Phát biểu kết luận tại phiên họp, Chủ tịch TPHCM đánh giá cao nỗ lực của toàn thành phố khi tiếp tục đà phục hồi kinh tế tích cực trong 8 tháng đầu năm. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 105.800 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước ước tăng hơn 15% so với cùng kỳ và đạt 71% dự toán năm.
Tuy nhiên, lãnh đạo TPHCM bày tỏ sự lo lắng khi vẫn còn những hạn chế lớn, cản trở đà tăng trưởng của thành phố.
Cụ thể, lo lắng thứ nhất – theo ông Phan Văn Mãi – giải ngân đầu tư công vẫn là hạn chế lớn. Đến nay, TPHCM chỉ giải ngân đạt 18,1%. Ông Mãi cho biết TPHCM đặt mục tiêu giải ngân từng tháng rất kỹ và có cam kết của từng chủ đầu tư.
Lãnh đạo thành phố đặc biệt nêu tên 4 ban dự án lớn của thành phố giải ngân không đạt với cam kết trước đó.
Cụ thể, trong tháng 8, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cam kết giải ngân 590 tỷ đồng, nhưng đến cuối tháng chỉ giải ngân được 86 tỷ; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị cam kết giải ngân 111 tỷ, nhưng chỉ giải ngân được 31,4 tỷ; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp cam kết giải ngân 153 tỷ, nhưng chỉ giải ngân được 60 tỷ và Ban Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM cam kết giải ngân 119 tỷ, nhưng chỉ được 32 tỷ.
Qua đó, lãnh đạo thành phố đề nghị 4 ban nói trên phải rà soát, cập nhật kế hoạch từng tháng, từng quý và từng dự án để cuối năm đạt giải ngân từ 95% như mục tiêu đề ra. Ban nào gặp khó khăn, cũng phải đạt từ 90% trở lên.
Hạn chế thứ hai mà ông Phan Văn Mãi nhắc đến là tình hình doanh nghiệp rút khỏi thị trường còn cao, hấp thụ vốn của thành phố còn thấp.
Thứ ba là sức mua thị trường chưa đạt so với tiềm năng của thành phố. Thứ tư là thành phố đang đối mặt với với dịch sởi.
Với các hạn chế này, Chủ tịch TPHCM yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát cụ thể các vướng mắc, đề ra giải pháp tháo gỡ.
Trong đó, ông yêu cầu các thành viên UBND TP, các sở, ngành và địa phương phải tập trung cao độ trong điều hành theo mục tiêu, nhiệm vụ từng tháng, từng quý.
Từng chủ tịch quận, huyện; từng Giám đốc sở-ngành rà soát từng nhiệm vụ còn nợ, nhiệm vụ gì cản trở công việc chung thì lên kế hoạch gỡ vướng.
“Rất nhiều giám đốc sở khi hỏi đến nhiệm vụ thì nói không biết. Cuối cùng là vì nhiệm vụ đã được phân công cho phó giám đốc, hoặc phó giám đốc thường trực xử lý công việc mà giám đốc không biết. Như vậy thì không được…” – Chủ tịch Phan Văn Mãi nói.
Để khắc phục tình trạng này, Chủ tịch UBND TPHCM sẽ giám sát công việc của các phó chủ tịch, các giám đốc sở. Trong trường hợp nhiệm vụ bị chậm trễ, giám đốc sở, thủ trưởng các cơ quan phải chịu trách nhiệm và Chủ tịch UBND TPHCM chịu trách nhiệm trước tập thể UBND TPHCM, Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ, HĐND thành phố.
Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng yêu cầu toàn hệ thống cần tập trung rà soát các tồn đọng kéo dài để có giải pháp gỡ vướng. Vướng ở cấp nào thì gỡ ở cấp đó. Riêng các dự án lớn như Vành đai 4, Trung tâm tài chính quốc tế, các quy hoạch chung của thành phố…cần đeo bám, hoàn tất hồ sơ để kịp trình Chính phủ và trình Quốc hội trong phiên họp cuối năm nay.
Tổng quan tình hình kinh tế-xã hội 8 tháng đầu năm của TPHCM:
Nguồn: https://vietnamnet.vn/chu-tich-tphcm-nhieu-giam-doc-so-nganh-khi-hoi-den-nhiem-vu-thi-noi-khong-biet-2318282.html