Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, Phó Chủ tịch Hội đồng về Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế 8 ngành (Công nghệ thông tin – Truyền thông, Cơ khí – Tự động hóa, Trí tuệ nhân tạo, Quản trị doanh nghiệp, Tài chính – Ngân hàng, Y tế, Du lịch, Quản lý đô thị) giai đoạn 2020 – 2035 và Đại học, chia sẻ đề án đã thực hiện và đạt được nhiều kết quả.
Các đề án đã được nghiệm thu gồm: Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành tài chính – ngân hàng; Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành Y tế đã được nghiệm thu ngày tháng 7-2024; Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành công nghệ thông tin – truyền thông; Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành trí tuệ nhân tạo; Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành Quản lý Đô thị đã nghiệm thu 8-2023.
Các đề án khác như Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành cơ khí – tự động hóa; Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành quản trị doanh nghiệp; Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành du lịch đang được triển khai.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH trên địa bàn TP HCM cũng nhìn nhận việc triển khai thực hiện thí điểm đào tạo gặp khó khăn do quy định pháp luật cho việc đặt hàng đào tạo và kinh phí thực hiện. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Chuẩn cơ sở giáo dục ĐH theo Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT ngày 05/02/2024 gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với tiêu chuẩn về cơ sở vật chất…
Về kế hoạch trọng tâm cho những tháng cuối năm, Hội đồng thống nhất triển khai thí điểm đào tạo các đề án đã được nghiệm thu theo kế hoạch của UBND TP HCM; tiếp tục triển khai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ đối với những đề án còn lại để nghiệm thu trong năm 2025; triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng TP HCM thành Trung tâm quốc tế về giáo dục và đào tạo thu hút sinh viên khu vực và thế giới”; tổ chức thực hiện thí điểm tại các cơ sở giáo dục ĐH đáp ứng yêu cầu đào tạo sinh viên quốc tế; triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch khu đại học theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 sau khi Thủ tướng phê duyệt; hỗ trợ các trường triển khai thực hiện chuẩn cơ sở giáo dục đại học theo Thông tư số 1-2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo…
Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, Chủ tịch Hội đồng, cho biết vấn đề cần làm hiện nay là tập trung giải quyết các vướng mắc của các trường đại học. Trước mắt phải làm sao để ĐHQG TP HCM nhanh chóng hình thành khu đô thị ĐH như quy hoạch.
“Phải nhanh chóng tháo gỡ, triển khai và hình thành các khu ĐH ở Bình Chánh 500 héc-ta và khu Tây Bắc, huyện Củ Chi. Muốn làm được điều này chúng ta phải bắt đầu giải quyết vướng mắc của các ĐH như Trường ĐH Tài chính – Marketing đang vướng mắc ở chỗ Long Trường, chúng tôi sẽ trao đổi với TP Thủ Đức để giải quyết sớm. Các trường ĐH gặp vướng mắc tương tự, cứ gửi thông tin về UBND TP HCM để họ tổng hợp, trình, chúng tôi sẽ chỉ đạo trực tiếp”- ông Mãi nói thêm.
Hội nghị cũng nghe 3 tham luận, trong đó có tham luận “Công tác thực hiện Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060” của Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP HCM.
Đại diện Sở Quy hoạch – Kiến trúc chia sẻ định hướng quy hoạch phát triển không gian tổng thể và xây dựng cấu trúc thành phố đa trung tâm bao gồm các tầng bậc. Trong đó, có định hướng phát triển hạ tầng giáo dục ĐH và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP HCM thời gian tới. Theo đó, mạng lưới này cần tập trung thành từng cụm ở khu vực ngoại thành và ưu tiên phát triển theo 3 hướng: đông, nam, tây bắc. Định hướng này nhằm phát triển mạng lưới một cách cân bằng, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực hỗ trợ tương tác với khu công nghệ cao, công nghiệp dịch vụ được hình thành trong tương lai. Mạng lưới giáo dục ĐH và đào tạo nghề nghiệp tiếp tục tuân thủ 3 cụm trung tâm giáo dục theo quy hoạch trước đó.
Bên cạnh 3 cụm trung tâm đào tạo lớn trên, TP HCM định hướng bổ sung thêm khu nghiên cứu đào tạo, trường CĐ ở Củ Chi – Hóc Môn nằm gần các cụm phát triển nông nghiệp công nghệ cao để cung cấp và đào tạo nguồn nhân lực hỗ trợ cho các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công nghệ cao…
Bà Trần Thị Diệu Thúy làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Hiệu trưởng
Tại hội nghị, đại diện Sở Nội vụ TP HCM đã công bố Quyết định của Chủ tịch UBND TP HCM về bổ sung, thay thế thành viên Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH trên địa bàn TP và Tổ giúp việc Hội đồng Hiệu trưởng.
Theo quyết định, bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP HCM giữ nhiệm vụ Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Hiệu trưởng TP, thay thế ông Dương Anh Đức (đã chuyển công tác khác). Ông Nguyễn Bắc Nam, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP là thành viên Hội đồng Hiệu trưởng TP thay thế ông Lâm Hùng Tấn (đã chuyển công tác khác).
Cùng với đó, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD- ĐT TP HCM được bổ sung làm thành viên Hội đồng Hiệu trưởng TP.
Nguồn: https://nld.com.vn/chu-tich-ubnd-tp-hcm-chi-dao-thao-go-vuong-mac-cho-cac-truong-dh-196240813171238323.htm