Theo báo cáo của Sở KH&ĐT Quảng Nam, tính đến tháng 4/2023, toàn tỉnh có 54 DN giải thể, 631 DN đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng hơn 12% so với cùng kỳ, tương ứng tăng 68 DN. Ngoài nông, lâm nghiệp, thủy sản và dịch vụ, các ngành kinh tế khác đều gặp nhiều khó khăn. Hoạt động sản xuất công nghiệp và xây dựng trong quý I giảm 27,4% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp giảm 27,3%, xây dựng giảm 28,4%. Nguyên nhân được xác định là do nhiều DN không có đơn hàng mới, chi phí nguyên vật liệu tăng cao, thị trường tiêu dùng thu hẹp, các đơn hàng xuất khẩu giảm sút, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao do nguồn cung khan hiếm.
Riêng đối với ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô chủ lực của tỉnh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi thị trường ô tô những tháng đầu năm có phần ảm đạm. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3 giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất giảm và chỉ số tồn kho tiếp tục tăng 193%.
Trước tình hình đó, ngày 16/5, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định 974/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác đặc biệt nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh làm tổ trưởng, 2 Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang và Hồ Quang Bửu làm Tổ phó và 11 thành viên là lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh.
Tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức rà soát, tổng hợp và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh hoặc tham mưu UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết đối với các nội dung vượt thẩm quyền của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh. Đồng thời, giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các Sở, ban, ngành và địa phương; kịp thời đề xuất khen thưởng, kỷ luật các tổ chức, cá nhân có liên quan. UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm cơ quan thường trực của Tổ công tác chịu trách nhiệm định kỳ hằng quý có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương báo cáo các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh để tổng hợp, tham mưu Tổ trưởng, Tổ phó trực chỉ đạo giải quyết kịp thời.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cùng các Phó Chủ tịch, các thành viên đã cùng trao đổi, thảo luận, xây dựng kế hoạch hoạt động của Tổ trong thời gian tới, đảm bảo tính hiệu quả trong giải quyết khó khăn cho DN.
Mục tiêu từ nay đến cuối năm 2023 phải vào cuộc hỗ trợ DN, ưu tiên giải quyết theo thứ tự: nhóm DN đã hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định nhưng gặp khó khăn do đơn hàng, tài chính, nguyên liệu, lao động; nhóm DN đang triển khai dự án nhưng gặp vướng mắc, khó khăn về đất đai, giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu phục vụ thi công công trình; nhóm DN đang làm thủ tục đầu tư…
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu việc giải quyết khó khăn cho DN khi Tổ công tác đặc biệt vào cuộc phải thực hiện theo cách “đặc biệt”, giải quyết nhanh gọn, trực tiếp, không thủ tục rườm rà. Trong 6 tháng cuối năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu phải thực hiện ngay nhiệm vụ giải quyết khó khăn cho DN theo tiến độ 10 ngày giải quyết một lần, hiệu quả thể hiện rõ bằng kết quả từng tháng.