Đưa thương hiệu Việt ra nước ngoài
Những năm gần đây, nhiều mặt hàng Việt Nam đã ghi dấu ấn với thế giới khi hàng loạt các sản phẩm từ Việt Nam đã xuất hiện trên các quầy kệ của hệ thống phân phối thế giới. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng gỗ, dệt may, nông sản, thực phẩm… đang từng bước xuất khẩu dưới thương hiệu của riêng mình, thay vì gia công như trước đây. Điều này giúp doanh nghiệp thu về giá trị cao hơn gấp nhiều lần.
Ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gỗ An Cường cho hay, tính đến thời điểm hiện tại, công ty đã nhận đơn hàng xuất khẩu đến hết tháng 11 và đơn hàng trong nước có đến hết tháng 8-9/2024. Việc xuất khẩu dưới thương hiệu của mình đã giúp doanh nghiệp thu được lợi nhuận tăng từ 3 – 4 lần so với gia công. “Nếu như trước đây làm gia công, doanh nghiệp chỉ thu về lợi nhuận 2-3% trong tổng giá trị đơn hàng, nay tăng lên 8-10%”, ông Nghĩa cho hay..
Hiện tại, công ty tập trung vào 2 thị trường chính là Mỹ và Nhật, trong đó thị trường Mỹ đã chiếm tới 85%. Doanh nghiệp tích cực tham gia hội chợ triển lãm ở nước ngoài và đặc biệt ở Mỹ để quảng bá thương hiệu và tìm khách hàng. Mỗi năm, doanh nghiệp dành khoảng 3% trong tổng doanh thu để xây dựng thương hiệu.
Cà phê nông sản thương hiệu Meet More được giới thiệu tại một siêu thị ở Úc vào dịp Tết vừa qua và nhận được phản hồi tích cực, giúp Công ty TNHH Liên kết thương mại toàn cầu (đơn vị sở hữu thương hiệu Meet More) gặt hái những đơn hàng ấn tượng cho năm 2024. |
Với lĩnh vực thực phẩm, bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Bình Tây cho biết – các mặt hàng như: Bún, miến, phở, mì mang các thương hiệu Lá Bồ Đề, Simply Food của đơn vị đang được xuất sang các thị trường như: Hàn Quốc, Mỹ, Canada, Australia và được người tiêu dùng ưa chuộng. Những tháng đầu năm, đơn hàng công ty dồn dập. Dù hoạt động hết công suất vẫn không đáp ứng đủ đơn hàng nên công ty phải mở rộng quy mô.
Theo bà Giàu, hiện tại, Công ty CP Thực phẩm Bình Tây đã có đủ đơn hàng xuất khẩu cho cả năm, thậm chí hàng sản xuất ra không đủ bán. Doanh nghiệp dự kiến xuất khẩu khoảng 800-1.000 container trong năm nay và kỳ vọng doanh thu sẽ tăng hơn 300%.
“Ngoài phục vụ thị trường nội địa, năm nay các đơn hàng xuất khẩu tăng 2 con số những tháng đầu năm”, bà Giàu nói và cho rằng bún, miến, phở của doanh nghiệp được thị trường Mỹ, Canada rất ưa chuộng.
Thực tế, gỗ An Cường hay bún, phở Bình Tây chỉ là hai trong rất nhiều các thương hiệu Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài. Những năm qua, nhiều sản phẩm “Made in Việt Nam” đã thành công đi ra nước ngoài bằng thương hiệu riêng như: Cà phê Trung Nguyên, sữa Vinamilk, thanh long Hoàng Hậu, Cơm Việt Nam rice, cà phê nông sản Meet More… mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu hàng hoá mang thương hiệu riêng ra thị trường thế giới.
Đây là những kết quả tích cực, có sức lan toả đối với các thị trường tiềm năng, qua đó, tạo động lực, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam gia tăng thị trường hoặc giá trị thương hiệu ở những thị trường truyền thống, đồng thời tiếp cận và thâm nhập vào các thị trường mới.
Theo đánh giá của Tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới – Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% trong giai đoạn từ năm 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2023 đạt 498,13 tỷ USD tăng 15,6% so với năm 2022 và liên tục tăng trưởng 2 con số trong 5 năm qua, xếp thứ 33 trong top 121 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới được xếp hạng.
Giữ vững chất lượng, thương hiệu hàng Việt
Theo các chuyên gia, việc doanh nghiệp nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu hàng Việt đã khó, để giữ được chất lượng, thương hiệu càng khó hơn. Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit chia sẻ, trước đây, các doanh nghiệp thường chỉ nói về chất lượng, nhưng hiện nay còn phải nói về công nghệ sạch, bảo vệ môi trường. Đây là những yếu tố để người tiêu dùng tin tưởng sử dụng sản phẩm.
Để làm được điều này doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu, làm quen với cách thức vận hành, kinh doanh theo phương thức tương tự, phù hợp để không bị chậm chân, lạc hậu về công nghệ, cách tiếp cận khách hàng mới. Trong đó, việc ứng dụng khoa học – công nghệ để thúc đẩy sản xuất xanh – sạch – bền vững để đáp ứng các tiêu chuẩn về hội nhập là vô cùng quan trọng.
“Không chỉ thị trường xuất khẩu, mà ngay cả thị trường trong nước, xu hướng tiêu dùng xanh, bền vững đang được nhiều người tiêu dùng đón nhận. Do đó, công ty sẽ tiếp tục phát triển xu hướng sản xuất sạch, an toàn, đồng thời đẩy mạnh phát triển thị trường, nâng cao sức cạnh tranh” – ông Nguyễn Lâm Viên nhấn mạnh.
Để tiếp tục xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị xuất khẩu cho các sản phẩm chủ lực của Việt Nam, trong năm 2024 và các năm tiếp theo, Bộ Công Thương khẳng định sẽ đồng bộ thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, Bộ Công Thương sẽ tập trung 3 nhóm giải pháp gồm: Nhóm thứ nhất là nâng cao nhận thức của xã hội. Nhóm thứ hai là nâng cao năng lực hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam để có năng lực xây dựng, quản trị thương hiệu tiệm cận tiêu chí của chương trình Thương hiệu quốc gia. Thứ ba là đẩy mạnh quảng bá thương hiệu quốc gia.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng khuyến nghị doanh nghiệp cần chấp hành đúng các nguyên tắc kinh doanh công bằng, xây dựng chiến lược phát triển bền vững, định giá thương hiệu để tối ưu hoá các phương án tăng trưởng giá trị thương hiệu, tăng tốc trong những năm tới.