(NLĐO) – Tỉnh Đồng Tháp sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác của Thái Lan để sớm tiếp nhận các cá thể sếu đầu tiên
Ngày 12-12, tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp), UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Chương trình công bố “Đề án Bảo tồn và Phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 – 2032”.
Tại sự kiện này, ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp – đã có bài phát biểu kêu gọi cộng đồng cùng chung tay “Đưa đàn sếu trở về”
Theo đó, tỉnh Đồng Tháp từ xa xưa là vùng đất an lành, là nơi sinh sống quen thuộc của sếu đầu đỏ, loài chim quí hiếm trên thế giới. Trước đây có những năm có đến hàng ngàn chim sếu di cư về vùng đất Tràm Chim để sinh sống. Sau này, khu đất ngập nước đặc trưng Tràm Chim đã trở thành Vườn Quốc gia Tràm Chim ngày hôm nay.
Vườn Quốc gia Tràm Chim thuộc địa bàn huyện Tam Nông, có diện tích là 7.313 ha, là hệ sinh thái đất ngập nước còn sót lại của Đồng Tháp Mười xưa, có tính đa dạng sinh học rất cao, với hệ thực vật 130 loài, 130 loài thủy sản nước ngọt, là nơi trú ngụ của 231 loài chim đặc hữu của vùng.
Đặc biệt, sếu đầu đỏ loài chim quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng và được cả thế giới quan tâm bảo vệ. Với những giá trị như trên, năm 2012, Vườn Quốc gia Tràm Chim được công nhận là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới.
Do tác động của biến đổi khí hậu, sự thay đổi chế độ thủy văn và các tác động nhiều nguyên nhân đã làm cho hệ sinh thái Tràm Chim bị thay đổi, có nhiều loài động vật, thực vật bị suy thoái, trong đó có quần xã năng kim (thức ăn ưa thích của sếu đầu đỏ) bị thu hẹp dần, thành phần loài thủy sản cũng bị suy giảm về số lượng, làm ảnh hưởng đến nguồn thức ăn và môi trường sinh sống của sếu đầu đỏ.
Ngoài ra, việc canh tác nông nghiệp quá mức hiện nay cũng phần nào làm thu hẹp môi trường sinh sống của sếu đầu đỏ, dẫn đến quần thể sếu về Tràm Chim ngày càng ít dần.
Vì vậy, việc nghiên cứu, hợp tác chuyển giao, nuôi dưỡng và bảo tồn sếu đầu đỏ là yêu cầu cấp bách do các nguyên nhận như: Sếu đầu đỏ là loài chim chỉ thị về môi trường trong lành, sự phục hồi các giá trị sinh học tự nhiên; là biểu tượng về văn hóa, tâm linh trong đời sống tinh thần của người dân từ ngàn xưa; hằng năm, mỗi mùa sếu về người dân nơi đây như được đón nhận sự may mắn, một chỉ dấu cho sự khôi phục tự nhiên bền vững, mọi người dân ở Tam Nông và cả nước cùng hân hoan chào đón đàn sếu trở về.
Để hiện thực hóa ước mơ “Đưa đàn sếu trở về”, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng và phê duyệt “Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 – 2032”. Thời gian vừa qua, chúng tôi được sự giúp sức, chung tay của các tổ chức, cá nhân có tâm huyết trong và nước hỗ trợ tỉnh Đồng Tháp cùng xây dựng Đề án trên cơ sở chia sẻ kinh nghiệm câu chuyện thành công từ chương trình bảo tồn Sếu tại Vương quốc Thái Lan.
Dự kiến trong 10 năm triển khai Đề án, tỉnh Đồng Tháp sẽ có khoảng 100 cá thể sếu được nuôi và thả ra và có 50 cá thể có khả năng sinh sống trong môi trường tự nhiên. Đề án Sếu đầu đỏ sẽ giúp cho người dân và bạn bè gần xa, khi đến với Đồng Tháp có thể tận mắt quan sát, tìm hiểu môi trường sinh sống, đặc tính sinh trưởng của Sếu đầu đỏ, để người dân càng yêu quý hơn loài chim này.
Đến nay, Đề án đã triển khai một số bước đi cụ thể, gồm: Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các bên và ký kết biên bản thỏa thuận các hoạt động với đối tác của Thái Lan; triển khai một số chương trình phục hồi hệ sinh thái trong Vườn Quốc gia Tràm Chim; triển khai mô hình canh tác lúa sinh thái hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ xung quanh vùng đệm; xây dựng cơ sở vật chất chuồng trại phục vụ nuôi sếu và thực hiện các hoạt động công tác truyền thông; tập huấn chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ chăm sóc.
Kết quả bước đầu được ghi nhận, năm 2024, hệ sinh thái dần phục hồi theo đúng bản chất, đặc trưng của hệ sinh thái vùng đất ngập nước tự nhiên, nhiều loài chim đến trú ngụ với số lượng lớn, các loài thực vật quan trọng như năng kim và lúa ma cũng bắt đầu hồi phục, tạo môi trường sinh sống và nguồn thức ăn phong phú cho sếu đầu đỏ.
Trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền rộng rãi cho người dân về mục đích, ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn Sếu đầu đỏ, mỗi người dân đều phải có trách nhiệm cùng chung tay thực hiện, hình thành nét văn hóa trân trọng thiên nhiên, yêu quý và xem Sếu đấu đỏ như những người bạn, góp phần tạo môi trường sống tốt cho loài chim sếu.
Sau chương trình công bố Đề án, tỉnh Đồng Tháp sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác của Thái Lan để sớm hoàn thành hồ sơ, thủ tục cần thiết và thực hiện tiếp nhận các cá thể sếu đầu tiên theo thỏa thuận đã ký kết.
Để đạt kết quả tốt các mục tiêu Đề án đề ra, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan trực tiếp, tỉnh Đồng Tháp rất cần sự chung tay góp sức, đồng hành của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà khoa học và đơn vị đồng hành trong và ngoài nước, trong đó có các đối tác rất quan trọng từ phía Thái Lan.
“Tôi chân thành kêu gọi sự chung tay của quý đại biểu có mặt hôm nay, cũng như quý doanh nghiệp trong và ngoài nước, hãy chung tay, đồng hành cùng tỉnh Đồng Tháp giúp thực hiện thành công mục tiêu phục hồi, bảo tồn đàn sếu đầu đỏ, không chỉ cho tỉnh Đồng Tháp, cho Việt Nam mà còn bảo tồn loài sinh vật quý hiếm này cho nhân loại mai sau.
Với sự quyết tâm, sẵn sàng của tỉnh Đồng Tháp, sự chung tay và tâm huyết của tất cả chính quyền, nhân dân tỉnh Đồng Tháp, tôi tin tưởng rằng nhất định chúng ta sẽ hoàn thành tốt mục tiêu đưa đàn sếu trở về” – ông Phạm Thiện Nghĩa kêu gọi.
Nguồn: https://nld.com.vn/chu-tich-ubnd-tinh-dong-thap-keu-goi-cung-nhau-dua-dan-seu-tro-ve-196241212143645555.htm