tế. Theo đó, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo ATVSTP sẽ là yếu tố quan trọng để du lịch Thanh Hóa tiếp tục ghi dấu ấn, hoàn thành mục tiêu đón trên 12 triệu lượt khách trong năm 2023.
Bài và ảnh: Hoài Anh